Xe tăng là một trong những vũ khí chủ đạo ở chiến trường Ukraine, từ những dòng xe từ thời Thế chiến II như T-55, T-62, cho tới các phiên bản hiện đại như T-90, Leopard 2 hay Challenger 2. Chúng được các bên tham chiến dùng làm mũi nhọn xung kích hoặc "bệ pháo di động", cung cấp hỏa lực yểm trợ quan trọng cho bộ binh.
Dù không có hỏa lực mạnh mẽ như vậy, các loại thiết giáp sử dụng pháo cỡ nòng tầm trung (20-40 mm) như xe chiến đấu bộ binh (IFV) cũng đóng vai trò quan trọng trong các trận giao tranh ở Ukraine.
Theo Sam Cranny-Evans, chuyên gia quân sự từng làm việc tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI), các dòng xe thiết giáp BMD, BMP của Nga hay BRT của Ukraine đều sử dụng pháo tự động 30 mm 2A42, với tốc độ bắn 200-800 viên/phút tùy phiên bản.
Pháo 2A42 trên xe thiết giáp có thể bắn nhiều loại đạn khác nhau như nổ mảnh hoặc xuyên giáp. "Các khẩu pháo này được sử dụng phổ biến, có hỏa lực mạnh mẽ, góp phần định hình năng lực chiến đấu của cả hai bên", Cranny-Evans nhận xét.
Xe thiết giáp M2 Bradley của Ukraine tại mặt trận Zaporizhzhia hồi tháng 6. Ảnh: Reuters
Chuyên gia này cho rằng các thế hệ xe chiến đấu bộ binh tương lai nhiều khả năng vẫn sẽ dùng pháo cỡ nòng tầm trung, đi kèm với một số cải tiến để tăng uy lực, như tăng cỡ nòng lên 50-57 mm.
Dù vậy, thiết giáp NATO, Nga, Trung Quốc hiện vẫn chủ yếu sử dụng pháo cỡ nòng 25-30 mm được sản xuất từ những năm 1970, do chúng vẫn hiệu quả trong việc đối phó với nhiều loại mục tiêu quân sự hiện nay.
"Sự hiệu quả của pháo cỡ nòng tầm trung tại Ukraine cho thấy nó vẫn sẽ tiếp tục được dùng làm vũ khí của xe thiết giáp trong tương lai", chuyên gia Peck nhận định.
Phạm Giang (Theo Business Insider)
Nguồn: VNEXPRESS.NET