“Việc triển khai các biện pháp hạn chế này là chưa từng có tiền lệ trong lịch sử hiện đại của Mátxcơva và sẽ gây ra nhiều bất tiện. Nhưng những biện pháp đó hoàn toàn cần thiết để làm chậm đà phát tán của virus corona và giảm số ca nhiễm”, Thị trưởng Sergey Sobyanin thông báo.
Chỉ có các cửa hàng bán đồ thực phẩm, thuốc men và nhà hàng giao đồ ăn tận nhà được tiếp tục hoạt động. Người dân Mátxcơva được kêu gọi hạn chế đến các địa điểm tôn giáo.
Các biện pháp được áp dụng trong bối cảnh Nga ghi nhận số ca nhiễm tăng vọt trong ngày 25/3, với 136 ca nhiễm ở Mátxcơva, nâng tổng số bệnh nhân COVID-19 của Nga lên 840, trong đó có 3 trường hợp tử vong. Chính phủ Nga cũng quyết định cấm tất cả các chuyến bay quốc tế từ ngày 27/3.
Người dân Mátxcơva sẽ phải xin phép mới được ra khỏi nhà trong thời gian phong tỏa. Ảnh: Moscow Times
Tuần trước, ông Putin khẳng định Nga đã có thể làm chậm đà lây của dịch bệnh nhờ sớm triển khai các biện pháp quyết liệt, khiến số ca nhiễm chỉ ở mức thấp đáng ngạc nhiên dù nước này có đường biên giới dài với Trung Quốc và ghi nhận ca nhiễm đầu tiên ngay từ tháng 1.
Tại Mỹ, hôm qua là ngày chết chóc nhất kể từ khi COVID-19 tấn công nước này, với ít nhất 233 ca tử vong. Mỹ đã có ít nhất 65.273 ca nhiễm và 938 người thiệt mạng vì bệnh này trên khắp 50 bang, theo tổng hợp của CNN. Thượng viện Mỹ đã thông qua gói hỗ trợ 1 nghìn tỷ USD để hỗ trợ nền kinh tế trước những tổn thất to lớn do COVID-19 gây ra. Hạ viện dự kiến bỏ phiếu về dự luật này trong ngày hôm nay. Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng khẳng định sẽ ký thành luật.
Đại sứ Mỹ tại Anh, ông Woody Johnson, hôm qua chỉ trích Trung Quốc thực hiện “chiến dịch tuyên truyền nguy hiểm và trắng trợn” về COVID-19. Ông nói rằng thế giới đáng lẽ có thể biết đầy đủ về tác động của dịch bệnh này nếu giới chức Trung Quốc không che giấu sự thật. Trong bài viết thể hiện ý kiến riêng đăng trên báo The Times của Anh, ông Johnson nói rằng Trung Quốc không tuân thủ nghĩa vụ đối với cộng đồng quốc tế về việc chia sẻ thông tin về dịch bệnh một cách minh bạch.
Tình hình tại Tây Ban Nha đang tồi tệ hơn. Tổng số ca nhiễm của nước này đã gần ngưỡng 50.000, trong đó có hơn 3.600 trường hợp tử vong. Chính phủ nước này vừa quyết định kéo dài thời gian phong toả khi dịch bệnh chưa có dấu hiệu lây chậm lại.
Nhật Bản và New Zealand đều ghi nhận số ca nhiễm tăng vọt trong ngày 25/3. Nhật Bản phát hiện thêm 98 bệnh nhân, còn New Zealand có thêm 73 người.
Tại Hàn Quốc, một cụ bà 96 tuổi trở thành bệnh nhân cao tuổi nhất ở nước này hồi phục hoàn toàn sau khi nhiễm COVID-19.
Nguồn: BÌNH GIANG
Báo Tuổi trẻ