Rất nhiều hãng hàng không, sân bay đồng tình và hối thúc chính phủ các nước khác trên thế giới mở rộng để tạo điều kiện mở cửa hàng không.

42 1 Mo Lai Duong Bay Cac Nuoc Phong Covid 19 The Nao

Ảnh: DPA

Gần 10 tháng hoành hành, dịch bệnh COVID-19 chưa thực sự chấm dứt nhưng rất nhiều quốc gia rục rịch kết nối với thế giới, với mong muốn từng bước khởi động lại nền kinh tế. Tuy nhiên, để có thể vừa mở cửa lại vừa hạn chế nguy cơ lây nhiễm, các nước phải chuẩn bị cơ sở vật chất cùng hệ thống quy định, quản lý như những “màng lọc” virus hiệu quả nhất.

Chọn lựa điểm đến để mở cửa, thiết lập “làn xanh”

Bước đi đầu tiên mà chính phủ nhiều nước thực hiện khi muốn mở lại đường bay đó chính là lên kế hoạch theo từng giai đoạn, cẩn trọng lựa chọn các quốc gia có độ an toàn cao, kiểm soát dịch tốt để kết nối trong giai đoạn đầu.

Việt Nam là một trong những điểm đến được coi là an toàn nhất cho phép các nước mở cửa ở giai đoạn đầu tiên. Hiện tại đã có nhiều quốc gia trong khu vực như: Singapore, Nhật Bản…đang trong quá trình bàn bạc với Chính phủ Việt Nam hoặc đã tái kết nối một phần đường bay vì tin tưởng vào khả năng kiểm soát, dập dịch của chính phủ sở tại.

Từ tháng 7, trong cuộc họp giữa Đại sứ Singapore tại Việt Nam Catherine Wong và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, vị đại sứ khẳng định: “Việt Nam là một trong các quốc gia Singapore mong muốn thiết lập “làn xanh” song phương trong thời điểm hiện nay để tạo thuận lợi cho việc di chuyển và phục vụ các mục đích thiết yếu, sớm nối lại các hoạt động bình thường khi điều kiện cho phép”.

Với “làn xanh” song phương, hai bên sẽ cùng miễn quy định phải cách ly đối với hành khách đến từ mỗi nước và thay bằng quy định xét nghiệm tại điểm đến. Bộ trưởng Bộ Giao thông Singapore Ong Ye Kung cho rằng, phương án sắp xếp này sẽ giúp nâng lưu lượng hành khách tại Changi tới mức tương đương 40% so với mức trước khi xảy ra dịch.

Xét nghiệm virus trực tiếp tại sân bay

42 2 Mo Lai Duong Bay Cac Nuoc Phong Covid 19 The Nao

Khu vực xét nghiệm trực tiếp tại sân bay Düsseldorf ở Đức.

Xét nghiệm trực tiếp được khuyến khích thực hiện tại nhiều sân bay. Phương án xét nghiệm PCR (Polymerase Chain Reaction) để phát hiện virus COVID-19 ngay tại sân bay được nhắc tới ở trên đã được một số quốc gia như: Đức, Pháp, Nhật, Ireland… thực hiện trên quy mô nhỏ hoặc thử nghiệm.

Ngoài ra, rất nhiều hãng hàng không, sân bay đồng tình và hối thúc chính phủ các nước khác trên thế giới mở rộng để tạo điều kiện mở cửa hàng không.

Chẳng hạn tại Nhật Bản, hành khách đến từ các quốc gia có hợp tác mở lại đường băng với Nhật Bản sẽ phải xét nghiệm virus qua phương pháp PCR trước khi tới Nhật để chứng minh họ không bị nhiễm virus và khi tới nước sở tại, họ tiếp tục phải thực hiện một quy trình xét nghiệm này một lần nữa.

Tại Anh, chính phủ nước này chưa xác nhận sẽ phổ cập hình thức xét nghiệm tại sân bay nhưng đã thử nghiệm quy trình này tại sân bay Heathrow của London đối với tất cả hành khách quốc tế.

Trong đó, hành khách bắt buộc tham gia xét nghiệm PCR và tự cách ly cho đến khi nhận kết quả 2 lần âm tính với COVID-19. Thời gian dự kiến là từ 5-24 tiếng. Hành khách sẽ phải trả chi phí xét nghiệm khoảng 150 bảng Anh (tương đương 200 USD).

Đầu tháng 9 này, Giám đốc điều hành sân bay Heathrow cùng các hãng hàng không của Mỹ, Anh đồng loạt kêu gọi Chính phủ Anh và Mỹ thực hiện biện pháp xét nghiệm COVID-19 với hành khách để từng bước đưa hoạt động đi lại hàng không trở về bình thường.

Theo đó, phương pháp này sẽ được thực hiện trên các tuyến từ New York đến London dự kiến vào cuối tháng 9 để thu thập dữ liệu và bằng chứng thực tế. “Chúng tôi tin rằng, thời điểm hiện tại khi chưa có vaccine thì xét nghiệm bắt buộc với hành khách hàng không là phương pháp tốt và hiệu quả nhất để phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế”, các CEO nói thêm.

Pháp là một trong vài quốc gia miễn phí chi phí xét nghiệm PCR. Toàn bộ hành khách đến Pháp từ 16 quốc gia trong danh sách đỏ có nguy cơ cao như Mỹ, Nam Phi, Israel, Bradil.. đều phải thực hiện yêu cầu này.

Kết quả xét nghiệm sẽ được gửi qua email tới khách quốc tế trong vòng 48 giờ và trong thời gian đó hành khách sẽ phải tự cách ly. Ngoài ra có 7 sân bay như Paris-Charles de Gaulle và Paris-Orly cũng cho phép khách quốc tế từ các nước không nằm trong danh sách đỏ, xét nghiệm tự nguyện.

Tuy nhiên, quy định xét nghiệm tại sân bay cũng đặt ra nhiều vấn đề như thời gian thực hiện lâu: thấp nhất là 1 tiếng (ở Nga) cho đến 48 tiếng (ở Pháp), dẫn tới nguy cơ dồn ứ hành, tắc nghẽn sân bay… Chưa kể, chi phí xét nghiệm tại các nước khác nhau và khá cao: Chẳng hạn sân bay FrankFrurt của Đức áp dụng mức phí từ 70 - 165 USD, tuỳ vào thời gian trả kết quả.

Chưa kể, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hình thức test nhanh có độ chính xác khoảng 80% tức là vẫn có rủi ro hành khách nhiễm bệnh lọt “lưới kiểm soát”.

Ngoài ra, sau khi đã hoàn tất quy trình thử nghiệm, hành khách quốc tế tại nhiều nước còn cần phải thực hiện một số yêu cầu chặt chẽ khác như đeo khẩu trang, liên tục sát khuẩn tay, giữ khoảng cách…

Bắt buộc bật định vị phục vụ truy vết

Tại Nhật Bản, những khách đủ tiêu chuẩn vào nước này đều phải cung cấp thông tin chi tiết về nơi sinh sống và nghỉ lại trong thời gian ở nước này cũng như hành trình di chuyển.

Chính quyền Nhật Bản còn yêu cầu hành khách hạn chế sử dụng phương tiện công cộng và bắt buộc phải bật ứng dụng định vị GPS trên điện thoại thông minh phòng trường hợp họ đã bị hoặc sẽ bị nhiễm bệnh, công tác truy vết và liên lạc với hành khách sẽ được thực hiện dễ dàng nhanh chóng hơn.

 

Trần Trang

Nguồn: baogiaothong.vn




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC