Một số loại thuốc ở Pháp. Ảnh minh họa. Flickr/Look Santé
Nỗi lo sợ này là chính đáng, bởi vì Trung Quốc là một trong số các quốc gia cung cấp nguyên liệu hàng đầu để bào chế nhiều loại thuốc điều trị hay phòng bệnh cho nhiều hãng dược lớn của Pháp. Ngay khi dịch bệnh bùng phát, Học Viện Dược Pháp đã gióng chuông báo động : 80% các chất hoạt tính dược sử dụng tại Pháp và châu Âu đều được sản xuất ngoài khu vực kinh tế châu Âu, mà một phần lớn là tại châu Á, so với tỷ lệ 20% cách nay 30 năm.
Vẫn theo Học Viện Dược Pháp, nguyên nhân chính của nguy cơ khan hiếm thuốc men và trang thiết bị y khoa là do hiện tượng toàn cầu hóa. Năm 2018, một báo cáo của học viện cho rằng « toàn cầu hóa ngành công nghiệp dược đã làm xáo trộn chu trình sản xuất thuốc ».
Theo lô gích lợi nhuận, nếu như tiến trình toàn cầu hóa cho phép ngành công nghiệp dược phẩm di dời nhà xưởng sang các nước châu Á (Ấn Độ, Trung Quốc, các quốc gia Đông Nam Á) để giảm chi phí sản xuất, tránh được một số ràng buộc về môi trường đắt đỏ, đẩy sang nước nghèo các hoạt động sản xuất giản đơn như khai thác, chế biến nguyên liệu, bào chế các loại dược phẩm hết hạn bảo hộ phát minh… thì tính chất phức tạp trong chuỗi cung ứng (cung cấp, sản xuất, dán nhãn nước sản xuất, rồi phân phối…), đợt dịch bệnh virus corona mới đang hoành hành tại Trung Quốc lần này và các hoạt động sản xuất bị trì trệ đã phơi bầy ra ánh sáng sự lệ thuộc nặng nề vào nguồn cung ứng từ Trung Quốc và nhiều nước châu Á, có thể gây nguy hại cho vấn đề an ninh y tế công cộng của quốc gia.
Theo ước tính, Trung Quốc không chỉ cung cấp các loại nguyên liệu cần thiết cho bào chế thuốc, mà quốc gia này còn sản xuất đến 60% thuốc paracetamol, 90% thuốc penicilline và hơn 50% thuốc chống viêm ibuprofen cho thế giới. Le Figaro trích dẫn lưu ý của bà Catherine Simonin, tổng thư ký Liên đoàn chống Ung thư khẳng định : « 35 phân tử cơ bản để điều trị ung thư đều được sản xuất tại phương Đông, chủ yếu là Trung Quốc, do ba nhà sản xuất đảm trách ».
Tình hình còn đáng quan ngại cho hoạt động bào chế các loại thuốc generic (thuốc mang tên gốc), bị các hãng dược di dời ồ ạt sang châu Á.
Trong bối cảnh này, thứ Sáu 21/02, bộ trưởng Kinh Tế, Bruno Le Maire thừa nhận « rõ ràng là tình trạng này có thể đặt ra vấn đề về độc lập y tế trong trung và dài hạn. Nước Pháp cần phải đối phó với thách thức và rủi ro này ».
Theo quan điểm của Học Viện Dược Pháp, đã đến lúc Paris nên « khẩn cấp giảm bớt sự phụ thuộc vào những nước khác và tái lập quyền tự chủ y tế, đặc biệt đối với những loại thuốc thiết yếu như kháng sinh hay chống ung thư. Cần phải thiết lập các khuôn khổ để tái dịch chuyển sản xuất tại châu Âu ».
Câu hỏi đặt ra : Liệu Pháp có thể tái dịch chuyển sản xuất thuốc như một số ngành công nghiệp khác hay không ? Đây không phải là một bài toán dễ giải. Cũng như nhiều ngành công nghiệp khác, Pháp cũng như châu Âu bị lệ thuộc nhiều vào một số loại nguyên liệu hiếm.
Năm 2016, tại Pháp chỉ còn có hơn 92 nhà xưởng bào chế hoạt chất so với con số hàng nghìn tại Trung Quốc và Ấn Độ. Nếu như các nước Đông và Bắc Âu có thể có cơ hội để tận dụng tái dịch chuyển sản xuất, thì nước Pháp lại bị các loại thuế sản xuất gây trở ngại.
Nguồn: rfi.fr