Các nhân chứng cho biết mới sáng sớm chủ nhật 7-3 đã nghe thấy tiếng súng nổ ở thành phố Yangon và cảnh sát lẫn quân đội đã đổ bộ xuống nhiều khu vực của thành phố lớn nhất Myanmar.

42 1 Moi Sang Chu Nhat Sung Da No O Myanmar

Người biểu tình ở Myanmar dựng "lá chắn" trên phố ở Yangon ngày 6-3, chuẩn bị đối đầu lực lượng an ninh - Ảnh: REUTERS

Hãng tin Reuters dẫn lời dân địa phương cho biết đã có 3 người bị bắt trong sáng hôm nay nhưng chưa rõ có liên quan lý do gì. Họ cũng cho biết đã nghe tiếng súng nổ.

Lực lượng an ninh Myanmar được cho là đã thực hiện cuộc đột kích trong đêm 6-3 tại nhiều điểm ở Yangon. Trước đó, lực lượng an ninh Myanmar đã bẻ gãy các cuộc biểu tình bằng hơi cay và lựu đạn gây choáng.

Tuy nhiên, theo Hãng tin Reuters, các cuộc biểu tình lại tiếp tục được lên kế hoạch trong ngày hôm nay, bất chấp cảnh báo của chính quyền quân sự là sẽ bắt giữ người biểu tình.

Trong ngày 6-3, nhiều người dân đã tụ tập trên những đường phố lớn tại các thành phố Yangon, Lashio ở miền Bắc hay thành phố Loikaw ở miền Trung sẽ bày tỏ sự phản đối. Các lực lượng an ninh đã được triển khai nhằm đảm bảo trật tự trị an.

Trước đó một ngày, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) đã họp về tình hình khủng hoảng ở Myanmar với sự tham dự của đặc phái viên của tổng thư ký LHQ, bà Christine Schraner Burgener.

Đại diện của các nước đều bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình leo thang bạo lực, gây thương vong cho dân thường và kêu gọi chấm dứt ngay bạo lực, ổn định tình hình, giải quyết vấn đề thông qua đối thoại và tiếp tục các nỗ lực hỗ trợ nhân đạo cho người dân, nhất là phụ nữ và trẻ em. 

Đại diện các nước đánh giá cao các nỗ lực của ASEAN và các nước thành viên, đồng thời bày tỏ mong muốn hiệp hội tiếp tục đóng góp tích cực hơn để sớm tìm ra giải pháp trước mắt và lâu dài cho vấn đề Myanmar.

LHQ cho biết hơn 50 người biểu tình đã thiệt mạng kể từ khi quân đội Myanmar giành lại quyền lực và bắt giam các lãnh đạo chính quyền dân sự, trong đó có cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi.

42 2 Moi Sang Chu Nhat Sung Da No O Myanmar

Ông Ari Ben-Menashe là một cựu quan chức tình báo quân đội người Israel từng đại diện cựu tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe và các lãnh đạo quân đội của Sudan - Ảnh: TWITTER

Trong một diễn biến khác, trả lời phỏng vấn của Hãng tin Reuters, ông Ari Ben-Menashe - nhà vận động hành lang, một cựu quan chức tình báo quân đội Israel, cho biết các tướng lĩnh của Myanmar đã thuê ông và hãng tư vấn Dickens & Madson Canada của ông, nhằm mục đích đối thoại cùng Mỹ và các nước “hiểu lầm” họ.

Theo Reuters, ông Ben-Menashe trả lời phỏng vấn từ Hàn Quốc sau khi đến thăm thủ đô Naypyidaw của Myanmar. Tại Naypyidaw, ông đã ký một thỏa thuận cùng bộ trưởng quốc phòng Myanmar, tướng Mya Tun Oo. Ông cho biết bản thân sẽ nhận được tiền công nếu các lệnh trừng phạt áp lên quân đội Myanmar được tháo gỡ.

Ông Ben-Menashe cho biết bà Suu Kyi thực tế đã trở nên quá gần gũi Trung Quốc so với ý muốn của các tướng quân đội Myanmar.

“Có một nỗ lực thật sự nhằm tiến gần tới phương Tây và Mỹ để chống lại việc thân cận hơn với Trung Quốc. Họ không muốn làm con rối của Trung Quốc”, ông Ben-Menashe nói.

Ông Ben-Menashe cho biết các tướng lĩnh Myanmar cũng muốn những người Hồi giáo Rohingya đã sang nước láng giềng Bangladesh quay trở về.

Cũng theo nhà vận động này, ông được giao nhiệm vụ liên hệ cùng Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) để được các nước này ủng hộ đưa người Rohingya hồi hương. Hàng trăm ngàn người Rohingya đã rời khỏi Myanmar trong giai đoạn năm 2016-2017 để chạy trốn quân đội, theo LHQ.

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC