Trong khi Pháp và Anh đang vận động Mỹ làm dịu căng thẳng thì một số quốc gia Liên minh châu Âu (EU) trực tiếp gây áp lực lên Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân cách đây 1 tháng.

Ba nhà ngoại giao EU tiết lộ một nhóm 7 nước Cộng hòa Czech, Thụy Điển, Ba Lan, Romania, Bulgaria, Anh và Đức đã tổ chức ít nhất 2 cuộc gặp chính thức với các quan chức Triều Tiên ở Bình Nhưỡng hồi tháng 9.

Tuy nhiên, họ nhanh chóng thất vọng bởi Triều Tiên chỉ cử những quan chức cấp trung tham dự, không như các cuộc gặp vào năm ngoái. Một nhà ngoại giao EU mô tả các cuộc họp "rất căng thẳng" và Bình Nhưỡng "muốn nói chuyện với Mỹ".

Điều này phản ánh sự tức giận của Triều Tiên sau khi EU trừng phạt Bình Nhưỡng còn nhiều hơn những gì được nêu trong nghị quyết Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ).

Muốn gây áp lực lên Triều Tiên, EU vỡ mộng - 0

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: KCNA

Bà Federica Mogherini, Đại diện cấp cao về Ngoại giao và Chính sách An ninh của EU, tuyên bố khối này sẵn sàng hòa giải trong bất kỳ cuộc đàm phán nào nhằm đóng băng chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.

Nhưng đồng thời, bà Mogherini cho biết EU muốn áp đặt lệnh cấm vận dầu đối với Bình Nhưỡng và hy vọng các nước khác sẽ ủng hộ.

Một nhà ngoại giao khác của EU khẳng định với Reuters:

"Người Triều Tiên đang bắt đầu cảm thấy EU là con rối của Mỹ song chúng tôi nhấn mạnh rằng chúng tôi là một nhà trung gian hòa giải công bằng".

Chuyên gia về Triều Tiên tại Hội đồng Đối ngoại châu Âu Mathieu Duchatel, cho rằng EU có thể chủ trì các cuộc đàm phán giữa Trung Quốc và Mỹ. Washington và Bình Nhưỡng không có đường dây nóng để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng vượt quá tầm kiểm soát, còn Bắc Kinh không rõ sẽ phản ứng thế nào nếu Mỹ ngăn chặn một cuộc thử nghiệm tên lửa của Triều Tiên.

Trong khi đó, Nhà Trắng bác bỏ khả năng tổ chức các cuộc đàm phán với Triều Tiên. Tổng thống Mỹ Donald Trump còn nói với Ngoại trưởng Rex Tillerson rằng ông sẽ "lãng phí thời gian" nếu đàm phán với Triều Tiên.

Mỹ không đặt đại sứ quán tại Bình Nhưỡng mà dựa vào Thụy Điển để giải quyết những vấn đề công dân mình gặp phải ở quốc gia này.

Thụy Điển đóng vai trò quan trọng trong việc vận động Bình Nhưỡng thả mục sư Canada Hyeon Soo-lim và sinh viên Mỹ Otto Warmbier hồi đầu năm nay. Tuy vậy, nước này vẫn ủng hộ mạnh mẽ lệnh trừng phạt của EU đối với Triều Tiên.

Nguồn: Phạm Nghĩa - Báo Lao Động (Theo Reuters)




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC