Khi nhân viên cửa hàng Cigar International ở thị trấn Bethlehem, bang Pennsylvania nói với Adam Zaborowski phải đeo khẩu trang, người đàn ông 35 tuổi này giận dữ từ chối. Zaborowski rút ra một tờ giấy để nói luật bang Pennsylvania không bắt buộc đeo khẩu trang, một nhân chứng hiện trường kể lại. Anh ta còn rút khẩu súng ngắn và bắn vào nhân viên bán hàng.
"Thật điên rồ, anh ta cự tuyệt đeo khẩu trang", nhân chứng nói. Trên thực tế, bang Pennsylvania đã coi khẩu trang là bắt buộc ở hầu hết địa điểm bên ngoài nhà kể từ ngày 1/7. Bang này hiện ghi nhận 113.000 ca nhiễm và 7.200 ca tử vong
Sau khi bỏ ra ngoài mà không trả tiền, Zaborowski còn bắn hai phát vào nhân viên bán hàng đuổi theo và một phát chỉ thiên.
Ngày hôm sau, cảnh sát ập tới bao vây nhà của Zaborowski ở Slatington. Anh ta nhảy lên xe tải bỏ trốn. Sau khi bị chặn lại, anh ta dùng khẩu AK-47 để bắn về phía cảnh sát dẫn tới cuộc đọ súng với ít nhất 7 cảnh sát viên khác. Cuối cùng, Zaborowski bị bắn nhiều phát đạn và bị bắt. Luật sư của Zaborowski, John Waldron, nói thân chủ bị bắn vào mông và chân.
Luật sư Waldron cho biết, phản ứng có phần cực đoan của Zaborowski một phần bị tác động nghiêm trọng bởi đại dịch. "Trước vụ xả súng, Zaborowski mất việc và mất quyền nuôi con... Tôi nghĩ anh ấy bị căng thẳng quá mức", người này nói. Tuy nhiên, luật sư nhấn mạnh những điều đó không nhằm biện minh cho hành vi của thân chủ.
Zaborowski đối mặt với 22 tội danh, trong đó có tội danh cố ý giết người, tấn công và trấn lột. Mức phí bảo lãnh là một triệu USD.
Đây là vụ bạo lực mới nhất liên quan đến việc yêu cầu đeo khẩu trang ở Mỹ. Trong những tuần gần đây, nhiều tranh cãi về khẩu trang dẫn tới bạo lực chết người: nhân viên của Trader Joe ở New York bị tấn công, vụ bắn chết nhân viên bảo vệ của cửa hàng Family Dollar ở Michigan và vụ bắn nhân viên McDonald's ở Oklahoma.
Đeo khẩu trang là điều bình thường ở các quốc gia châu Á. Khi Covid-19 bùng phát, người dân phải xếp hàng để mua khẩu trang. Đài Loan và Thái Lan cấm xuất khẩu khẩu trang để đáp ứng nhu cầu trong nước. Covid-19 cũng dẫn đến sự phát triển bùng nổ của thị trường thiết bị y tế, đặc biệt ở Trung Quốc - nơi khẩu trang biến thành "cỗ máy in tiền".
Cảnh sát bắt giữ người đàn ông nổ súng vào nhân viên bán hàng.
Tuy nhiên tại Mỹ không có nhiều người đeo khẩu trang, thậm chí còn bị kỳ thị. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ sau đó ra thông báo khuyên người dân nên đeo khẩu trang để phòng nCoV. Ngay chính Tổng thống Mỹ Trump từng nhiều lần không đeo khẩu trang khi xuất hiện tại các sự kiện, nhưng cuối cùng cũng chịu đeo nó.
Đến nay, Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 697.000 người trên thế giới và lây nhiễm cho 18 triệu người. Mỹ hiện là vùng dịch lớn nhất thế giới hơn 4,8 triệu ca nhiễm và 158.931 người chết.
Huyền Anh (Theo Washington Post)
Nguồn: VnExpress