Ảnh minh họa: Reuters
Căng thẳng Mỹ- Trung dường như chưa có hồi kết với các biện pháp "ăn miếng trả miếng" lẫn nhau. Trong bối cảnh dịch Covid-19 tại Mỹ chưa có dấu hiệu hạ nhiệt và cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang đến gần, giới quan sát nhận định chính quyền của Tổng thống Donald Trump sẽ tiếp tục tăng tốc các hành động chống Trung Quốc trên mọi mặt trận trong thời gian tới.
Đại diện TikTok hôm qua tuyên bố "không có kế hoạch rời khỏi Mỹ”, đồng thời lưu ý công ty dự kiến tạo thêm 10.000 việc làm tại Mỹ trong 3 năm tới. TikTok cũng khẳng định công ty đang nỗ lực đem đến cho người dùng một “ứng dụng an toàn nhất” giữa lúc giới chức Mỹ lo ngại về vấn đề bảo mật dữ liệu. Tuyên bố của TikTok đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo cấm ứng dụng chia sẻ video nổi tiếng của Trung Quốc hoạt động tại Mỹ.
“Chúng tôi đang xem xét các khả năng, trong đó có việc cấm ứng dụng TikTok. Hiện có một số lựa chọn và chúng tôi sẽ sớm đưa ra quyết định”, Tổng thống Trump cho hay.
Sau khi Tập đoàn Huawei của Trung Quốc lao đao vì lệnh cấm của Mỹ, TikTok là tập đoàn tiếp theo đứng trong tầm ngắm của Mỹ. Mất thị trường tại Mỹ sẽ là cú giáng tiếp theo của TikTok sau khi ứng dụng vừa mất một nguồn thu quan trọng khác là Ấn Độ.
Đẩy mạnh đối đầu trong cuộc cạnh tranh sức mạnh công nghệ, Mỹ tiếp tục thúc đẩy chiến lược liên minh toàn cầu chống Trung Quốc, với hàng loạt quan chức cấp cao của Mỹ thăm châu Âu gần đây. Theo một số nguồn tin, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo giữa tháng 8 sẽ có chuyến thăm châu Âu đến các quốc gia gồm Séc, Áo, Slovenia và Ba Lan để thảo luận các vấn đề an ninh chiến lược, trong đó có việc đảm bảo an ninh mạng di động 5G.
Trong khi các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung không có dấu hiệu tiến triển, Mỹ cũng đang đẩy nhanh một kế hoạch tham vọng khuyến khích các công ty dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc trở về Mỹ, đặc biệt là trong các ngành quan trọng.
Với cuộc bầu cử Mỹ đang đến gần, các chuyên gia học giả cho rằng sẽ có thêm nhiều biện pháp đối đầu với Trung Quốc được đưa ra trong thời gian tới, bao gồm trục xuất các cơ quan đại diện truyền thông Trung Quốc, áp dụng trừng phạt tài chính, cấm các công ty Mỹ đầu tư ở Trung Quốc hay gia tăng sức ép đối với Trung Quốc ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Đại sứ Trung Quốc tại Anh Lưu Hiểu Minh cáo buộc Mỹ đang khuấy động một cuộc Chiến tranh Lạnh mới nhằm vào Trung Quốc: “Có lẽ Mỹ muốn khơi mào cho một cuộc Chiến tranh Lạnh nhưng Trung Quốc không có lợi ích khi điều này xảy ra. Chúng tôi sẽ tiếp tục nói với Mỹ rằng, Trung Quốc không phải là kẻ thù mà là một đối tác, một người bạn. Chúng tôi hi vọng các chính trị gia Mỹ hãy tập trung vào cuộc chiến chống virus, bảo vệ mạng sống của người dân thay vì đổ lỗi cho Trung Quốc”.
Đến nay, Trung Quốc đã đáp trả động thái của Mỹ bằng các động thái "ăn miếng trả miếng", mới nhất là đóng cửa Tổng lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô. Tuy nhiên, các hành động của Trung Quốc được đánh giá là tương đối kiềm chế vì còn đang chờ kết quả của cuộc đua vào Nhà Trắng.
Có nhiều người cho rằng xây dựng một chiến lược chống Trung Quốc trên mọi mặt trận là lá bài tái tranh cử của Tổng thống Trump khi ngày bầu cử đang đến gần. Tuy nhiên, điều này cũng cho thấy những diễn biến trong sự cạnh tranh quyết liệt giữa hai cường quốc về lợi ích chiến lược, sức mạnh công nghệ, kinh tế và sự đối đầu này khó có thể hạ nhiệt ngay lập tức, ngay cả khi ứng cử viên Đảng Dân chủ Joe Biden chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới./.
Nguồn: Phạm Hà/Vnexpress