Chiến lược mở rộng công kích và trừng phạt Trung Quốc trên nhiều phương diện leo thang vào tuần qua. Chính phủ Tổng thống Trump yêu cầu Trung Quốc đóng cửa tổng lãnh sự quán ở Houston trong vòng 72 tiếng, với cáo buộc thu thập thông tin tình báo. Mỹ xem phái bộ ngoại giao này là "tâm chấn" của hoạt động đánh cắp nghiên cứu và có liên quan đến gian lận thị thực.
Đây là động thái mới nhất trong một loạt đòn trừng phạt của Washington nhắm vào Bắc Kinh, từ áp lệnh trừng phạt kinh tế đối với giới chức Trung Quốc có liên quan đến vấn đề người Uighur, bỏ tư cách quan hệ kinh tế đặc biệt với Hong Kong sau luật an ninh quốc gia gây tranh cãi, đến lên kế hoạch trục xuất một số nhà báo Trung Quốc và giới hạn du học sinh tại Mỹ.
Công kích, trừng phạt liên tiếp
"Mô hình cũ của tiếp cận mù quáng với Trung Quốc sẽ không giải quyết được gì. Chúng ta không được phép quay lại (với mô hình đó)", Ngoại trưởng Mike Pompeo phát biểu ngày 23/7. Ông công kích chính sách của lãnh đạo Bắc Kinh tại Trung Quốc và "sự thù địch với tự do ở mọi nơi khác cũng hung hăng hơn". Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ cảnh báo nếu "thế giới tự do" không thay đổi giới lãnh đạo Trung Quốc thì điều ngược lại sẽ xảy ra.
Bài phát biểu của ông Pompeo được đọc ở Thư viện Bảo tàng Tổng thống Nixon ở California. Gần nửa thế kỷ trước, chính Tổng thống Richard Nixon là người mở quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh. Bài phát biểu ngày 23/7 có thể nhằm đánh dấu bước thay đổi rõ rệt trong chính sách Mỹ đối với Trung Quốc hàng thập kỷ qua, vốn bị Tổng thống Trump xem là quá mềm yếu, theo Washington Post.
Trước ông Pompeo, một loạt quan chức cấp cao khác trong chính phủ Mỹ cũng công kích gay gắt Bắc Kinh, bao gồm Cố vấn An ninh Quốc gia Robert O'Brien, Bộ trưởng Tư pháp William Barr và Giám đốc Cục Điều tra Liên bang (FBI) Christopher Wray. Các thông điệp nhằm nhấn mạnh quyết tâm của Washington trong đối đầu với Bắc Kinh trên nhiều vấn đề.
Tổng thống Donald Trump tại một cuộc họp báo về tình hình dịch Covid-19. Ảnh: Reuters.
Tại Michigan, khoảng 2 tuần trước, Bộ trưởng Tư pháp William Barr chĩa mũi công kích vào mô hình giám sát và kiểm duyệt của Bắc Kinh. Ông còn điểm mặt một số công ty Mỹ "nhượng bộ" trước sức ép như Google, Apple, Microsoft và Yahoo để trở thành "quân tốt dưới ảnh hưởng Trung Quốc".
Cùng giai đoạn này, Ngoại trưởng Pompeo tích cực vận động những nước đồng minh theo chân Mỹ cấm cửa Huawei và công nghệ 5G của đối thủ. Ông còn đề cập khả năng chặn luôn TikTok và ứng dụng mạng xã hội Trung Quốc. Giữa tháng 7, Bộ Ngoại giao Mỹ chính thức xem các tuyên bố hàng hải của Trung Quốc trên Biển Đông là "trái pháp luật".
Nội bộ chưa thống nhất
Điều khiến nhiều nhân vật chỉ trích Tổng thống Trump lo ngại là sự thay đổi chính sách xảy đến cách cuộc bầu cử năm 2020 chưa đầy 4 tháng. Câu hỏi được đặt ra là: giữa bối cảnh Tổng thống Trump muốn Trung Quốc chịu trách nhiệm về đại dịch và hạ thấp đối thủ tranh cử Joe Biden yếu đuối trước Trung Quốc, liệu chính phủ của ông đã bị cuốn theo và công kích mà không nghĩ đến hệ quả? Một quan chức tại Washington tiết lộ cách tiếp cận này được mệnh danh là "giai đoạn đốt sạch hết" trong chính sách của họ với Trung Quốc.
"Tôi lo ngại sâu sắc trước cách tiếp cận của chính phủ khi tin tưởng một cách sai lầm rằng ra vẻ đối đầu đồng nghĩa với mang tính cạnh tranh", Thượng nghị sĩ Robert Menendez (Dân chủ) chia sẻ trong phiên chất vấn Phó ngoại trưởng Stephen Biegun tuần qua về chính sách đối phó Trung Quốc. Ông Menendez nhất trí rằng chính sách của Mỹ cần cứng rắn hơn. Tuy nhiên, ông nhận định "cứng rắn là biện pháp, không phải mục tiêu cuối cùng".
Một số nguồn tin tiết lộ chiến lược của Washington đối với Trung Quốc mới là một dự án dang dở. Một đồng minh Tổng thống Trump cho biết những phát biểu cứng rắn thời gian qua xuất phát từ mối lo ngại trong nhóm cố vấn chính trị của ông. Dù nhà lãnh đạo công kích đối thủ tranh cử thiếu nhất quán về vấn đề Trung Quốc, họ lo sợ bản thân Tổng thống Trump cũng đang lung lay trong vấn đề này.
Nguồn tin này tiết lộ Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin, vốn có quan điểm chừng mực hơn về Trung Quốc, đã từ chối phát biểu công kích Bắc Kinh. Dù chỉ trích Trung Quốc thất bại trong việc ngăn chặn Covid-19 lan rộng, sự gay gắt của Tổng thống Trump cũng không đi quá xa như những cáo buộc mà nhiều trợ lý của ông từng nêu.
Đặc vụ và quan chức an ninh Mỹ vào Tổng lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston hôm 24/7. Ảnh: Reuters.
Thái độ của ông Trump đối với Trung Quốc thiếu sự nhất quán. Ông đắc cử cùng lời hứa ứng phó Trung Quốc cứng rắn hơn. Song cách ông theo đuổi thỏa thuận thương mại song phương với Trung Quốc, ngại công kích trực tiếp nhà lãnh đạo Tập Cận Bình hay công khai đề cập những chính sách của Bắc Kinh... đã cản trở việc hình thành một chiến lược toàn diện cho Washington.
Hơn 2 tuần trước, Tổng thống Trump có buổi họp báo tuyên bố sẽ ký sắc lệnh trừng phạt Bắc Kinh liên quan đến luật an ninh quốc gia cho Hong Kong. Tuy nhiên, ông dành phần lớn thời gian để công kích đối thủ tranh cử và ca ngợi thành tựu trong nhiệm kỳ. Đến buổi họp báo tuần qua, nhà lãnh đạo để mở khả năng đóng cửa thêm phái bộ ngoại giao Trung Quốc tại Mỹ. Thế nhưng, ông lại bày tỏ ý định hợp tác với Bắc Kinh nếu các nhà khoa học Trung Quốc phát triển được vaccine Covid-19.
Tháng 6, cựu cố vấn an ninh quốc gia John Bolton còn tiết lộ Tổng thống Trump từng cố thuyết phục ông Tập giúp mình tái đắc cử bằng cách để Trung Quốc mua thêm hàng hóa Mỹ. Đàm phán thương mại "đóng băng" sau khi đại dịch bùng phát. Và kể từ sau cuộc điện đàm tháng 3, khi Mỹ kịch liệt lên án Trung Quốc che giấu dịch bệnh, hai nhà lãnh đạo không còn nói chuyện với nhau.
Một số chính trị gia cũng cho rằng Washington không đưa ra được một mô hình lãnh đạo thay thế của Mỹ. Tại phiên chất vấn của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, Thượng nghị sĩ Mitt Romney (Cộng hòa) đánh giá chủ trương "Nước Mỹ trước tiên" của Tổng thống Trump đã khiến mọi quốc gia khác "tự theo đuổi lợi ích của riêng mình" thay vì phối hợp đối phó sự hung hăng từ Trung Quốc.
Đáp lại những hoài nghi, Phó ngoại trưởng Stephen Biegun lưu ý những nhà hoạch định chính sách Mỹ "đã đầu tư không ít trong gần 3 thập kỷ qua" tìm cách dỗ dành Trung Quốc trở thành một thành viên quốc tế có trách nhiệm. Tuy nhiên, theo ông Biegun, Mỹ đã bị phản bội.
"Đôi khi, chúng ta khó từ bỏ những kết quả trong ước mơ. Nhiều người vẫn chưa từ bỏ. Chính phủ này đang bị chỉ trích nhiều bằng nhau cả khi hành động quá bất ngờ hay quá cứng rắn hoặc được cho rằng đang thúc đẩy Chiến tranh Lạnh mới. Đó không phải là ý định của chúng tôi", ông cho biết.
.
Theo: ZING.VN