Trong tuyên bố đưa ra hôm 18/4, Bộ Ngoại giao Mỹ bày tỏ quan ngại về các hành động khiêu khích lặp đi lặp lại của Trung Quốc, nhằm vào các hoạt động khai thác dầu khí ngoài khơi của các bên có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông. "Trung Quốc nên chấm dứt hành vi bắt nạt của mình, ngừng các hành động khiêu khích và gây bất ổn này", tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh.
Hồi đầu tuần, Reuters dẫn dữ liệu của trang web Marine Traffic, chuyên theo dõi hải trình tàu biển cho biết, tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 (Haiyang Dizhi 8) của Trung Quốc đã quay trở lại vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam.
Tàu Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc.
Con tàu này được nhìn thấy cách bờ biển Việt Nam khoảng 158 km, đi cùng nó có ít nhất một tàu hải cảnh Trung Quốc. Liên quan tới hành động phi pháp này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngang ngược tuyên bố con tàu đang thực hiện "các hoạt động bình thường".
Tới ngày 17/4, Reuters dẫn 3 nguồn tin an ninh khu vực cho biết, tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc đang đeo bám một tàu thăm dò của Tập đoàn dầu khí quốc gia Malaysia Petronas đang hoạt động trên biển Đông. Bất chấp dịch COVID-19 Trung Quốc vẫn đang tiếp tục leo thang các hành động ngang ngược của mình trên biển Đông.
Ngày 18/4, truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin, chính phủ nước này phê chuẩn thành lập 2 huyện quản lý các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. 2 huyện này trực thuộc cái được gọi là "thành phố Tam Sa" được Trung Quốc dựng lên từ tháng 7/2012 nhằm thực hiện kế hoạch kiểm soát Biển Đông, trong đó có quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam và bãi cạn Scarborough tranh chấp với Philippines.
Song Hy (Theo Reuters)
Nguồn: vtc.vn