Các chuỗi nhà thuốc tại Mỹ đang chuẩn bị một lượng lớn vaccine ngừa cúm khi mùa dịch sẽ bùng phát vào tháng 10, với hy vọng ngăn chặn hàng chục nghìn ca mắc nghiêm trọng có thể xảy ra cùng lúc đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ 2.
Tập đoàn CVS Health, một trong những chuỗi nhà thuốc lớn nhất tại Mỹ cho biết, họ đang nỗ lực để đảm bảo đủ số lượng vaccine khi số người cần tiêm ngừa cúm mùa dự báo sẽ tăng vọt.
Chuỗi nhà thuốc đối thủ của CVS Health, tập đoàn Rite Aid đã đặt thêm 40% liều vaccine để đáp ứng nhu cầu dự kiến. Công ty Walmart và công ty bán buôn và phân phối dược phẩm Walgreen Boots Alliance cũng hy vọng nhiều người Mỹ sẽ đi tiêm vaccine phòng cúm.
Hiện nay, các nhà sản xuất thuốc đang tăng cường sản xuất vaccine để đáp ứng nhu cầu của người dân. Theo công ty sản xuất vaccine CSL Limited tại Australia, nhu cầu của khách hàng đã tăng thêm 10% và GlaxoSmithKline, công ty dược phẩm của Anh cho biết, họ đã sẵn sàng tăng cường sản xuất vaccine khi cần thiết.
Theo Reuters, cổ phiếu của ngành dược đã tăng trong phiên giao dịch ngày 26/5, trong đó Tập đoàn CVS Health tăng 2,5%, Rite Aid và Walgreen tăng 4,5%.
Một cuộc thăm dò ý kiến của Reuters đã khảo sát 4.328 người trưởng thành từ ngày 13-19/5 cho thấy, khoảng 60% người trưởng thành ở Mỹ có kế hoạch tiêm vaccine ngừa cúm vào mùa thu này, trong khi thông thường chỉ gần một nửa số người dân Mỹ đi tiêm phòng. Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) khuyến cáo nên tiêm vaccine cho trẻ em từ 6 tháng tuổi trở lên.
Tiêm vaccine phòng cúm sẽ không thể tránh lây nhiễm SARS-CoV-2, virus gây ra bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 mà đến nay vẫn chưa có vaccine phòng bệnh. Tuy nhiên, các quan chức y tế công cộng cho rằng, việc tiêm phòng cúm có vai trò quan trọng nhằm tránh tình trạng các bệnh viện bị quá tải bởi cả bệnh nhân cúm và bệnh nhân Covid-19.
“Tôi nghĩ rằng một đợt sóng kép có thể đến vào mùa thu và mùa đông với một đợt cúm và làn sóng dịch Covid-19 thứ 2. Cúm là bệnh mà người dân có thể dễ dàng mắc phải”, Tiến sĩ William Schaffner, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm ở Đại học Vanderbilt (Mỹ) cho biết.
Theo CDC, vào năm ngoái, các nhà sản xuất thuốc đã sản xuất gần 170 triệu liều vaccine phòng cúm. CDC đã ghi nhận tới 740.000 ca mắc và 62.000 ca tử vong do cúm trong mùa dịch 2019-2020 vừa kết thúc vào tháng trước.
Mặc dù bảo hiểm y tế thường chi trả cho việc tiêm phòng cúm tại phòng khám bác sĩ thì vaccine dành cho người lớn được bán lẻ với giá khoảng 40 USD.
Giám đốc CDC Robert Redfield cho rằng, bệnh cúm mùa và dịch Covid-19 kết hợp lại có thể gây ra thiệt hại nặng nề cho người dân Mỹ so với đợt dịch Covid-19 đầu tiên.
Một số chuyên gia cho biết nên tìm cách để đảm bảo rằng người dân đều được tiêm phòng cúm vì bệnh nhân có thể không tới gặp bác sĩ do sợ lây nhiễm SARS-CoV-2 tại các phòng khám.
Tiến sĩ Nancy Messonnier thuộc CDC cho biết, các nhà thuốc, phòng khám y tế công cộng và các nhà cung cấp dịch vụ tiêm phòng cúm có thể phát triển phương pháp tiêm vaccine ngừa cúm trên xe ô tô, một hình thức phổ biến được áp dụng trong xét nghiệm SARS-CoV-2.
“Mục tiêu của tôi là người dân sẽ được tiêm vaccine ngừa cúm để bảo vệ họ. Tôi không muốn có bất kỳ liều vaccine nào còn sót lại trên kệ hoặc trong phòng khám của các bác sĩ”, ông Messonnier nói trong một cuộc phỏng vấn.
Một lý do khiến người Mỹ ngần ngại trong việc tiêm vaccine phòng cúm là do không phải lúc nào vaccine cũng ngăn ngừa được bệnh. Các chủng virus cúm được chọn để thử nghiệm vaccine trước thời hạn không phải lúc nào cũng phù hợp với các chủng cúm bùng phát trong mùa dịch. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, những liều vaccine giúp làm giảm số người nhập viện hàng năm do cúm.
“Ngay cả khi việc tiêm vaccine chỉ bảo vệ được 35-40% dân số thì nó vẫn tốt hơn nhiều so với con số 0”, Tiến sĩ Michael Osterholm, chuyên gia về bệnh cúm tại Đại học Minnesota (Mỹ) cho biết.
Một cuộc khảo sát do CVS Health thực hiện trong khoảng từ tháng 1 đến tháng 5 cho thấy, tỷ lệ người dân chắc chắn hoặc có khả năng tiêm phòng cúm đã tăng từ 34% lên 65%. Họ cũng cho biết sẽ thường xuyên đến các hiệu thuốc thay vì đến phòng khám bác sĩ hay trung tâm chăm sóc sức khỏe./.
CTV Mai Trang
Nguồn: VOV.VN (biên dịch)