Thỏa thuận an ninh song phương 10 năm Mỹ - Ukraine giúp củng cố khả năng phòng thủ của Ukraine và đưa nước này đến gần hơn với tư cách thành viên NATO.

1 My Ukraine Ky Thoa Thuan An Ninh 10 Nam Mo Duong Cho Kiev Vao Nato

Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky (Ảnh: Reuters).

Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 13/6 đã ký kết thỏa thuận an ninh song phương 10 năm bên lề hội nghị thượng đỉnh G7 ở Italy.

Thỏa thuận giúp củng cố khả năng phòng thủ của Ukraine và đưa Ukraine đến gần hơn với tư cách thành viên NATO. Thỏa thuận nhằm cam kết các chính quyền tương lai của Mỹ cũng sẽ ủng hộ Ukraine kể cả cựu Tổng thống Donald Trump tái đắc cử.

Nội dung thỏa thuận nêu rõ, thỏa thuận an ninh Mỹ - Ukraine là khuôn khổ cho nỗ lực lâu dài nhằm giúp phát triển các lực lượng vũ trang lỗi thời của Ukraine và là một bước tiến tới việc Ukraine cuối cùng sẽ trở thành thành viên NATO.

"Để đảm bảo an ninh cho Ukraine, 2 bên đều thừa nhận Ukraine cần một lực lượng quân sự đáng kể, năng lực mạnh mẽ và bền vững vào cơ sở công nghiệp quốc phòng phù hợp với các tiêu chuẩn của NATO", thỏa thuận nêu.

Thỏa thuận cũng tuyên bố, Mỹ có ý định cung cấp trang thiết bị, đào tạo và tư vấn dài hạn, hỗ trợ kỹ thuật, tình báo, an ninh, công nghiệp quốc phòng, thể chế và các hỗ trợ khác để "phát triển các lực lượng an ninh, quốc phòng Ukraine có khả năng bảo vệ độc lập, chủ quyền, ngăn chặn các cuộc tấn công trong tương lai".

Theo thỏa thuận, trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công vũ trang vào Ukraine hoặc có mối đe dọa về một cuộc tấn công như vậy, giới chức trách Mỹ và Ukraine sẽ gặp nhau trong vòng 24 giờ để tham vấn và xác định những nhu cầu phòng vệ bổ sung mà Ukraine cần có.

Thỏa thuận sẽ cho phép 2 nước chia sẻ thông tin tình báo, tổ chức các chương trình huấn luyện và giáo dục quân sự cũng như các cuộc tập trận quân sự kết hợp.

Phát biểu tại cuộc họp báo chung với người đồng cấp Zelensky, Tổng thống Biden cho biết: "Mục tiêu của chúng tôi là tăng cường khả năng phòng thủ và răn đe đáng tin cậy của Ukraine trong dài hạn".

Về phần mình, Tổng thống Zelensky gọi đây là một thỏa thuận lịch sử giữa Mỹ và Ukraine, là cầu nối giúp Ukraine tiến gần hơn đến tư cách thành viên NATO.

Kiev từ lâu đã theo đuổi mục tiêu gia nhập NATO, song đến nay liên minh này vẫn chưa đưa ra một lộ trình cụ thể để kết nạp Ukraine. Nếu gia nhập NATO, Ukraine sẽ được đảm bảo an ninh theo Điều 5 của Hiến chương NATO về cơ chế phòng thủ chung của khối.

Tuy chưa đạt được mục đích gia nhập NATO, song Ukraine đã ký kết thỏa thuận an ninh song phương với nhiều quốc gia. Bên lề hội nghị thượng đỉnh G7 hôm qua, Ukraine đã ký kết thỏa thuận an ninh song phương với cả Mỹ và Nhật Bản. Đến nay, Ukraine đã ký kết tổng cộng 16 thỏa thuận như vậy.

Các nhà lãnh đạo G7 (Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Anh và Mỹ) đang nhóm họp thượng đỉnh ở Italy. Một trong những chủ đề của hội nghị là thảo luận phương cách duy trì sự hỗ trợ cho Ukraine.

Chủ nhân Nhà Trắng nhấn mạnh thêm, thông điệp của G7 đến Tổng thống Nga Vladimir Putin là: "Các vị đừng hy vọng chúng tôi bỏ cuộc. Đừng hy vọng có thể chia rẽ được chúng tôi".

Tại cuộc họp ngày 13/6, các lãnh đạo G7 đã nhất trí kế hoạch lập quỹ cho vay 50 tỷ USD để hỗ trợ Ukraine trích lợi nhuận từ tài sản đóng băng của Nga.

Theo Reuters, Pravda

Nguồn: Báo điện tử Dân trí




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC