Đây là những nét chính trong trong chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đến Campuchia vào ngày thứ Ba 4/6.
Ông Austin đã có các cuộc gặp với Thủ tướng Hun Manet, cựu Thủ tướng Hun Sen, người đang giữ chức Chủ tịch Thượng viện, và Bộ trưởng Quốc phòng Tea Seiha.
Đây cũng là cuộc gặp đầu tiên giữa ông Austin và ông Hun Manet, hai cựu sinh của học viện quân sự danh giá West Point (Mỹ), kể từ khi người con trai cả của ông Hun Sen chính thức kế thừa cha mình, nhậm chức thủ tướng vào tháng 8/2023.
Ông Hun Sen đề nghị Mỹ không đưa Campuchia vào cạnh tranh địa chính trị
Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin gặp Chủ tịch Thượng viện Hun Sen vào ngày 4/6
Theo Khmer Times hôm 5/6, ông Hun Sen đã yêu cầu Mỹ không đưa Campuchia vào trong chiến lược cạnh tranh địa chính trị của mình và khẳng định Campuchia đang thực thi chính sách ngoại giao dựa trên luật pháp.
Ông Hun Sen cũng bày tỏ sự ủng hộ việc cải thiện mối quan hệ song phương giữa hai nước và cho rằng cho đến nay, cả hai phía đều thiếu sự tin tưởng lẫn nhau, thiếu thông tin và đánh giá sai lệch dẫn đến những hiểu lầm cho đôi bên.
Chủ tịch Thượng viện Campuchia nhấn mạnh đối thoại trong lĩnh vực quốc phòng là ưu tiên để tạo dựng sự tin tưởng lẫn nhau và tránh thông tin bị thất thoát.
"Chúng tôi đã có các cuộc trao đổi thực chất về cách tăng cường quan hệ quốc phòng và tôi kỳ vọng sẽ có thêm đối thoại," ông Austin thông báo trên mạng xã hội X vào ngày 4/6.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc, Thiếu Tướng Patrick Ryder, nói các cuộc thảo luận của ông Austin với phía Campuchia bao gồm thiết lập lại các cuộc huấn luyện quân sự liên quan đến hỗ trợ thiên tai và hoạt động gìn giữ hòa bình cũng như các hoạt động tháo gỡ và dọn dẹp bom mìn.
Trong một bài viết ngày 5/6, đài ABC News của Mỹ dẫn lời một người phát ngôn Lầu Năm Góc cho biết Mỹ đã đề cập về những quan ngại của Washington trong cuộc họp giữa ông Austin với các lãnh đạo Campuchia.
"Các cuộc gặp mặt trực tiếp cho chúng tôi cơ hội không chỉ đề cập rõ ràng về các quan ngại của mình mà còn về cách thức cùng nhau hợp tác trong tương lai để tăng cường quan hệ song phương."
"Và chúng tôi không yêu cầu bất kỳ quốc gia nào phải đưa ra lựa chọn về đối tác," Lầu Năm Góc nói với ABC News.
Trả lời ABC News, Phó Thủ tướng Campuchia Sun Chanthol nói mối quan hệ giữa Phnom Penh với Bắc Kinh và Washington không phải là "trò chơi có tổng bằng không".
"Chúng tôi cần thêm đầu tư từ Mỹ nữa, chứ không phải muốn bớt đi. Chúng tôi cần tham gia chung với Mỹ nhiều hơn nữa, chứ không phải là giảm đi," ông nói.
Tuyên bố trên Telegram ngày 4/6, ông Hun Manet nói đã thảo luận với ông Austin về các cách thức để khởi động lại hợp tác, bao gồm việc Campuchia tiếp cận các chương trình huấn luyện quân sự của Mỹ cùng các cuộc tập trận kết hợp giữa hai nước.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin gặp người đồng cấp Campuchia Tea Seiha vào ngày 4/6 ở thủ đô Phnom Penh
Campuchia, đồng minh thân cận nhất của Trung Quốc ở Đông Nam Á, đã dừng các cuộc tập trận chung thường niên Người gác đền Angkor (Angkor Sentinel) với Mỹ từ năm 2017 đến nay.
Hồi tháng 1/2017, Đại tướng Chhum Socheath, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Campuchia, cho biết cuộc tập trận Angkor Sentinel phải hoãn do quân đội Campuchia sẽ phải tham gia hai sự kiện quan trọng, bao gồm cuộc bầu cử địa phương vào tháng 6/2017 và chiến dịch chống ma túy dài 6 tháng.
Lúc bấy giờ người phát ngôn Đại sứ quán Mỹ Jay Raman cho biết các cuộc tập trận quân sự năm 2017 và 2018 đã bị hủy, các cuộc trao đổi và huấn luyện quân sự không bị ảnh hưởng.
Cuộc tập trận chung lần gần nhất của Mỹ và Campuchia mang tên Người gác đền Angkor 2016 tại tỉnh Kampong Seu của Campuchia vào tháng 3/2016.
Một số nhà phân tích nhận định Campuchia đã phải hủy cuộc tập trận thường niên này với Mỹ vì sức ảnh hưởng của Trung Quốc.
Giáo sư Thitinan Pongsudhirak từ Đại học Chulalongkorn (Thái Lan) vào tháng 1/2017 nhận định với hãng tin AP: "Trung Quốc sẽ đưa phép thử cho Mỹ."
"Đây là một trong những tín hiệu đầu tiên. Campuchia là một phần trong bức tranh lớn hơn," ông nói.
Tuy nhiên, ông Chhum Socheath đã bác bỏ điều này.
"Chúng tôi không bao giờ có vấn đề gì với Mỹ," ông nói và cho biết quân đội Campuchia làm bạn với tất cả các nước, bao gồm Mỹ, Nga và Việt Nam.
Vào ngày 4/6, Japan Times dẫn lời Ou Virak, một chuyên gia phân tích chính trị người Campuchia, cho rằng việc nối lại các cuộc tập trận chung giữa hai nước còn để Mỹ phát đi thông điệp với Trung Quốc rằng "khu vực [Đông Nam Á] rất quan trọng và Trung Quốc không thể làm vua một cõi được".
Mỹ dùng thuật 'đắc nhân tâm'?
Chuyến đi của ông Austin đến Campuchia diễn ra trong bối cảnh Campuchia ngày càng khẳng định mối quan hệ sắt son với Trung Quốc, còn quan hệ với Mỹ lại nguội lạnh do Mỹ hay chỉ trích Campuchia vi phạm nhân quyền, đàn áp giới bất đồng chính kiến, bóp nghẹt tự do báo chí.
Chỉ hai ngày trước đó, vào ngày 2/6, Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Seiha và người đồng cấp Trung Quốc Đổng Quân đã tuyên bố hai nước sẽ tiếp tục tăng cường quan hệ song phương trong cuộc gặp bên lề Đối thoại Shangri-La lần thứ 21 tại Singapore.
Có nhận định cho rằng Mỹ đang thực hiện một chiến thuật mới trong mối quan hệ với Campuchia, đó là đắc nhân tâm. Chuyến đi của ông Austin đánh dấu lần đầu tiên một bộ trưởng quốc phòng Mỹ đến một quốc gia chỉ để gặp các nhà lãnh đạo liên quan đến những vấn đề quốc phòng.
Trung Quốc và Campuchia đã hoàn tất cuộc tập trận Rồng Vàng lần thứ 6, kéo dài 15 ngày (từ 16 - 30/5) tại Trung tâm Huấn luyện Cảnh sát Quân sự tại tỉnh Kampong Chhnang và căn cứ Ream.
Trong những năm qua, đã có quan ngại của Mỹ liên quan đến việc Campuchia cho phép Trung Quốc nắm độc quyền sử dụng quân cảng Ream ở tỉnh Sihanoukville, biến căn cứ này thành tiền đồn nước ngoài thứ hai của Trung Quốc sau Djibouti ở châu Phi.
Vào tháng 7/2019, giới chức Mỹ trả lời trên báo Wall Street Journal rằng họ đã có được một bản thảo về thỏa thuận giữa Campuchia và Trung Quốc liên quan đến việc sử dụng căn cứ này trong 30 năm và sau đó sẽ được gia hạn 10 năm một lần.
Mỹ đã giúp phát triển căn cứ Ream nhưng vào tháng 10/2020, Campuchia đã phá dỡ một tòa nhà do Mỹ xây dựng ở đây để dọn đường cho Trung Quốc nâng cấp vào tháng 6/2022.
Mới đây, một báo cáo ngày 18/4/2024 của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington DC đăng tải ảnh vệ tinh cho thấy hai tàu hải quân Trung Quốc đã neo đậu tại căn cứ Ream trong hơn 4 tháng, tại một bến tàu mới do Trung Quốc tài trợ và được hoàn tất vào năm 2023.
Cho đến nay, thỏa thuận giữa Campuchia và Trung Quốc liên quan đến Ream vẫn còn là bí mật. Lúc còn làm thủ tướng, ông Hun Sen đã kịch liệt bác bỏ khả năng này, viện dẫn binh sĩ nước ngoài đồn trú trên lãnh thổ là đi ngược lại hiến pháp.
Vào tháng 1/2024, Thủ tướng Hun Manet tiếp tục bác bỏ khả năng binh sĩ Trung Quốc đồn trú tại Ream.
Hồi đầu tháng 5, việc Trung Quốc cử tàu huấn luyện hải quân Thích Kế Quang và tàu chiến đổ bộ Tỉnh Cương Sơn đến Campuchia và Đông Timor càng khiến phía Mỹ quan ngại.
Một đại dự án liên quan là kênh đào Phù Nam Techo.
Campuchia đã tuyên bố khởi công kênh đào Phù Nam Techo vào tháng 8 tới đây, một siêu dự án đã khiến Việt Nam bốn lần lên tiếng chính thức về việc cần phải có thêm thông tin để thẩm định đầy đủ những tác động về môi trường, kinh tế...
Dự án có kinh phí 1,7 tỷ USD này sẽ do các đối tác Trung Quốc của Campuchia xây dựng, theo hợp đồng BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao).
Trong bài phân tích đăng trên chuyên trang East Asia Forum hôm 1/6, ông Chansambath Bong, nghiên cứu sinh tiến sĩ từ Đại học Quốc gia Úc, nhận định Campuchia đang phải "cân bằng" trong sách lược ngoại giao với Mỹ và Trung Quốc. Cụ thể ông viết:
"Chính sách ngoại giao của Campuchia được thúc đẩy từ nhu cầu tồn tại giữa hai quốc gia láng giềng lớn hơn là Thái Lan và Việt Nam, cùng lúc phải duy trì quyền tự trị trong mối quan hệ gắn bó với Trung Quốc. Phnom Penh đã tìm cách đa dạng hóa chính sách ngoại giao và mối quan hệ thương mại với các quốc gia khác, gồm Anh, UAE, Brazil và Thổ Nhĩ kỳ, nhưng không làm nhẹ vai trò quan trọng của Trung Quốc. Campuchia cũng đang đối mặt với thách thức hiện tại về việc cân bằng các rủi ro liên quan đến việc dựa vào Trung Quốc trước những thách thức an ninh từ các quốc gia láng giềng."
Nguồn: BBC