“Chúng tôi chẳng khác gì dân tị nạn ở đây. Tôi cảm thấy rất khó chịu, chủ yếu là do thiếu thông tin”, một phụ nữ Mỹ giấu tên từ bang New Jersey nói khi chờ đợi chuyến bay rời khỏi Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc.
Cô tới Vũ Hán thăm gia đình trong dịp Tết Nguyên đán và bị mắc kẹt ở đây từ khi thành phố bị phong tỏa vì dịch viêm phổi do chủng mới virus corona (nCoV) gây ra.
Cô là một trong khoảng 530 người Mỹ được về nước sau khi hai máy bay của hãng Kalitta Air tới sân bay Vũ Hán tối 4/2. Họ đã chờ đợi thông tin về chuyến bay này suốt 48 giờ qua, nhiều người đồn đoán rằng chuyến bay bị trì hoãn do những bất đồng chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc.
Nhân viên đại sứ quán Mỹ kiểm tra sức khỏe cho công dân ở sân bay Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc hôm 5/2. Ảnh: Washington Post.
Với hàng trăm người Mỹ có mặt ở sân bay Vũ Hán, đây là một trải nghiệm đầy giận dữ, khi các nhân lãnh sự quán ở Vũ Hán đều đã rời thành phố trước đó, khiến người Mỹ ở đây rơi vào cảnh "bơ vơ".
"Tôi nghĩ chính phủ không lường trước thực tế rằng nhân viên lãnh sự quán Mỹ ở đây có thể có nhiều mối liên hệ ở địa phương và giúp điều phối mọi thứ dễ dàng hơn", Chunlin Leonhard, giáo sư ngành luật tại Đại học Loyola ở bang Illinois và tới Trung Quốc theo chương trình học bổng, cho hay. Thời điểm thành phố áp lệnh phong tỏa, Leonhard đang ở thăm người thân cách Vũ Hán 400 km.
Leonhard cho biết khi các nhân viên lãnh sự quán rời đi, mọi thứ ở Vũ Hán được giao lại cho đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh phụ trách, nhưng họ ở quá xa và không nắm rõ tình hình ở đây.
"Tôi nghĩ đó là lý do khiến mọi thứ bị đảo lộn", bà nói và thêm rằng bà đã phải gọi khoảng 10 cuộc điện thoại chỉ để hỏi một thông tin.
"Tôi biết họ đã cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng họ đã sơ tán lãnh sự quán, cơ quan đáng lẽ phải đi đầu trong việc giúp đỡ công dân Mỹ mắc kẹt ở Hồ Bắc", Leonhard nhận định.
Một số hành khách khác cố trấn an mọi người ở sân bay. "Tôi ngồi cùng mọi người và cố gắng động viên để họ không bị xuống tinh thần nhưng rất khó", John McGrory, nhà văn đến từ Columbus bang Ohio và sống ở Vũ Hán 6 năm, cho biết.
Thừa nhận đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh phải chịu nhiều áp lực, song Mc Grory cho biết việc đưa các nhân viên lãnh sự quán về nước đã gây khó khăn cho người Mỹ ở Vũ Hán. "Tôi đã ngạc nhiên khi biết điều đó. Lúc đó tôi đã nghĩ 'Họ đã rời đi. Vậy 1.000 người Mỹ ở đây sẽ thế nào? Ai sẽ bảo vệ lợi ích của chúng tôi?'", ông nói.
Nhiều người còn mô tả tình trạng hỗn loạn ở sân bay khi không có quan chức nào ở đó giúp họ, thậm chí không có chỉ dẫn nơi tập trung. Họ cũng mất hàng giờ chờ đợi để có thể qua các chốt kiểm tra an ninh của Trung Quốc.
Một số người có mặt ở sân bay từ 4h sáng 3/2 để chờ thông tin chuyến bay. Họ chờ đợi suốt hai ngày tại sân bay, nơi máy bán hàng tự động không còn gì ngoài vài lon nước hoa quả.
Scott Walker, phát ngôn viên đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh, cho biết chính phủ Mỹ đang phối hợp chặt chẽ cùng Trung Quốc để hỗ trợ và đưa công dân khỏi Vũ Hán. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói trong chuyến thăm Uzbekistan hôm 3/2 rằng giới chức luôn theo sát việc đưa công dân về nước và phối hợp cùng Trung Quốc đối phó với dịch viêm phổi.
Tuy nhiên, giống như nhiều công dân Mỹ, chính phủ Trung Quốc cho biết họ không thực sự hài lòng với quyết định rút nhân viên lãnh sự quán khỏi Vũ Hán của Washington.
Dù vậy, hai máy bay cuối cùng cũng cất cánh vào ngày 5/2, đưa các công dân Mỹ rời khỏi Vũ Hán. Mỹ sẽ không tổ chức bất cứ chuyến bay tương tự nào khác và khuyến khích các công dân còn lại rời Trung Quốc bằng máy bay thương mại.
Dịch viêm phổi do nCoV khởi phát ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc từ đầu tháng 12, lan ra 31 tỉnh thành Trung Quốc và nhiều nước khác trên thế giới. Hiện có hơn 560 người chết và hơn 28.000 ca nhiễm virus được ghi nhận trên toàn cầu.
Thanh Tâm (Theo Washington Post)
Nguồn: VnExpress