Không như ở các nước châu Á, người châu Âu ít khi đeo khẩu trang ra đường dù dịch nCoV đang bùng phát. Người Việt ở Đức, Ý, Séc ngại đeo khẩu trang vì sợ bị kì thị, thậm chí rượt đánh.
Người Việt ở châu Âu sợ bị kì thị, tấn công nên ngại đeo khẩu trang
Nhiều người châu Âu quan niệm rằng chỉ ai mắc bệnh hay nhân viên y tế mới đeo khẩu trang. Vì thế, những người đeo khẩu trang ra đường ở các nước này thường bị nhìn với ánh mặt kì thị, thậm chí có nguy cơ bị tấn công vì nghi nhiễm nCoV.
Đang sống ở thủ đô Berlin, Đức, chị Mỹ Trang kể:
“Ở Đức có hơn 260 ca nhiễm nCoV rồi. Hôm qua có 2 người đeo khẩu trang bị người ta đánh cho không trượt phát nào. Thằng đánh bảo: ‘Mày bị bệnh thì ở nhà đi, ra ngoài làm gì’. Ở Đức, người ta bảo không phải đeo khẩu trang, bao giờ bị bệnh mới đeo. Tôi mua khẩu trang rồi mà không dám đeo vì sợ bị tẩn”.
Cũng sống ở Berlin, chị Nguyễn Thị Hương cho biết: “Có hơn 6 người nhiễm ở Berlin rồi. Mọi người đi lại chủ yếu bằng tàu mà chẳng thấy ai đeo khẩu trang cả. Nghe thấy bảo, nếu đeo thì bị 112 (số điện thoại khẩn cấp - PV) đến bắt. Dù vậy, ở hiệu thuốc, khẩu trang, thuốc sát khuẩn và nước rửa tay đều hết hàng”.
Trong khi anh Hổng Lam tiết lộ không đeo khẩu trang ở Đức vì lý do khác: “Cả nhà em sợ lắm nhưng không dám đeo vì làm dịch vụ. Đeo vào không ai đến nữa”.
Báo Đức viết: Khẩu trang chỉ dành cho những người đã nhiễm bệnh, để họ không lan truyền virus sang người khác".
Tính đến 15 giờ ngày 5.3, Ý có tổng cộng 3.089 ca nhiễm và 92 người chết vì nCoV. Ấy vậy mà anh Hoàng Minh (sống ở Ý) cho hay: “Khẩu trang thì không đeo mà thực phẩm thì người dân mua sạch, dự trữ kiểu như tận thế rồi ấy. Tôi ở bên này cũng không dám đeo vì ra đường cứ bị nhìn như người ngoài hành tinh”.
Hiện sống ở Cộng hòa Séc, anh Huy Hoàng cũng gặp tình huống tương tự Hoàng Minh và còn bị người dân bản địa trêu chọc vì đeo khẩu trang khi đi tàu điện ngầm: “Đeo khẩu trang đi ra đường bị chúng nó nhìn như người ngoài hành tinh. Tối nọ đi tàu còn bị một đám nói mình bị nhiễm corona rồi. Nó còn giả vờ ho để trêu đểu mình. Mình không muốn tranh cãi nên không thèm để ý. Khi mình chuẩn bị xuống tàu, nó còn đến trước mặt mình để ho cho mình nhìn thấy rồi cười đùa với nhau”.
Nhiều tờ báo ra tại châu Âu đều có bài khuyến cáo độc giả cách phòng tránh nCoV, song đều không khuyên dùng khẩu trang. Thậm chí, tờ báo ra tại Đức trích lời một dược sĩ rằng: "Khẩu trang chỉ dành cho những người đã nhiễm bệnh, để họ không lan truyền virus sang người khác".
Vì sao khách Tây đến Việt Nam ít đeo khẩu trang ngừa nCoV?
Khách du lịch đến từ các nước châu Âu, Mỹ, Úc hầu như không ai đeo khẩu trang khi du lịch tại Việt Nam, còn khách châu Á thì ngược lại. Đây là thông tin được nhiều đại diện doanh nghiệp du lịch cho biết tại hội nghị Ngành du lịch ứng phó với dịch viêm đường hô hấp cấp nCoV, do Tổng cục Du lịch tổ chức ở Hà Nội. Một số hướng dẫn viên du lịch cho biết các khách Tây đến Hội An cũng không nằm ngoài xu thế đó.
Theo ông Nguyễn Văn Lanh, Trưởng phòng Văn hóa - thông tin TP Hội An, khách Tây không phải chủ quan hay không biết gì về dịch nCoV mà thậm chí ngược lại chuẩn bị rất kỹ trong mỗi cuộc hành trình của họ. Các khách Tây đọc rất kĩ những khuyến cáo của tổ chức y tế thế giới (WHO), tìm hiểu kĩ về nguy cơ cũng như các con đường lây nhiễm nCoV và sự bùng phát của dịch bệnh này.
Nhiều du khách Tây ở Hội An không đeo khẩu trang - ảnh: Công Bính
“Các khách Tây nắm rất kĩ nCoV lây truyền qua con đường nào và cũng biết nó lây từ người qua người nhưng không tồn tại trong không khí, không bay lơ lửng trong không gian nên khi ra đường, họ cho rằng không nhất thiết phải đeo khẩu trang.
Dù vậy, khách Tây sẵn sàng đeo khẩu trang khi đến chỗ đông người và đặc biệt chú ý đến các vật dụng, phương tiện mà nhiều người tiếp xúc như nắm cửa, tay vịn cầu thang… nên hay sử dụng nước rửa tay tẩy độc hại chứ không phải thờ ơ”, ông Nguyễn Văn Lanh chia sẻ thêm.
Nhân Hoàng
Nguồn: motthegioi.vn