Trang Bloomberg vừa đăng bài viết về nguy cơ đe dọa trật tự tự do của châu Âu từ phía Hungary và Ba Lan. Bài báo khẳng định gần 3 thập kỷ sau sự sụp đổ “Bức màn sắt”, châu Âu lại có nguy cơ chia rẽ.

42 1 Nguy Co De Doa Trat Tu Tu Do Cua Chau Au

Thủ tướng Hungary Viktor Orban. Ảnh: AFP/TTXVN

Các phong trào bảo thủ xã hội, chống nhập cư đã khuấy động nền chính trị ở những quốc gia khác nhau, nổi bật nhất là ở Hungary và Ba Lan, nơi các nhà lãnh đạo dân túy đang định hướng đất nước họ theo những gì được coi là quy tắc dân chủ của Liên minh châu Âu (EU).

Nhân vật đi đầu trong vấn đề này là Thủ tướng Hungary Viktor Orban, người đã phản đối những ý tưởng của người tiền nhiệm, tỷ phú Hungary George Soros, để ủng hộ việc xây dựng điều mà ông gọi là "Nhà nước dân chủ phi tự do". Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từng gọi cuộc đấu tranh vì các giá trị của châu Âu là một "cuộc nội chiến".

Đảng Fidesz của Thủ tướng Orban đã lần thứ 3 liên tiếp giành chiến thắng tuyệt đối trong cuộc bầu cử hồi tháng 4/2018.Phương Tây cho rằng sau chiến thắng trên, Chính phủ Hungary đã mở rộng cuộc đàn áp đối với các tổ chức phi chính phủ và giới bất đồng chính kiến bằng cách hạn chế truyền thông và tư pháp.

Áp lực chính trị đã dẫn đến các tổ chức Xã hội Mở của ông Soros, một trong những nhà tài trợ lớn nhất thế giới đối với các tổ chức phi chính phủ, phải đóng cửa từ Budapest cho đến Berlin.

Đại học Trung Âu do ông Soros thành lập để đào tạo các nhà lãnh đạo tương lai cho các nước từng theo chế độ Cộng sản ở châu Âu đang ở trong tình trạng bấp bênh về tính hợp pháp và phải xem xét việc chuyển đến Vienna (Áo).

Sau cuộc bầu cử năm 2010, ông Orban đã thúc đẩy cải cách Hiến pháp, cắt giảm quyền lực của tòa án, bổ nhiệm những người thân tín đứng đầu các cơ quan quan trọng và thay đổi hệ thống bầu cử theo hướng giúp ông duy trì quyền lực. Ông Orban đã tập hợp, lôi kéo sự ủng hộ bằng cách nhắm vào những người nhập cư, đặc biệt là người Hồi giáo, đối tượng mà ông gọi là "những kẻ xâm lược".

Để bảo vệ điều mà ông gọi là "châu Âu Cơ đốc giáo", ông đã cho xây dựng một hàng rào ở biên giới phía Nam của Hungary và dồn những người nhập cư vào các trại tị nạn sau khi bùng phát dòng người di cư từ Trung Đông đến châu Âu hồi năm 2015.

Tại Ba Lan, đảng Pháp luật và Công lý đã đi đầu trong cuộc chiến tương tự nhằm vào các tòa án, các phương tiện truyền thông và quản trị dân chủ kể từ khi lên nắm quyền hồi năm 2015.

Các quốc gia từng theo chế độ Cộng sản khác như Cộng hòa Czech và Slovakia đã đi chệch khỏi trào lưu chính của EU như về vấn đề tiếp nhận người tị nạn, trong khi Romania đã làm suy yếu luật chống tham nhũng tại nước này.

Tại Tây Âu, những người theo chủ nghĩa dân tộc đã coi ông Orban là "một nguồn cảm hứng". Bộ trưởng Nội vụ Đức Horst Seehofer, vốn phản đối chấp nhận nhập cư, là một trong số những người ủng hộ quan điểm của ông Orban. Ông Stephen Bannon, cựu chiến lược gia trưởng của Tổng thống Mỹ Donald Trump, từng gọi ông Orban là "anh hùng vĩ đại".

Các nhà lãnh đạo dân túy đã khai thác sự thất vọng của những người cảm thấy bị bỏ rơi bởi sự biến đổi thời hậu Cộng sản ở Trung và Đông Âu.Ngoài ra, nhiều người còn bị "vỡ mộng" với hệ thống kinh tế đã gây ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, khiến các nước như Hungary gặp khó khăn.

Trong khi một số khu vực ở Đông Âu, như Cộng hòa Czech, vấn đề đồng lương thấp cùng một số vấn đề khác đã khiến cử tri tiếp tục ủng hộ các nhà lãnh đạo dân túy, những người cam kết sẽ chống lại áp lực phải chia sẻ lợi ích với những người nhập cư.

Để đối phó với tình trạng trên, các nhà lãnh đạo EU đang tranh luận liệu các khoản trợ cấp trong ngân sách giai đoạn tiếp theo cho các nước nghèo có nên gắn với các quy định pháp quyền hay không. EU cũng xem xét kích hoạt Điều 7.1 trong các hiệp ước EU, điều có thể sẽ dẫn đến việc tước bỏ quyền biểu quyết của Ba Lan và Hungary cho dù 2 nước này tuyên bố sẽ sử dụng quyền phủ quyết để bảo vệ nhau./.

Nguồn: TTXVN




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC