Chính quyền Tổng thống Donald Trump hôm 13/7 ra tuyên bố về "lập trường của Mỹ với các yêu sách hàng hải ở Biển Đông". Đây được coi là thay đổi quan điểm quan trọng khi làm rõ chính sách của Washington tại Biển Đông, với trọng tâm là bác bỏ hầu hết yêu sách chủ quyền phi pháp của Bắc Kinh trong khu vực.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo điều này có thể dẫn đến những tính toán sai lầm giữa hai bên, làm gia tăng nguy cơ xung đột quân sự giữa hai cường quốc trên Biển Đông.
Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung tiếp tục căng thẳng. Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ đầu tháng 6 thông qua Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) năm 2021, trong đó có điều khoản bổ sung quan trọng là cung cấp tài chính cho Sáng kiến Răn đe Thái Bình Dương (PDI), thể hiện quyết tâm của Washington trong đối phó với Bắc Kinh về mặt quân sự.
Mục đích chính của PDI là "dằn mặt" Trung Quốc, cũng như trấn an các đồng minh thông qua tăng cường hiện diện quân sự Mỹ ở châu Á.
Hai nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ diễn tập trên Biển Đông hôm 6/7. Ảnh: US Navy.
Trước đây, khi đề cập đến tranh chấp trên Biển Đông, Mỹ thường lên án yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc, đồng thời kêu gọi các nước trong khu vực đàm phán để đi đến thống nhất về chủ quyền trên biển. Tuy nhiên, tuyên bố về Biển Đông lần này chuyển sang hướng tiếp cận khác, đó là chủ động bác bỏ thẳng thừng yêu sách của Bắc Kinh.
Điều đó có thể thúc đẩy Trung Quốc phản ứng quyết liệt bằng cách đẩy mạnh hoạt động khẳng định yêu sách chủ quyền phi pháp nhằm đối phó Mỹ, cũng như uy hiếp các nước có tranh chấp ở khu vực Đông Nam Á.
"Tuyên bố này không nhất thiết thay đổi những gì Mỹ đã và đang thực hiện ở Biển Đông. Tuy nhiên, có một sự quan ngại rằng Trung Quốc có thể tăng cường thách thức các hoạt động của Mỹ trong khu vực. Điều này có thể dẫn đến tính toán sai lầm trên biển và nguy cơ xảy ra sự cố", học giả Collin Koh tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam của Singapore nêu quan điểm.
Global Times, tờ báo thuộc People's Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, ngày 14/7 đăng bài bình luận cảnh báo "quân đội Trung Quốc đã sẵn sàng cho các cuộc xung đột ở Biển Đông và eo biển Đài Loan", đồng thời đe dọa rằng "các loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Trung Quốc có thể bao trùm toàn bộ khu vực Biển Đông".
Quan hệ Mỹ - Trung đang căng thẳng trong nhiều vấn đề, từ nguồn gốc và cách xử lý đại dịch Covid-19 đến Hong Kong. Tuy nhiên, Biển Đông vẫn là điểm nóng dễ dẫn đến các vụ va chạm giữa lực lượng quân sự hai nước.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper từng tuyên bố muốn triển khai thêm binh lực đối phó Trung Quốc. Hải quân Mỹ gần đây cũng đẩy mạnh các chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải nhằm thách thức yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh, trong khi hai tàu sân bay USS Ronald Reagan và USS Nimitz vừa hoàn thành đợt diễn tập chung trên Biển Đông.
"Chính quyền Trump đang cố gắng làm mọi thứ để tăng sức ép với Trung Quốc", Zhu Feng, giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu Đổi mới Hợp tác về Biển Đông thuộc Đại học Nam Kinh, đánh giá. "Họ khai thác yếu tố Trung Quốc để phục vụ bầu cử, mặt khác thay đổi thái độ với Bắc Kinh", Zhu cho biết.
Hãng tư vấn rủi ro Eurasia Group ở Mỹ nhận định nguy cơ xảy ra sự cố ở Biển Đông dẫn đến leo thang xung đột đang gia tăng, trong khi khả năng hạ nhiệt ngày càng khó khăn do quan hệ hai nước xấu đi. Công ty này cảnh báo Trung Quốc có thể lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở Biển Đông để "buộc các máy bay quân sự và thương mại quốc tế công nhận chủ quyền của họ".
"Cả Mỹ và Trung Quốc đều không muốn nổ ra xung đột vì vấn đề này nhưng nó vẫn tồn tại. Nếu lãnh đạo hai nước không có kênh liên lạc hiệu quả về Biển Đông, tình hình rất dễ leo thang vượt tầm kiểm soát", Zheng Yongnian, giám đốc Viện nghiên cứu Đông Á thuộc Đại học Quốc gia Singapore, nhấn mạnh.
Duy Sơn (Theo Bloomberg)
Nguồn: VNEXPRESS.NET