Trong một báo cáo với tiêu đề “Rào cản kỹ thuật của CBDC” (tiền kỹ thuật số do ngân hàng trung ương phát hành), BoJ chỉ ra hai thách thức lớn mà CBDC phải đối mặt là “tiếp cận toàn cầu” và “độ ổn định”.
Với khó khăn về “tiếp cận phổ cập”, báo cáo đề cập đến tình trạng không phải người nào cũng có điện thoại di động để giao dịch, thanh toán. Theo thống kê của báo Nikkei, năm 2018, chỉ có 65% người dân Nhật Bản có điện thoại di động.
Bên cạnh đó, bản báo cáo cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của “độ ổn định” loại tiền này trong trường hợp xảy ra tình huống khẩn cấp như động đất hay mất điện. Tại Nhật Bản, gần 1.500 vụ động đất xảy ra mỗi năm.
Nhật Bản là một trong những quốc gia mà phần lớn người dân vẫn giữ thói quen dùng tiền mặt. So sánh số liệu năm ngoái, trong khi tỷ lệ thanh toán không tiền mặt trong tiêu dùng tại quốc gia láng giềng Hàn Quốc là 98% thì con số này ở Nhật Bản khiêm tốn ở mức 18%. Ở Trung Quốc và Anh, tỷ lệ này lần lượt là 60% và 55%. Hồi tháng 2, BoJ cùng với các ngân hàng trung ương của Anh, châu Âu, Thụy Sĩ , Canada và Thụy Điển đã công bố kế hoạch hợp tác nghiên cứu và phát hành CBDC./.
Theo TTXVN