Hai nhóm tác chiến tàu sân bay Nimitz và Ronald Reagan dàn đội hình ở Biển Đông ngày 17-7 - Ảnh: Hạm đội Thái Bình Dương.
Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ ngày 17-7 xác nhận hai nhóm tàu sân bay của hải quân nước này đã quay lại Biển Đông. Tuyên bố này được đưa ra vài ngày sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ ra thông điệp bác bỏ hầu hết yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông.
Biển Đông "nóng bừng"
Theo thông báo của hạm đội Thái Bình Dương, hôm 17-7 là thời điểm bắt đầu cuộc diễn tập phối hợp của hai nhóm tác chiến tàu sân bay Nimitz và Ronald Reagan.
Website của hải quân Mỹ cho biết hai nhóm tàu Nimitz và Ronald Reagan tiếp tục vận dụng khả năng phối hợp của hơn 12.000 thủy thủ và thủy quân lục chiến, để thực hiện các bài tập chiến thuật phòng không nhằm duy trì hiệu quả và mức độ sẵn sàng cho những tình huống khó lường.
Theo đó, bộ đôi này tiếp tục "thể hiện cam kết hoạt động đối với đồng minh và đối tác của chúng tôi trong khu vực" và giúp "các chỉ huy tác chiến có được khả năng hoạt động linh hoạt khi cần trong phản ứng với những tình huống trong khu vực".
Đây là lần thứ hai trong vòng hai tuần các nhóm tác chiến tàu sân bay trên xuất hiện ở Biển Đông theo các tuyên bố chính thức. Trước đó từ ngày 4 đến 6-7, hai tàu sân bay USS Ronald Reagan (CVN-76) và USS Nimitz đã triển khai các cuộc diễn tập ở Biển Đông.
Các hoạt động của tàu Mỹ được xem sẽ chọc giận Trung Quốc, nước đang tuyên bố chủ quyền phi pháp đối với hầu hết Biển Đông.
Trong động thái đáng chú ý gần như cùng lúc, giới quan sát cho rằng Trung Quốc đã đưa ít nhiều máy bay chiến đấu ra đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhưng đang bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp. Tạp chí Forbes (Mỹ) dẫn ảnh vệ tinh chụp ngày 15-7 cho thấy có ít nhất 4 tiêm kích Trung Quốc tại Phú Lâm.
Tạm thời chưa rõ số lượng tiêm kích thực sự là bao nhiêu, trong khi giới quan sát nói rằng nhóm tiêm kích này bao gồm J-11, loại từng xuất hiện ở Phú Lâm.
Ít nhất 4 tiêm kích của Trung Quốc xuất hiện trên đảo Phú Lâm hôm 15-7 - Ảnh: FORBES.
"Nắn gân" nhưng khó xung đột quân sự
Trong các bản tin của hai đợt diễn tập, phía Mỹ không chính thức công bố địa điểm, trong khi truyền thông Mỹ chỉ đề cập vị trí diễn tập là "vùng biển tranh chấp".
Nhưng trong cả hai lần Mỹ công bố hoạt động, Trung Quốc đều có động thái ở Hoàng Sa. Việc Trung Quốc triển khai máy bay tới Phú Lâm cũng nhiều khả năng là một đòn "nắn gân" tương tự của Bắc Kinh.
Trong lần USS Ronald Reagan và USS Nimitz xuất hiện đầu tháng 7 như đã nêu, Trung Quốc cũng thông báo tập trận 5 ngày tại Hoàng Sa (từ 1 tới 5-7), và cảnh báo xua đuổi tàu nước khác khỏi khu vực này.
Diễn biến dồn dập ở Biển Đông về mặt quân sự có thể khiến căng thẳng Mỹ - Trung leo thang ở vấn đề này, đặc biệt sau khi Bộ Ngoại giao và các quan chức Mỹ như Ngoại trưởng Mike Pompeo hay Thứ trưởng David Stilwell có những phát biểu mạnh mẽ về yêu sách của Trung Quốc.
Tuy nhiên khả năng diễn ra xung đột quân sự không cao, khi phía Mỹ cũng có động thái giảm nhiệt. Trong tuyên bố về đợt diễn tập ngày 17-7, hải quân Mỹ khẳng định sự hiện diện của USS Nimitz và USS Ronald Reagan không nhằm phản ứng trước các sự kiện chính trị hay thế giới, mà chỉ là một phần trong quá trình rèn giũa, phát triển khả năng tương tác chiến thuật của hải quân Mỹ.
"Trong hơn 75 năm qua, hải quân Mỹ đã triển khai nhiều hoạt động tác chiến tàu sân bay trong khu vực" - tuyên bố của Lầu Năm Góc lưu ý.
|
NHẬT ĐĂNG
Nguồn: tuoitre.vn