Một nông dân hiếu kỳ ở Arkansas đã trồng thử gói hạt giống mà ông nhận được và ngỡ ngàng vì chúng phát triển rất nhanh.

42 1 Nong Dan My Ngo Ngang Khi Trong Hat Giong Gui Tu Trung Quoc

"Chúng tôi gieo hạt để xem chuyện gì sẽ đến", Doyle Crenshawn, một người dân ở Boonneville, thành phố phía tây nam bang Arkansas, cho biết hồi cuối tháng 7.

Cây ra hoa màu cam, kết quả lớn màu trắng giống quả bí đao. "Cứ mỗi hai tuần, tôi lại đến xem và bón phân. Chúng lên như thổi", Crenshawn nói.

Ông trồng từ hai tháng trước khi nhận được gói hạt giống gửi từ Trung Quốc, trước khi các quan chức nông nghiệp Mỹ cảnh báo người dân.

Chúng tôi e ngại những hạt giống này có thể mang theo cỏ hoặc côn trùng xâm lấn hoặc một loại bệnh thực vật nào đó vào nước Mỹ", Scott Bray, quan chức nông nghiệp Arkansas, nói, cho biết đã thu thập cây mà Crenshawn trồng được về nghiên cứu.

Người dân tại 50 bang nước Mỹ đều báo cáo nhận được các gói hạt giống lạ, dán nhãn gửi từ Trung Quốc dù họ không đặt hàng. Một số đựng trong túi nhựa trong suốt, trong phong bì màu xám nhạt hoặc màu be, kích thước tiêu chuẩn. Một số túi được dán biểu tượng là hàng trang sức.

"Gói mà tôi nhận đề được gửi từ Trung Quốc và chú thích là 'bông tai đính đá'. Ban đầu chúng tôi nghĩ thật kỳ quái", Crenshaw nói.

Bộ Nông nghiệp Mỹ đã xác định được 14 loại hạt giống trong các gói gửi đến người dân Mỹ, bao gồm mù tạt, bắp cải, rau muống và một số loại thảo mộc như bạc hà, xô thơm, hương thảo, oải hương và một số loại khác như dâm bụt và hoa hồng. Bộ cũng đang hợp tác với Sở An ninh Nội địa để điều tra các gói hạt giống.

Hiện chưa rõ ai đã gửi những gói hàng này và mục đích là gì. Các quan chức nông nghiệp Mỹ cho rằng đây là một trò lừa đảo, theo đó người bán gửi cho người nhận món đồ mà họ không đặt hàng rồi mạo danh "người mua được chứng thực" để viết nhận xét tích cực về sản phẩm của mình nhằm tăng doanh số.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân hôm 28/7 cho hay bưu chính Trung Quốc đang làm việc với bưu chính Mỹ, đề nghị gửi lại các gói hàng về Trung Quốc để phân tích. Ông cho rằng nhãn dán địa chỉ trên bao bì bị làm giả.

Hồng Hạnh (Theo CBS)

Nguồn: VnExpress

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC