Như vậy sau đúng một năm, hoạt động kinh tế-xã hội và văn hóa của Pháp tiếp tục bị đình trệ nghiêm trọng.
Thủ tướng Pháp Jean Castex cho biết tình hình dịch bệnh rất đáng lo ngại và vaccine là “cánh cửa để thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay”.
Phát biểu trước Quốc hội vào thời điểm tròn một năm kể từ lúc Tổng thống Emmanuel quyết định phong tỏa toàn quốc vào ngày 16-3-2020 để ngăn chặn làn sóng đầu tiên của dịch bệnh, Thủ tướng Jean Castex nhận định rằng dịch bệnh lại diễn biến phức tạp. Tình hình tại các bệnh viện ở nhiều tỉnh bắt đầu trở nên căng thẳng, có nguy cơ quá tải, nhất là ở vùng thủ đô Ile-de-France.
Trước tình hình đó, Thủ tướng Pháp kêu gọi người dân tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp chống dịch vì các biến thể mới đang lây lan rất nhanh và dẫn tới sự gia tăng đáng kể của số người nhập viện. Chiến dịch tiêm chủng diễn ra chưa đúng kế hoạch do có một số khó khăn trong đó có nguồn và thời hạn cung cấp vaccine.
Ngày 16-3, Pháp ghi nhận gần 30 nghìn ca nhiễm mới và 320 ca tử vong. Số người nhập viện và ca hồi sức cấp cứu cũng tăng. Thống kê trong mấy ngày gần đây cho thấy số ca nhiễm bệnh có dấu hiệu tăng hơn hắn mấy tuần trước.
Tình hình đang trở nên rất nghiêm trọng ở vùng thủ đô Ile-de-France vì tỷ lệ nhiễm bệnh đã ở mức 418,9 ca/100 nghìn dân, vượt ngưỡng 400 ca để chính phủ phải đưa ra lệnh phong tỏa cục bộ như ở một số nơi khác. Số ca hồi sức cấp cứu cũng đã vượt ngưỡng cao điểm trong đợt dịch thứ hai vào tháng 11-2020, và hiện chiếm hơn 1/4 tổng số ca trên toàn quốc.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn trên truyền hình tối 16-3, Thủ tướng Pháp cho rằng không chỉ chính phủ mà cả người dân đang phải gánh chịu thách thức và sức ép rất lớn. Sau một năm, nước Pháp vẫn thưa thoát khỏi khủng hoảng dịch bệnh. Tình cảnh này như “một bộ phim chưa có hồi kết”.
Đề cập đến biện pháp ứng phó cho vùng thủ đô, Thủ tướng Pháp cho biết tình hình “rất đáng lo ngại và nguy cấp”. Do đó, biện pháp phong tỏa cục bộ đang được xem xét và sẽ sớm được công bố vì các bệnh viện không còn chỗ cho bệnh nhân hồi sức cấp cứu.
Hiện có hơn 25 nghìn bệnh nhân được điều trị trong các bệnh viện ở Pháp. Riêng vùng thủ đô Ile-de-France có hơn 5.900 bệnh nhân.
Dù chiến dịch sơ tán bệnh nhân nặng được triển khai từ ngày 14-3, số liệu do Cơ quan Y tế Công cộng Pháp công bố ngày 16-3 cho thấy tỷ lệ lấp đầy giường bệnh chăm sóc đặc biệt ở vùng thủ đô đã lên tới 103%.
Theo các chuyên gia y tế, nguyên nhân chính dẫn tới làn sóng thứ ba tại Pháp là do các biến thể mới. Trong số các ca nhiễm mới, có tới khoảng 70% là do biến thể ở Anh.
Một biến thế mới lại vừa được phát hiện ở vùng Brittany ở phía tây bắc nước Pháp. Cơ quan y tế của vùng này cho biết, một cụm dịch với 79 người nhiễm bệnh đã xảy ra tại bệnh viện Lannion ở tỉnh Côtes d’Armor. Kết quả xét nghiệm PCR của bảy trong số tám ca tử vong chỉ cho kết quả âm tính, cho tới khi thử lại bằng xét nghiệm huyết thanh và mẫu hô hấp sâu hơn. Vì lý do khó phát hiện như vậy, các cơ quan y tế địa phương đã mở cuộc điều tra và đưa biến thể mới này vào danh sách “giám sát chặt chẽ.”
Sau một năm trải qua hai đợt phong tỏa toàn quốc, nước Pháp lại rơi vào tình thế rất khó khăn. Lệnh giới nghiêm, rồi tới lệnh phong tỏa cục bộ ở những tỉnh nguy cơ cao trong nhiều tuần qua, không thể kiềm chế đà lây lan của dịch bệnh. Nỗi lo về dịch bệnh cùng với các hạn chế đang đè nặng lên cuộc sống hằng ngày ở Pháp, nhất là đối với ngành dịch vụ ngưng hoạt động suốt hơn bốn tháng qua.
Pháp hiện là nước có số nhiễm bệnh cao thứ 6 trên thế giới, thứ 3 ở châu Âu và đứng đầu ở khu vực EU, với hơn 4,108 triệu ca. Số tử vong cũng ở mức rất cao, hơn 91 nghìn, sau Anh và Italy.
Nguồn: nhandan.com.vn