Miền nam Italia tuyên bố chiến thắng Covid-19
Giới chức y tế Italia hôm 17/4 cho biết miền nam nước này đã ngăn được dịch bệnh Covid-19 lây lan, dù ít được chuẩn bị cho đại dịch hơn khu vực miền bắc. "Chúng tôi đã ngăn chặn được virus SARS-CoV-2 lây lan ở các khu vực miền nam", người đứng đầu hội đồng y tế công cộng Italia Franco Locatelli nói với các phóng viên hôm 17/4. "Đây là thực tế đã được các số liệu chứng minh trong ngày thứ Sáu".
Thông tin tích cực trên cho thấy nhiều khả năng khu vực phía nam Italia ẽ được nới lỏng lệnh phong tỏa vào tháng tới.
Italy hôm 17/4 ghi nhận thêm gần 3.500 ca nhiễm và 575 ca tử vong do nhiễm bệnh Covid-19, nâng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt hơn 172.000 và gần 23.000.
Theo số liệu mới nhất từ Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italia, bệnh nhân Covid-19 đang được điều trị chỉ tăng vài trăm, ít nhất từ khi dịch bệnh bùng phát tại nước này. "Chúng tôi đã chứng kiến số ca phục hồi cao nhất kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng", giám đốc Cơ quan Bảo vệ Dân sự Angelo Berrelli cho hay.
Thủ tướng Giuseppe Conte cảnh báo 6 tuần trước rằng khả năng chiến thắng Covid-19 của Italia phụ thuộc vào việc liệu có ngăn chặn được các ca nhiễm ở tâm dịch quanh Milan, miền bắc đất nước. Thủ tướng Conte đã quyết định áp lệnh phong tỏa cả đất nước để ngăn dịch Covid-19 lây lan, lệnh phong tỏa đầu tiên được áp dụng ở châu Âu kể từ sau Thế chiến II.
Chính quyền Roma cho rằng thiệt hại kinh tế ngắn hạn sẽ được đền đáp bằng cách cứu hệ thống chăm sóc y tế và cho phép đất nước dần mở cửa trở lại trong những tuần tới. Theo ông Locatelli, tình hình dịch bệnh được cải thiện ở miền nam cho thấy "canh bạc lớn" của Thủ tướng Conte đã được đền đáp.
Pháp chặn được làn sóng lây lan đầu tiên của dịch Covid-19
Ngày 17/4, nước Pháp bước vào tháng thứ hai của lệnh phong tỏa khi số người nhập viện cũng như bệnh nặng do Covid-19 tiếp tục ít hơn so với ngày hôm trước.
Tổng Cục trưởng Y tế Pháp Jérôme Salomon khẳng định rằng, làn sóng lây lan đầu tiên đã suy giảm rất nhiều. Trong 24 giờ qua, Pháp xác nhận thêm 761 ca tử vong trong đó có 418 ca ở bệnh viện, còn lại là ở các nhà dưỡng lão và các cơ sở y tế-xã hội.
Tổng số tử vong do Covid-19 đã lên tới 19.681 trường hợp. Tuy nhiên, "làn sóng hy vọng" tiếp diễn ở các bệnh viện khi số người nhập viện giảm trong ngày thứ 3 liên tiếp, ít hơn 115 trường hợp so với ngày 16/4. Số người cần chăm sóc đặc biệt cũng ít hơn 221 trường hợp, giảm liên tiếp trong suốt 9 ngày qua.
Ông Salomon nhận định rằng, làn sóng lây lan đầu tiên của dịch Covid-19 suy giảm rất nhiều vì người dân đã tuân thủ nghiêm túc các biện pháp giãn cách xã hội. Như vậy, đà lây lan khủng khiếp của virus SARS-CoV-2 đã bị ngăn chặn. Một tháng phong tỏa vừa qua đang mang lại những kết quả tích cực.
Theo đánh giá dịch tễ của Cơ quan Y tế công cộng Pháp công bố ngày 17/4, đa số các ca tử vong do Covid-19 ở nước này là người cao tuổi, dễ bị tổn thương nhất nếu bị nhiễm virus.
Có hơn 80% ca tử vong bị ít nhất một bệnh mạn tính. Trong số các trường hợp tử vong ở bệnh viện, có 36% bị bệnh tim, 30% bị bệnh tiểu đường và 23% bị bệnh hô hấp. Có 9% trường hợp liên quan bệnh béo phì. Có tới 1/3 trong tổng số ca tử vong ở Pháp là những người già yếu ở các nhà dưỡng lão. Riêng trong thời gian từ ngày 1 đến 14/4, có một nửa số tử vong là ở các nhà dưỡng lão. Còn số ca tử vong là nam giới chiếm 57% so với tỷ lệ 61% trên thế giới.
Đức tuyên bố kiểm soát thành công tốc độ lây nhiễm
Bộ trưởng Y tế Liên bang Đức Jens Spahn ngày 17/4 cho biết sau 4 tuần áp dụng các biện pháp ứng phó, đến nay, Đức đã có thể kiểm soát tốc độ lây lan dịch bệnh Covid-19.
Bộ trưởng Spahn khẳng định việc áp dụng biện pháp hạn chế người dân ra ngoài từ giữa tháng 3 đã phát huy tác dụng. Số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 giảm đáng kể, đặc biệt thể hiện rõ trong tốc độ giảm số ca nhiễm mới ghi nhận từng ngày. Số ca điều trị khỏi mỗi ngày hiện đã cao hơn số ca được xác nhận nhiễm mới.
Đức tuyên bố đã có thể kiểm soát tốc độ lây lan dịch bệnh Covid-19.
Bên cạnh đó, nhờ kiểm soát được dịch bệnh nên hệ thống y tế của Đức không bị quá tải. Trong khoảng 3 đến 4 tuần tới, một ứng dụng trên điện thoại di động để theo dấu tiếp xúc người dùng cũng sẽ được triển khai sau khi các biện pháp hạn chế được nới lỏng từ đầu tháng 5.
Cùng ngày, Chủ tịch Viện dịch tễ RKI Lothar Wieler đánh giá cao thành quả kiềm chế thành công sự lây lan của virus khi tốc độ lây nhiễm hằng ngày đã chậm lại và hiện ở mức 0,7%, có nghĩa 1 người bệnh không còn có thể lây nhiễm tương ứng cho 1 người khác mà là dưới 1 người.
Hiện Đức có số ca nhiễm bệnh cao thứ 5 thế giới, sau Mỹ, Tây Ban Nha, Italia và Pháp nhưng nhờ các biện pháp xét nghiệm sớm trên diện rộng, quốc gia này đã hạn chế được số ca tử vong ở mức 3.188 ca, với 274 ca mới trong ngày 17/4./.
Nguồn: Zing