Tuy nhiên, các quan chức không nói cụ thể loại hải sản nào hay nguồn gốc xuất xứ từ đâu. Họ cho hay, một lượng nhỏ hải sản đã được chế biến để xuất khẩu, số còn lại vẫn được bảo quản trong kho lạnh và chưa được đưa ra thị trường nội địa. Hiện số hàng hóa đã bị niêm phong, công nhân từng xử lý lô hàng đông lạnh được đưa đi cách ly và xét nghiệm cho kết quả âm tính.
Hồi tháng 7, lực lượng hải quan thành phố Đại Liên từng phát hiện nCoV trên bao bì sản phẩm tôm đông lạnh nhập khẩu từ Ecuador.
Sản phẩm đông lạnh tại một siêu thị ở Bắc Kinh ngày 17/6. Ảnh: Reuters.
Cụm dịch ở thành phố Đại Liên bùng phát cuối tháng 7, sau khi một công nhân nhà máy chế biến hải sản nhiễm bệnh. 60 công nhân và quản lý - chiếm khoảng 2/3 số nhân viên của công ty chế biến này - cũng nhiễm nCoV và lây nhiễm cho nhiều người khác ở Liêu Ninh. Tính đến 9/8, Đại Liên báo cáo 92 ca.
Wu Zunyou - Trưởng bộ phận dịch tễ học của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc - cho biết các đợt bùng phát dịch ở Đại Liên, Bắc Kinh và thậm chí là tâm dịch Vũ Hán "có những điểm tương đồng nhất định" và đều liên quan đến việc mua bán, chế biến hải sản. "Những khu chợ này có môi trường chung là ẩm thấp, nhiệt độ tương đối thấp, thích hợp cho virus tồn tại".
Giáo sư Jin Dongyan từ Đại học Hong Kong cho biết, người dân nên cảnh giác dù chưa xuất hiện ca lây nhiễm qua chạm vào thực phẩm hay bao bì. Ông khuyến cáo mọi người nên nấu chín, uống sôi và tránh các thức ăn có nguy cơ cao như sushi.
Covid-19 đã xuất hiện ở 213 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới khiến hơn 20 triệu người nhiễm và gần 740.000 ca tử vong. Trung Quốc ghi nhận gần 85.000 ca nhiễm và hơn 4.600 người chết.
Thanh Tâm (Theo Reuters)
Nguồn: VnExpress