Đề nghị hợp tác
Mới đây, các quan chức Nga tại Moscow cho biết họ đã đề nghị hợp tác Chiến dịch Thần tốc (OWS) - 1 tổ chức đa cơ quan của Mỹ được thành lập để tăng tốc độ nghiên cứu vaccine và thuốc điều trị COVID-19.
Tuy nhiên, phía Nga cho biết Mỹ "hiện không cởi mở" đối với những tiến bộ y học của Nga.
"Người Mỹ thiếu sự tin tưởng đối với Nga và chúng tôi tin rằng những công nghệ của Nga - bao gồm vaccine, xét nghiệm và chữa trị - sẽ không thể áp dụng được ở Mỹ bởi vì sự thiếu tin tưởng đó," quan chức cấp cao Nga nói.
Thư ký Báo chí Nhà Trắng Kayleigh McEnany nói tổng thống Mỹ Donald Trump đã được thông báo chi tiết về vaccine chống COVID-19 mới từ Nga và cho biết vaccine Mỹ đang trải qua giai đoạn 3 với các thử nghiệm "khắc nghiệt" cùng tiêu chuẩn cao.
Trả lời CNN, một số quan chức Mỹ khác nói vaccine của Nga chỉ là loại dược phẩm "nửa vời" và không được Mỹ đánh giá cao. "Không đời nào Mỹ tiêm vaccine của Nga lên khỉ, chứ đừng có nói tiêm cho người," một quan chức y tế Mỹ tuyên bố.
"Nếu vaccine của chúng tôi được chứng tỏ là có hiệu quả, thì câu hỏi đặt ra là tại sao Mỹ không chọn sử dụng nó, tại sao chính trị lại can thiệp vào quá trình tiếp cận vaccine?," một quan chức Nga lên tiếng.
Dữ liệu thử nghiệm chưa được công bố
© Yegor Aleev/TASS
Được phát triển bởi viện Gamaleya (Nga), vaccine chống COVID-19 mới được chính phủ Nga công bố trước khi bắt đầu thử nghiệm "giai đoạn 3" trên hàng nghìn người. Tới nay, Nga chưa cung cấp dữ liệu khoa học về kết quả thử nghiệm.
Một quan chức cấp cao và một cố vấn chính phủ Mỹ cho biết Mỹ không có bất kì mẫu vaccine mới nào của Nga.
"Họ đã có đủ số ca nhiễm COVID-19 ở Nga để có thể thử nghiệm y tế, nhưng có vẻ họ chưa thử nghiệm ở quy mô đủ lớn. Chưa có đủ bằng chứng thử nghiệm trên người để quyết định liệu vaccine có tác dụng thực sự không. Chúng tôi đang nói về việc thiếu hụt dữ liệu an toàn," một cố vấn Mỹ đề nghị giấu tên cho hay.
Nga đã thông qua luật hồi tháng 4 cho phép bỏ qua thử nghiệm giai đoạn 3 trước khi vaccine được chấp nhận. Điều này cho phép các nhà nghiên cứu nhanh chóng đẩy nhanh quá trình phát triển vaccine.
"Trong tình huống đại dịch, có nhiều điều có thể thực hiện để tận dụng lợi ích của vaccine (nếu lợi ích vượt qua rủi ro). Đó là điều Nga đã làm. Nhưng xét cho cùng, rủi ro hiện tại là quá cao. Hậu quả có thể sẽ rất đáng sợ," quan chức Mỹ nói.
Vaccine chống COVID-19 của Nga sẽ được sử dụng đối với những người có nguy cơ cao trước khi tiêm trên diện rộng vào tháng 10 tới.
Một cựu quan chức Mỹ gọi vaccine của Nga là "trò đùa", cho rằng vì Nga chưa hoàn thành 3 giai đoạn thử nghiệm cần thiết nên không ai - cả WHO lẫn Mỹ - sẽ coi đây là một loại dược phẩm hoàn chỉnh. Người này cho rằng Trung Quốc "còn gần hơn với chiến thắng trong cuộc đua vaccine".
Theo CNN, phía Mỹ nhận định rằng Trung Quốc nghiêm túc và "có trách nhiệm" hơn trong việc thử nghiệm vaccine. "Trung Quốc rất muốn tuân thủ các nguyên tắc và phản ứng thông thường. Họ đang thực hiện điều đó," một người nói.
Phía Nga cho hay, ít nhất 20 quốc gia từ Mỹ Latin, Trung Đông và châu Á đã tỏ ý quan tâm tới loại vaccine này. Đáng ghi nhận, tổng thống Philippines tuyên bố ông sẽ tiêm vaccine này khi Nga gửi tới Philippines. Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Mexico nói Mexico cũng đang "đối thoại" với Nga về loại vaccine mới.
Tất Đạt
Nguồn: Tổ Quốc