Theo CNN, chính quyền Bangladesh đã nhận được đơn tố cáo về việc ông Mohammad Shahed (43 tuổi), Giám đốc bệnh viện Regent có hành vi lừa dối bệnh nhân. Người này đã bỏ trốn khỏi địa phương 9 ngày trước khi bị cảnh sát bắt giữ trong lúc chuẩn bị vượt sông sang nước láng giềng Ấn Độ.
Phát ngôn viên lực lượng phản ứng nhanh của Bangladesh là Đại tá Ashique Billah cho hay, ông Shahed bị cáo buộc cung cấp kết quả xét nghiệm âm tính giả với virus corona chủng mới cho hàng ngàn người.
Giám đốc bệnh viện ở Bangladesh làm giả 6.500 xét nghiệm Covid-19. (Ảnh: Dhaka Tribune)
Ông này còn bị buộc tội thu tiền điều trị của các bệnh nhân mắc Covid-19, trong khi hồ sơ lại ghi những người này không bị nhiễm virus corona chủng mới. Đáng nói, trước đó, ông Shahed đã đồng thuận với chính phủ về việc điều trị miễn phí cho các bệnh nhân Covid-19.
Cũng theo phát ngôn viên Billah, hai bệnh viện mà ông Shahed làm Giám đốc trên thực tế đã xác định được khoảng 4.000 mẫu xét nghiệm nhiễm virus corona chủng mới là thật, còn khoảng 6.500 mẫu khác là chứng nhận giả về việc âm tính với virus. Cảnh sát sẽ tạm giữ ông Shahed 10 ngày để điều tra và thẩm vấn.
Ông Shahed không phải là người đầu tiên ở Bangladesh bị bắt trước cáo buộc có hành vi gian dối y tế trong giai đoạn dịch Covid-19. Hồi tuần trước, các nhà điều hành một cơ sở xét nghiệm tư nhân cũng đã bị cơ quan chức năng Bangladesh bắt giữ trước cáo buộc cung cấp giấy chứng nhận giả âm tính với virus, mà trên thực tế không hề lấy mẫu xét nghiệm từ người dân.
Giới chuyên gia lo ngại, những vụ việc bị phanh phui gần đây sẽ khiến người dân Bangladesh từ chối đi xét nghiệm, bởi thực tế khả năng làm xét nghiệm tại quốc gia này chỉ có giới hạn.
Kể từ hồi tháng Ba, chính phủ Bangladesh đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho từ 13.000 – 17.000 người/ngày. Con số này được cho là quá nhỏ so với dân số hơn 168 triệu người ở Bangladesh.
Thậm chí, tại các địa điểm lấy mẫu xét nghiệm, người dân phải xếp hàng dài và chờ đợi rất lâu có khi tới tận đêm khuya.
Những bê bối của ngành y tế có khả năng khiến người dân Bangladesh không còn tin tưởng vào kết quả xét nghiệm và khiến số người từ chối lấy mẫu gia tăng trong thời gian tới.
Số liệu từ Đại học Johns Hopkins cho thấy, hơn 193.500 người ở Bangladesh đã mắc Covid-19 và 2.457 trường hợp đã thiệt mạng. Song trên thực tế, con số người mắc bệnh có thể còn cao hơn do Bangladesh bị giới hạn về năng lực xét nghiệm.
Những người chỉ trích cho rằng, chính phủ Bangladesh đã không có những nỗ lực bảo vệ cộng đồng dân cư có khả năng lây nhiễm cao đặc biệt là tại các khu đông dân cư như thủ đô Dhaka và dọc đồng bằng sông Hằng.
Bangladesh tiến hành phong tỏa trong 68 ngày và tái mở cửa “quy mô hạn chế” vào ngày 1/6 nhằm khôi phục một phần nền kinh tế bất chấp các chuyên gia y tế vẫn phát hiện hàng ngàn ca mới mắc Covid-19 mỗi ngày. Dù trường học vẫn đóng cửa, nhưng các cửa hàng kinh doanh và văn phòng chính phủ đã hoạt động trở lại.
Dịch bệnh cũng đang tàn phá nền kinh tế của Bangladesh. Dù trong những năm gần đây, ngành dịch vụ và công nghệ của nước này đã tăng trưởng, nhưng ngành dệt may vẫn là xương sống của nền kinh tế quốc gia với giá trị mang lại là 30 tỉ USD/năm.
Khu vực Nam Á đang là một trong những điểm nóng Covid-19 trên toàn thế giới. Cụ thể, chỉ trong vài ngày tới, Ấn Độ được cho sẽ chạm mốc 1 triệu người mắc bệnh. Pakistan cũng đã có trên 255.000 trường hợp mắc Covid-19.
Kho đạn phiến quân bốc cháy vì nắng nóng; Iran sẵn sàng cung cấp hệ thống phòng không hiện đại cho Syria là những diễn biến mới nhất của tình hình Syria.
Minh Thu (lược dịch)
Nguồn: INFONET.VN