Số ca COVID-19 ở một số nước trên thế giới đang có xu hướng giảm, được cho là do các biện pháp phòng ngừa và miễn dịch cộng đồng.

Khi đại dịch COVID-19 bùng phát ở Ấn Độ, có nhiều lo ngại rằng nó sẽ "nhấn chìm" hệ thống y tế mỏng manh của quốc gia đông dân thứ hai thế giới này.

Tuy nhiên, số ca bệnh ở Ấn Độ bắt đầu giảm mạnh vào tháng 9/2020 và hiện họ báo cáo khoảng 11.000 ca mắc mới mỗi ngày, so với mức cao nhất là gần 100.000 trước đây.

42 1 So Ca Covid 19 Tren The Gioi Dang Giam

(Ảnh minh họa)

Các chuyên gia đưa ra nhiều lời giải thích cho việc số ca bệnh giảm đột ngột, bao gồm một số khu vực có thể đã đạt đến khả năng miễn dịch cộng đồng. Một khả năng khác là nhiều người Ấn Độ tiếp xúc với nhiều loại bệnh trong suốt cuộc đời của họ - ví dụ như bệnh tả, thương hàn và bệnh lao - và sự phơi nhiễm này có thể khiến cơ thể tăng cường phản ứng miễn dịch ban đầu mạnh hơn với một loại virus mới.

Khoảng 2,4 triệu người đã chết trên toàn thế giới kể từ SARS-CoV-2 được phát hiện lần đầu tiên ở Vũ Hán, Trung Quốc, vào tháng 12/2019.

Không chỉ Ấn Độ, số ca nhiễm SARS-CoV-2 ở Mỹ đã giảm 23% trong khi số ca nhập viện giảm 19% trong tuần trước. Đây là tuần thứ 5 liên tiếp Mỹ ghi nhận xu hướng giảm ở cả số ca nhiễm mới và nhập viện. 

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết số ca mắc COVID-19 hàng tuần trên toàn cầu đang giảm và đã giảm gần 50% trong năm nay.

Nhưng các chuyên gia cảnh báo rằng ngay cả khi khả năng miễn dịch cộng đồng ở một số nơi là nguyên nhân một phần dẫn đến số ca bệnh giảm, thì toàn bộ cộng đồng vẫn dễ bị ảnh hưởng và phải tiếp tục đề phòng.

Điều này đặc biệt đúng vì nghiên cứu mới cho thấy những người bị nhiễm một chủng virus có thể tái nhiễm với chủng mới.

Bất chấp những tin tốt một số nước, sự xuất hiện các biến thể mới trở thành thách thức khác đối với những nỗ lực trên toàn cầu nhằm kiểm soát đại dịch.

Tổ chức Y tế Thế giới cũng khuyến cáo cộng đồng phải luôn cảnh giác. Nếu mất cảnh giác khi các biến thể mới đang xuất hiện, có thể dễ dàng khiến xu hướng ca bệnh giảm bị đảo ngược.

Theo Tiến sỹ Rochelle Walensky, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh, khoảng 4% tổng số ca nhiễm mới ở Mỹ liên quan tới biến thể có tỷ lệ lây lan nhanh từng được phát hiện ở Anh và biến thể này được dự báo có thể trở thành chủng virus chính ở Mỹ vào cuối tháng 3. 

Và dù số ca bệnh có xu hướng giảm, đó vẫn là một con số khá lớn trên toàn thế giới. Theo Worldometer, tính đến 17/2, trên toàn cầu có hơn 110 triệu người mắc COVID-19, hơn 2,4 triệu người chết, 84 triệu người hồi phục. 

Trước bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng vẫn phải duy trì nền kinh tế, các nước áp dụng các biện pháp chống dịch một cách thận trọng.

Hàng loạt nước đã phải tái phong tỏa một phần hoặc siết chặt các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, đồng thời đẩy nhanh chương trình vaccine. Dù vậy, các nhà khoa học chưa rõ liệu các loại vaccine đã được cấp phép của các hãng như Pfizer/BioNTech, Moderna và AstraZeneca/Oxford liệu có hiệu quả với các biến thể của virus SARS-CoV-2 hay không.

PHƯƠNG ANH (Tổng hợp)

Nguồn: vtc.vn




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC