Trong khi người người đi tìm liệu pháp trường thọ thì cụ ông người Úc, tiến sĩ David Goodall đã nhất quyết tới Thụy Sĩ để xin được ‘chết êm ái’, bởi vì luật pháp nơi ông sống không cho phép điều này.

Dư luận thương cảm nhiều nhưng cũng đặt ra không ít câu hỏi tại sao. Hãy cùng xem chuyên gia tiết lộ qua một nghiên cứu nổi tiếng.

Tại sao Tiến sĩ Úc 104 tuổi một mực ‘xin từ giã cõi đời’? Nghiên cứu 80 năm của ĐH Harvard có thể trả lời - 0

Theo dự kiến thì cụ David Goodall sẽ uống thuốc độc vào ngày hôm nay (10/5) để ra đi vĩnh viễn theo ý nguyện của cụ.

Trước khi sang Thụy Sĩ, ông đã thăm họ hàng ở Bordeaux (Pháp) cuối tuần trước, lần cuối cùng trước khi ra đi mãi mãi. Được đón tiếp nồng hậu tại sân bay Basel, tiến sĩ Goodall vui vẻ trò chuyện với các phóng viên. “Tôi mừng vì đã tới đây”, 9News dẫn lời cụ ông 104 tuổi ngồi xe lăn.

Tại sao Tiến sĩ Úc 104 tuổi một mực ‘xin từ giã cõi đời’? Nghiên cứu 80 năm của ĐH Harvard có thể trả lời - 1

Cụ David Goodal. (Ảnh: bbc.com)

Câu chuyện của cụ David Goodall thu hút sự chú ý của truyền thông trên thế giới. Nhiều người bày tỏ sự thông cảm, cho rằng hẳn ông đã quá cô đơn, và không còn thấy được ý nghĩa cuộc sống, và rằng những điều ông đang phải chịu đựng là quá lớn…

Nghiên cứu “một đời người” của Đại học Harvard tiết lộ bí quyết khỏe mạnh và hạnh phúc thực sự

Rất nhiều người đã đặt ra câu hỏi điều gì quyết định một cuộc sống hạnh phúc và khỏe mạnh? Cuộc đời bạn sẽ ra sao nếu bạn lựa chọn theo đuổi tiền bạc và danh vọng? Con đường nào dẫn bước cho nhân sinh viên mãn?…

Một nghiên cứu kéo dài gần 8 thập kỷ của Đại học Harvard đã trả lời những câu hỏi trên nhờ phác họa được bức tranh toàn cảnh về đời người của thế hệ đi trước.

Thực hiện nghiên cứu này, các nhà khoa học bắt đầu theo dõi sức khỏe của 268 sinh viên năm thứ hai trường Đại học Harvard vào năm 1938, họ đã hy vọng sẽ tìm ra những gợi ý dẫn dắt thế hệ sau đến cuộc sống khỏe mạnh và hạnh phúc. Nghiên cứu sau đó được mở rộng ra các đối tượng khác.

Tại sao Tiến sĩ Úc 104 tuổi một mực ‘xin từ giã cõi đời’? Nghiên cứu 80 năm của ĐH Harvard có thể trả lời - 2

Ảnh: stock imagine

Lúc mới tham gia nghiên cứu, những thanh thiếu niên đều được phỏng vấn, được khám sức khỏe, các chuyên gia đến tận nhà để phỏng vấn bố mẹ họ. Khi trưởng thành, họ trở thành những công nhân nhà máy, luật sư, thợ xây và bác sỹ, trong đó có một người đã trở thành Tổng thống Mỹ. Một số khác bị tâm thần, nghiện rượu. Có người leo lên bậc thang của xã hội từ đáy lên đến nấc thang cao nhất, có người lại bước xuống. Những người còn sống nay đã hơn 90 tuổi.

Cứ mỗi 2 năm, những đàn ông tham gia nghiên cứu lại nhận được các bộ câu hỏi phỏng vấn. Không chỉ vậy, họ còn được phỏng vấn tại phòng khách, thăm khám sức khỏe, các nhà nghiên cứu cũng trò chuyện, phỏng vấn cả những người thân cận. Để cuối cùng rút ra được bức tranh toàn cảnh về cuộc đời của các đối tượng tham gia.

Hạnh phúc và khỏe mạnh nằm trong tầm tay

Trải qua gần 80 năm theo dõi, họ đã thu thập được lượng dữ liệu phong phú về sức khỏe thể chất và tinh thần của những người tham gia. Bài học quan trọng nhất được đúc kết từ nghiên cứu một thế hệ tuy không mới mẻ, nhưng thực sự khiến các nhà nghiên cứu bất ngờ.

Tại sao Tiến sĩ Úc 104 tuổi một mực ‘xin từ giã cõi đời’? Nghiên cứu 80 năm của ĐH Harvard có thể trả lời - 3

Robert Waldinger – giám đốc nghiên cứu, giáo sư tâm thần học trường Y Harvard và là bác sĩ tâm thân BV Đa khoa Massachusetts. (Ảnh: Medium.com)

“Phát hiện bất ngờ là những mối quan hệ của chúng ta và mức độ hạnh phúc trong các mối quan hệ đó có ảnh hưởng rất lớn đối với sức khỏe” Robert Waldinger – giám đốc nghiên cứu, giáo sư tâm thần học trường Y Harvard và là bác sĩ tâm thân BV Đa khoa Massachusetts cho hay. “Chăm sóc bản thân là quan trọng, nhưng chăm sóc những mối quan hệ của bạn cũng là tự chăm sóc bản thân”.

Các mối quan hệ tốt đẹp và nồng ấm sẽ bảo vệ chúng ta. Những người hạnh phúc là những người chăm chút cho các mối quan hệ với người thân, bạn bè và cộng đồng.

“Những người hài lòng nhất về các mối quan hệ ở tuổi 50, là những người khỏe mạnh nhất ở tuổi 80” – Giáo sư Robert Waldinger

Và hóa ra, nghiên cứu cũng phát hiện các mối quan hệ thân thiết còn hơn cả tiền bạc và danh vọng, đó mới là chìa khóa sẽ gìn giữ hạnh phúc trong suốt kiếp nhân sinh. Những mối gắn bó keo sơn sẽ bảo vệ con người khỏi bất mãn của cuộc đời, trì hoãn sự tụt dốc của sức khỏe thể chất và tinh thần, và là một chỉ số dự đoán cuộc sống hạnh phúc, trường thọ tốt hơn so với nhóm xã hội, chỉ số IQ hay thậm chí gen di truyền. Phát hiện này được chứng minh thông qua các thành viên tham gia nghiên cứu.

Một vài nghiên cứu thấy rằng mức độ hài lòng về các mối quan hệ ở tuổi 50 là chỉ số dự đoán sức khỏe tốt hơn nồng độ mỡ máu.

Tại sao Tiến sĩ Úc 104 tuổi một mực ‘xin từ giã cõi đời’? Nghiên cứu 80 năm của ĐH Harvard có thể trả lời - 4

Ảnh: VitalPlus

“Khi chúng tôi thu thập mọi thứ chúng tôi biết về họ ở độ tuổi 50, thì chỉ số mỡ máu không dự đoán được sự lão hóa của họ”, giáo sư Waldinger phát biểu tại diễn đàn TED. “Mà đó là việc họ hài lòng ra sao về các mối quan hệ của bản thân. Những người hài lòng nhất về các mối quan hệ ở tuổi 50, là những người khỏe mạnh nhất ở tuổi 80”.

Nghiên cứu cũng thấy rằng sự toại nguyện trong hôn nhân là chiếc khiên bảo vệ sức khỏe tinh thần. Ngay cả nỗi đau về thể xác cũng không thể lay chuyển tinh thần của những cụ 80 tuổi có cuộc sống hôn nhân hạnh phúc. Trái lại cuộc hôn nhân không như ý sẽ để lại nỗi đau cả ở hai khía cạnh.

Giáo sư Waldinger cho biết những ai giữ được các mối quan hệ nồng ấm sẽ sống thọ và hạnh phúc hơn. Những người sống trong cô đơn thường chết sớm. “Cô đơn tai hại. Nó có ảnh hưởng mạnh mẽ như hút thuốc hay nghiện rượu”, ông nói.

Cuộc hôn nhân hạnh phúc còn giúp bạn ít bị trầm cảm và có trí nhớ minh mẫn. “Các mối quan hệ tốt đẹp không chỉ bảo vệ thân thể, chúng còn bảo vệ não bộ”, theo Giáo sư Waldinger.

“Cô đơn tai hại. Nó có ảnh hưởng mạnh mẽ như hút thuốc hay nghiện rượu” – Robert Waldinger

Nghiên cứu kéo dài gần 80 năm đã trải qua bốn thế hệ giám đốc. Nhà tâm thần học George Vaillant đứng đầu nghiên cứu từ năm 1972 tới năm 2004. Ông nhấn mạnh vai trò của các mối quan hệ, và vai trò quyết định của chúng đối với cuộc sống hạnh phúc và trường thọ.

“Khi nghiên cứu bắt đầu, không ai quan tâm đến sự cảm thông hay gắn bó” bác sĩ Vaillant nói. “Nhưng chìa khóa để có tuổi già hạnh phúc là các mối quan hệ, các mối quan hệ, các mối quan hệ”.

Qua nghiên cứu, các nhà khoa học còn phát hiện thấy đối với trường thọ, vai trò của gen kém quan trọng hơn mức độ thỏa mãn về các mối quan hệ khi ở độ tuổi trung niên.

Viên gạch nào xây nên những cầu nối vững chắc?

Tại sao Tiến sĩ Úc 104 tuổi một mực ‘xin từ giã cõi đời’? Nghiên cứu 80 năm của ĐH Harvard có thể trả lời - 5“Những người hài lòng nhất trong mối quan hệ của họ ở tuổi 50 là người khỏe mạnh nhất ở tuổi 80,” Robert Waldinger nói với vợ Jennifer Stone. (Ảnh: Rose Lincoln / Harvard Staff )

Nhờ một nghiên cứu kéo dài gần 80 năm, bức tranh toàn cảnh về cuộc đời thế hệ trước đã trải ra trước mắt.

Vào thời điểm mới bắt đầu nghiên cứu, nhiều thanh thiếu niên chớm vào đời cũng mang trong mình ngọn lửa hừng hực theo đuổi sự giàu sang và địa vị như chúng ta ngày hôm nay. Đến hiện tại khi nhiều người đã nhắm mắt xuôi tay, số khác an hưởng những năm cuối của đời người, cuộc đời họ đã được tổng kết một cách khách quan. Thế hệ trước từng có nhiều người lầm đường lạc lối, để lại bài học quan trọng nhất hóa ra vốn là đạo lý từ ngàn đời nay đang dần bị lãng quên.

Tiền bạc và danh vọng không thể tạo nên những mối quan hệ chân thành và nồng ấm.

Tranh đấu, tham lam, giả dối và thù hận không phải là những viên gạch đẹp đẽ xây nên cầu nối vững chắc. Thiện lương, chân thành, khoan dung và vị tha mới là chiếc đèn soi sáng con đường nhân sinh viên mãn. Những lời răn dạy của bậc thánh hiền và cổ nhân chưa bao giờ là cũ kỹ và lạc hậu, bởi chân lý vốn bất biến dù cho những biến động và thời gian dài lâu đến đâu.

“Khi nghiên cứu bắt đầu, không ai quan tâm đến sự cảm thông và gắn bó. Nhưng bí quyết để có tuổi già hạnh phúc là các mối quan hệ, các mối quan hệ, các mối quan hệ ” – George Vaillant.

Hạnh phúc và sức khỏe đang nằm trong tầm tay chúng ta đó, tại những người thân và bè bạn xung quanh, nhưng người ta lại đang tìm kiếm ở nơi đâu xa xôi… Hóa ra, chăm chút cho những mối liên hệ cũng chính là chăm sóc bản thân.

Hơn một thế kỷ trước, khi nhìn lại cuộc đời của mình, nhà văn Mark Tain đã từng nói:

“Không có thời gian, cuộc sống quá ngắn ngủi cho những cãi vã vặt, cho những lời xin lỗi và những lời tổn thương trái tim. Chỉ có thời gian cho những yêu thương…”.

Quay trở lại câu chuyện của TS. David Goodall, cụ tỏ ra chán ngán cảnh bạn bè đã mất hết, mắt gần mù mặc dù thân thể còn khỏe mạnh… vì vậy mà đã muốn ra đi. Nhìn về tổng thể, và so sánh với những trường hợp bất hạnh khác thì cơ cảnh của cụ chưa hẳn đã đến mức sầu thảm cùng cực. Thực ra cụ Goodall đã dành phần lớn cuộc đời đấu tranh đòi chính phủ Australia hợp pháp hóa cái chết êm ái (theo ABC), vậy nên nhiều người không quá ngạc nhiên khi thấy ông nhất quyết đến Thụy Sĩ để được toại nguyện.

 

Nguồn: Đại Hải – Minh Thành

DKN.TV




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC