Tái thiết Syria là nhiệm vụ hết sức nặng nề, kể cả đối với phe Nga hay phe Mỹ
Syria không đủ lực tái thiết đất nước
Tờ báo Đức Der Spiegel cho biết, cuộc chiến ở Syria vẫn chưa kết thúc, nhưng, có vẻ như mục tiêu cao nhất của các chính quyền phương Tây là "Assad must go" đã không thành hiện thực, nhà lãnh đạo của đất nước là ông Bashar al-Assad vẫn sẽ tiếp tục nắm quyền.
Der Spiegel nhấn mạnh, hiện Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ và các nước Ả rập Sunni vùng Vịnh Ba Tư có chính sách thù địch với chính phủ của ông Bashar al-Assad chỉ còn duy nhất một đòn bẩy để gây áp lực lên chính quyền Damascus, đó là vấn đề tái thiết Syria.
Chiến tranh kéo dài hơn 7 năm qua đã biến Syria thành một đống đổ nát. Ví dụ như thành phố Aleppo, thành phố Palmyra hay thành phố Raqqa đã biến thành một đống đổ nát, được so sánh với sự tàn phá của Thế chiến II. Và rất có thể sau này tỉnh Idlib cũng chịu hậu quả tương tự.
Hàng ngàn cơ sở công nghiệp trong tất cả các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế như khai thác dầu, khí; năng lượng điện; khai khoáng... đã bị phá hủy bởi chiến tranh, đó là chưa kể những cơ sở khác đang nằm trong tay lực lượng vũ trang người Kurd được Mỹ hậu thuẫn.
Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, xung đột và chiến tranh đã phá hủy hàng trăm nghìn ngôi nhà, hơn 470.000 người thiệt mạng và hơn một nửa dân số Syria trở thành những người tị nạn. 69% người Syria sống trong tình trạng nghèo cùng cực, hơn 13 triệu người cần sự trợ giúp nhân đạo và 6,5 triệu người bị đói lương thực.
Theo tính toán của giới chuyên gia, chi phí cần thiết cho công cuộc tái thiết cơ sở hạ tầng của Syria dao động từ 300 tỷ USD đến 1,2 nghìn tỷ USD, bởi sau 7 năm diễn ra cuộc chiến tranh khốc liệt, đất nước này đã bị tàn phá nặng nề trên diện rộng.
Ấn phẩm Đức dẫn dự báo của các chuyên gia rằng, chỉ tính riêng việc khắc phục hậu quả chiến tranh sẽ mất từ 10 đến 15 năm; còn việc tái thiết lại các cơ sở hạ tầng, khôi phục lại nền kinh tế và đạt mức phát triển như hồi trước năm 2011, có thể nói là "nhiệm vụ thế kỷ" đối với không chỉ chính quyền Syria mà còn với cả cộng đồng quốc tế.
Một kế hoạch tái thiết Syria thời kì hậu chiến cần rất nhiều vốn và đòi hỏi sự hỗ trợ của các quốc gia thành viên khác của cộng đồng quốc tế, bởi bản thân chế độ Syria không đủ sức đối phó với nhiệm vụ khôi phục lại đất nước, bởi họ hầu như không còn bất cứ nguồn lực nào.
Điều này có thể được nhìn thấy trong ví dụ về Homs. Quân đội chính phủ đã giải phóng thành phố lớn thứ ba của Syria vào tháng 5 năm 2014. Nhưng suốt thời gian từ đó tới nay, quá trình phục hồi ở đó thực tế đã không có mấy cải thiện, chính quyền Damascus chỉ giới hạn tái thiết tượng trưng một số công trình có ý nghĩa chính trị đối với đất nước.
Theo các chuyên gia, những tổn thất lớn lao của Syria đòi hỏi lượng lớn tiền mặt trong khi các đồng minh của Syria khó đóng góp đủ và bắt buộc phải cần tài trợ từ các nước phương Tây và các quốc gia Ả rập Trung Đông.
Khi kế hoạch tái thiết Syria chưa thể triển khai thì không chỉ xảy ra khủng hoảng nhân đạo, thiếu các dịch vụ y tế, giáo dục, điện nước, chết chóc; mà mảnh đất này sẽ là nơi bạo lực tiếp tục tồn tại, lan rộng, Syria tiếp tục chìm trong hỗn loạn và và khủng bố, xung đột sẽ tái bùng phát.
Sự đau khổ của người Syria sẽ còn tiếp tục và những người tị nạn vẫn sẽ gõ cửa châu Âu.
Mỹ tiếp tục gây áp lực kinh tế với Syria để đánh đổ Assad
Đối với Nga và Iran, cuộc chiến tranh Syria rất tốn kém, vì vậy họ không muốn đầu tư thêm hàng tỷ dollars ngân sách nhà nước vào tái thiết đất nước mà đành dựa vào chiến lược phát triển kinh doanh của tư nhân.
Tuy nhiên, các công ty của 2 nước này hiện đang bị Mỹ bao vây, trừng phạt nên chỉ lo thân mình còn chưa đủ, rất khó để đầu tư lớn ra nước ngoài.
Thực tế thì từ nhiều năm qua, Nga - nước vừa là đồng minh, vừa là nhà bảo trợ cho chính quyền Syria đã ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác kinh tế, cả trong tái thiết.
Khoảng 158 công ty của Nga đã đạt được hợp đồng trong các lĩnh vực xây dựng, sân bay, bến cảng, dầu và nông nghiệp, địa chất, khai thác dầu. Đã có các giao dịch lên tới 850 triệu euro. Tuy nhiên, những khoản đầu tư này chưa thấm tháp vào đâu với con số nhiều trăm tỷ hoặc cả ngàn tỷ cần có để Syria có thể phục hồi và phát triển.
Về vấn đề này, ông Assad đặt nhiều hy vọng vào núi tiền của Trung Quốc. Vừa qua, các doanh nhân Trung Quốc đã tới Syria, khám phá các cơ hội đầu tư. Sau đó, Bắc Kinh đã công bố kế hoạch xây dựng một khu công nghiệp trị giá 2 tỷ USD cho 150 công ty của nước này.
Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng nhiều lần lưu ý rằng họ rất quan tâm đến việc giải quyết tình hình ở Syria, bởi vì đây là điều kiện tiên quyết chính để đầu tư.
Nếu tình hình Syria sớm ổn định thì mới hy vọng nhận được đầu tư lớn từ Bắc Kinh, còn nếu không, các công ty Trung Quốc và doanh nghiệp nước ngoài sẽ rất khó để mạnh dạn đặt cược đồng tiền của mình vào đất nước đang có chiến tranh, rất dễ xảy ra nguy cơ mất trắng nguồn vốn.
Trong khi đó, vì tình hình căng thẳng do người Kurd gây ra trong khu vực Đông-Đông Bắc đất nước, nên chính quyền của ông Assad vẫn cố gắng đuổi họ ra khỏi vùng đất họ đang chiếm giữ, nên chính phủ Mỹ đã quyết định giữ các gói hỗ trợ tài chính trị giá 230 triệu USD.
Sẽ cần rất nhiều thời gian và số tiền rất lớn để tái thiết một đất nước Syria bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh
Số tiền được Washington dành cho các dự án để giải quyết tình hình tại các khu vực mà trước đây người Kurd chiếm được từ tay khủng bố IS (không thuộc vùng chính phủ kiểm soát). Bằng số tiền này, họ dự định sẽ khôi phục lại hệ thống điện và nước. Nhưng nếu không đạt được thỏa thuận chính trị, Washington sẽ từ chối đầu tư tiền vào Syria.
Ngoài ra, một số quốc gia châu Âu và các quốc gia vùng Vịnh như Saudi Arabia, UAE và Kuwait cũng đã gợi ý có thể đồng ý đầu tư vào việc tái thiết Syria.
Tuy nhiên, các gói viện trợ, cho vay của phương Tây bao giờ cũng đi kèm theo các điều kiện chính trị. Do đó, chúng rất khó được chính quyền của ông Bashar al-Assad chấp thuận.
Với những gì đạt được hiện nay thì dư luận cho rằng, khả năng leo thang xung đột ác liệt hay tái chiến ở Syria là khó xảy ra, nhưng tiến trình hòa bình ở Syria còn rất khó khăn, do Mỹ, châu Âu và một số nước Arab vùng Vịnh đang tăng áp lực với Syria trên mặt trận kinh tế.
Một quan chức Mỹ đã từng nói rằng Washington sẽ ngăn cản thương mại quốc tế, cấm các nước đồng minh hợp tác kinh tế và bình thường hóa quan hệ với Damascus, cho đến khi ông al-Assad "mất hết quyền lực".
Kế hoạch của họ là ngăn chặn viện trợ và đầu tư khiến cho kế hoạch tái thiết của ông Assad và các đồng minh sẽ thất bại và kể cả khả năng ngăn cản thường dân xây dựng lại cuộc sống của họ, để từ đó kích động làn sóng bạo lực trong dân chúng, tiếp tục làm dấy lên cuộc nội chiến.
Nguồn: Thiên Nam/ Baodatviet.vn