Thống đốc bang Andrew Cuomo chia sẻ vào sáng ngày 22/3 (giờ địa phương), ước tính 40% - 80% cư dân của tiểu bang có thể sẽ nhiễm virus.
Ở thời điểm đầu tuần trước (16/3), số ca nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) tại Mỹ rơi vào khoảng 4000. Đến Chủ nhật (22/3), con số đã là hơn 32.000, cùng ít nhất 400 người tử vong vì dịch bệnh. Hiện tại, Mỹ chính thức vượt qua Tây Ban Nha và rơi vào top 3 nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ đại dịch Covid-19, chỉ sau Trung Quốc - nơi khởi phát dịch bệnh, và Ý - tâm dịch của châu Âu.
Được biết, con số tăng lên như vậy là do tuần qua Mỹ đã tăng cường xét nghiệm trên toàn thể dân số. Nói cách khác, con số sẽ con tăng lên nữa nếu như Mỹ tiếp tục giữ hoặc mở rộng phạm vi xét nghiệm trên toàn quốc.
Gần 1/2 các trường hợp nhiễm nằm ở tiểu bang New York, và con số dự tính sẽ còn tăng rất nhanh. Thống đốc bang Andrew Cuomo chia sẻ vào sáng ngày 22/3 (giờ địa phương), ước tính 40% - 80% cư dân của tiểu bang có thể sẽ nhiễm virus.
"Tất cả những gì chúng ta đang cố gắng là tìm cách làm chậm quá trình lây lan, nhưng điều đó sẽ xảy ra. Virus là vậy, nó có tính lây lan," - Cuomo cho biết. Dẫu vậy, ông trấn an rằng hầu hết mọi người có thể vượt qua căn bệnh này, ngoại trừ người già và những người có bệnh lý nền, hoặc hệ miễn dịch kém.
Bác sĩ James Phillips - giáo sư khoa cấp cứu từ ĐH The George Washington đồng tình với đánh giá của Cuomo về khả năng lây lan của virus. "Chúng tôi thực sự đã lo ngại về điều đó (khả năng lây lan của virus) trên phạm vi toàn quốc suốt nhiều tháng qua," - Phillips chia sẻ.
"Chúng tôi đã thảo luận, lập ra mô hình, và biết rằng căn bệnh sẽ lan ra. Tuy nhiên, phần lớn sẽ phụ thuộc vào trách nhiệm của từng cá nhân và khả năng cách ly xã hội."
Hàng triệu người chỉ nên ở nhà
Chính quyền tại ít nhất 8 tiểu bang đã ban hành lệnh yêu cầu hàng triệu người dân chỉ nên ở nhà, nhằm hạn chế khả năng lây lan của virus corona. Thống đốc bang Ohio - ông Mike DeWine ngày 22/3 đã ra chỉ thị như vậy, yêu cầu người dân không ra ngoài, trừ trường hợp cần thiết. Chỉ những ngành nghề thực sự thiết yếu mới được phép mở cửa, còn các nhà hàng chỉ được phục vụ cho khách mang về, không dùng tại chỗ.
Thống đốc bang Louisiana - John Bel Edwards cũng ra sắc lệnh tương tự vào chiều ngày 22/3. Lệnh sẽ có hiệu lực đến ngày 12/4, và có thể kéo dài hơn tùy tình hình.
California, Delaware, New York, Illinois... nhiều tiểu bang khác đều có yêu cầu giống như vậy. Người dân sẽ phải ở nhà, trừ khi ra ngoài để mua nhu yếu phẩm, thuốc men hoặc đến các cơ sở y tế.
"Mọi tiểu bang sẽ phải làm như vậy," - Juliette Kayyem, chuyên gia phân tích an ninh quốc gia cho biết. "Mọi người cần chuẩn bị sẵn sàng, vì mọi thứ sẽ rất khó khăn lúc ban đầu."
Ít nhất 254.000 người Mỹ đã được làm xét nghiệm
Như đã đề cập, số liệu tăng lên là do lượng người được xét nghiệm nhiều hơn. Trong số những ca nhiễm mới, có Sen. Rand Paul - một công dân ở Kentucky.
"Người này có tình trạng sức khỏe ổn và đang được cách ly. Anh ta không có triệu chứng, được xét nghiệm do có lịch sử di chuyển và hoạt động khá mạnh. Anh ta không nhớ được, cũng không hay biết bất kỳ khả năng tiếp xúc trực tiếp nào với người bệnh."
Phó tổng thống Mike Pence xác nhận, có khoảng 254.000 người Mỹ đã được làm xét nghiệm.
Con số này chưa tính đến các bệnh viện tại địa phương hoặc phòng thí nghiệm tư nhân. Tuy nhiên do tình hình đại dịch lan nhanh, một số quan chức đã phải đưa ra quyết định hết sức khó khăn: từ bỏ xét nghiệm diện rộng, mà chỉ tập trung vào bệnh nhân đang có triệu chứng nặng và rủi ro cao, nhằm tiết kiệm dụng cụ cho nhân viên y tế.
Tại New York và California, nhà chức trách khuyến cáo y bác sĩ hạn chế xét nghiệm, ngoại trừ những trường hợp kết quả xét nghiệm có thể thay đổi phương án tiếp cận điều trị. Các trường hợp ho, sốt hoặc triệu chứng nhé sẽ được mặc định là nhiễm virus, không cần xét nghiệm nữa. Ưu tiên xét nghiệm hiện tại sẽ là các trường hợp có tiền sử yếu về hệ miễn dịch, người già, rủi ro cao, và nhân viên y tế - những người đang trực tiếp chăm sóc cho bệnh nhân nhiễm virus.
Theo Trí Thức Trẻ