Cuộc tập trận chung giữa tàu chiến Mỹ và Nhật Bản diễn ra trong thời điểm Mỹ đang có 2 tàu sân bay tại Biển Đông.  

42 1 Tau San Bay My Tap Tran Chung Cung Tau Nhat Tai Bien Dong

Tàu chiến Nhật nhìn từ máy bay F/A-18 của Mỹ trong cuộc tập trận ngày 7.7

42 2 Tau San Bay My Tap Tran Chung Cung Tau Nhat Tai Bien Dong

 

42 3 Tau San Bay My Tap Tran Chung Cung Tau Nhat Tai Bien Dong

Thủy thủ trên tàu Nhật vẫy chào tàu sân bay USS Ronald Reagan tại Biển Đông

Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản (JMSDF) ngày 8.7 thông báo trên Twitter rằng hai tàu của lực lượng này đã tập trận chung cùng hai tàu của Mỹ tại Biển Đông vào ngày 7.7.

Hai tàu của Nhật Bản tham gia là tàu huấn luyện JS Kashima và JS Shimayuki. Trong khi đó, Mỹ cử tàu sân bay USS Ronald Reagan và tàu khu trục USS Mustin tham gia cuộc tập trận. 

Trước đó, hai con tàu của JMSDF đã có cuộc tập trận cùng tàu tác chiến cận bờ USS Gabrielle Giffords của Mỹ tại Biển Đông hôm 23.6. Hai tàu của Nhật sau đó đến Ấn Độ Dương để tập trận chung với hải quân Ấn Độ vào hôm 27.6. 

42 4 Tau San Bay My Tap Tran Chung Cung Tau Nhat Tai Bien Dong

Hình ảnh chụp cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Nhật Bản tại Biển Đông ngày 7.7

Trong khi đó, tàu sân bay USS Ronald Reagan và tàu khu trục USS Mustin mới đây có cuộc tập trận chung với tàu sân bay USS Nimitz và một số tàu chiến khác của Mỹ trên Biển Đông từ ngày 4.7. 

Cũng trong sáng 8.7, Bộ Quốc phòng Nhật Bản công bố tuyên bố chung sau cuộc họp Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, Mỹ và Úc vào sáng cùng ngày. Tuyên bố nêu rằng các bộ trưởng “tái khẳng định cam kết chung về việc tăng cường an ninh, ổn định và thịnh vượng tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”.

42 5 Tau San Bay My Tap Tran Chung Cung Tau Nhat Tai Bien Dong

Tàu sân bay USS Ronald Reagan trong cuộc tập trận ngày 7.7

Liên quan vấn đề Biển Đông, các bộ trưởng củng cố sự phản đối mạnh mẽ đối với việc sử dụng vũ lực hoặc sự cưỡng ép nhằm thay đổi nguyên trạng, tái khẳng định tầm quan trọng của việc đảm bảo quyền tự do di chuyển.

Các bộ trưởng còn bày tỏ lo ngại sâu sắc về nhưng sự cố gần đây, gồm việc tiếp tục quân sự hóa tại các thực thể tranh chấp, sử dụng lực lượng hải cảnh và dân quân biển một cách nguy hiểm, cùng với hành động nhằm cản trở hoạt động khai thác tài nguyên của các nước khác.

 

Trong tuyên bố trên Twitter, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper khẳng định đoàn kết với các đồng minh Nhật Bản và Úc để chống lại hành động cưỡng ép trên Biển Đông và biển Hoa Đông.

Tuyên bố chung của 3 nước về Biển Đông tuy không nêu đích danh Trung Quốc nhưng được cho là nhắm đến Bắc Kinh. Trước đó, Bắc Kinh công bố tập trận quy mô lớn từ ngày 1 - 5.7 ở khu vực gần quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng đang bị Trung Quốc kiểm soát trái phép.

Hoạt động của Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và gây phức tạp tình hình. Không chỉ Việt Nam mà một số nước trong và ngoài khu vực đã lên tiếng chỉ trích Trung Quốc. Bên cạnh cuộc tập trận phi pháp này, Trung Quốc còn tiến hành tập trận tại 2 vùng biển khác ở châu Á là biển Hoa Đông và Hoàng Hải.

Vi Trân

Nguồn: thanhnien.vn




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC