Facebook và chính phủ Úc hiện đang trong quá trình “nói chuyện lại” nhưng vẫn chưa có bước đi mới liên quan đến việc gã khổng lồ mạng xã hội ngày 17-2 quyết định cấm các nhà sản xuất tin tức và người dùng ở Úc chia sẻ và xem tin trên nền tảng của mình.
Hành động của Facebook bắt nguồn từ việc Úc đề xuất dự luật Quy tắc thương lượng truyền thông tin tức, yêu cầu các công ty truyền thông xã hội và công nghệ như Facebook hay Google phải trả phí cho các nhà sản xuất tin tức nếu muốn hiển thị hay liên kết đến các nội dung. việc này lâu nay các công ty này vẫn vô tư thực hiện miễn phí.
Giải mã bước đi của Facebook
Lý lẽ Facebook đưa ra để giải thích cho quyết định của mình là dự luật của Úc đã hiểu không đúng quan hệ giữa nền tảng Facebook và các nhà sản xuất nội dung tin tức. Facebook cho rằng các nhà sản xuất tin tức hưởng lợi nhiều từ số lượng truy cập mà nền tảng này mang lại, chứ Facebook không được lợi nhiều. Facebook còn đưa ra con số 5,1 tỉ lượt truy cập (tương đương giá trị 315 triệu USD) mình mang lại miễn phí cho các nhà sản xuất tin tức ở Úc trong năm 2020.
Trong khi Facebook nghỉ chơi với các nhà sản xuất tin tức Úc thì Google chọn cách đi ngược lại, dù trước đó công ty này cũng dọa sẽ đóng công cụ tìm kiếm ở Úc. Theo báo Guardian, ngày 17-2, Google đã đồng ý chia sẻ doanh thu với ba tập đoàn truyền thông Úc, trong đó có News Corp. Ngoài nhiều cơ quan truyền thông lớn ở Úc, News Corp còn sở hữu nhiều tờ báo lớn ở Anh và các tờ The Wall Street Journal, New York Post ở Mỹ.
Về động thái của Google, Facebook cũng có cách giải thích rằng so với Google thì các nhà sản xuất tin tức thích chọn đăng thông tin trên Facebook hơn vì thu được lợi từ lượng truy cập và quảng cáo nhiều hơn.
|
Báo Brisbanetimes (Úc) dẫn lời GS Axel Bruns, một chuyên gia truyền thông kỹ thuật số, cho rằng bước đi của Facebook là một chiến thuật thương lượng với chính phủ Úc.
Thực sự nếu tin tức của Úc không được lưu hành trên nền tảng mạng xã hội được người dân sử dụng nhiều nhất nước sẽ là chuyện lớn và bước đi này cũng cho thấy sức mạnh của Facebook.
Tuy nhiên, mặt khác diễn biến này sẽ tác động đến cách người dân Úc tiếp cận tin tức cũng như loại tin tức người dân sẽ chọn xem. Dù cho rằng còn quá sớm để nói về ảnh hưởng lâu dài tới Facebook sau bước đi này nhưng tiến sĩ về công nghệ David Tuffley tại ĐH Griffith (Úc) cũng không loại trừ khả năng người dùng Úc sẽ nhân dịp này đổi nền tảng đọc tin tức, thay vì đọc trên Facebook như trước nay.
Sau Úc, Facebook có thể sẽ còn gặp khó ở Mỹ và châu Âu. Ảnh: AP
Sau Úc sẽ đến Mỹ, EU?
Dự luật Úc được soạn thảo dựa theo chủ trương của Bộ Tài chính nước này. Năm 2018, Bộ Tài chính Úc yêu cầu cơ quan bảo hộ cạnh tranh điều tra vai trò, tác động của các công ty công nghệ với môi trường truyền thông tin tức vốn ngày càng khó khăn. Nhiều ý kiến cho rằng dự luật được soạn thảo từ sự vận động của ông trùm truyền thông Úc Rupert Murdoch - người sở hữu Tập đoàn News Corp.
Chưa biết kết quả cuộc “nói chuyện lại” giữa Facebook và chính phủ Úc thế nào nhưng có vẻ chính phủ Úc sẽ không nhượng bộ. Ngày 18-2, Thủ tướng Úc Scott Morrison đánh giá hành động của Facebook là chiến thuật gây áp lực để Quốc hội Úc ngưng tiến trình thông qua luật. Ông cũng tuyên bố sự “kiêu ngạo” và “bắt nạt” của Facebook sẽ không đe dọa được Úc. Ông Morrison khuyên Facebook tốt hơn nên làm theo Google.
Bộ trưởng Bộ Ngân khố Úc Josh Frydenberg khẳng định Úc sẽ không vì bước đi của Facebook mà ngưng tiến trình thông qua luật. Theo ông, hành động sai lầm, “nặng tay” của Facebook chỉ làm tổn hại danh tiếng của nền tảng này ở Úc. Bộ trưởng Truyền thông Úc Paul Fletcher nói rõ quan điểm của Úc là dù muốn Facebook lẫn Google tiếp tục duy trì vai trò quan trọng trong nền kinh tế số ở nước này nhưng một khi chấp nhận làm ăn tại đây thì các công ty này phải tuân thủ luật pháp Úc.
GS Bruns nói ông không nghĩ lệnh cấm của Facebook với báo chí Úc sẽ kéo dài. TS Tuffley và GS Tama Leaver tại ĐH Curtin (Úc) đều nói sẽ không ngạc nhiên nếu Facebook cuối cùng cũng làm theo Google.
Nếu dự luật truyền thông của Úc được thông qua thì đây chắc chắn là một động lực lớn để các nước khác có bước đi tương tự. Thủ tướng Úc Morrison cho biết ông thường xuyên trao đổi vấn đề này với nhiều lãnh đạo nước khác.
Từ dự luật của Úc có thể thấy các nước đang ngày càng quyết liệt hơn trong việc kiểm soát mạng xã hội và các nền tảng công nghệ. Dự kiến cuộc chiến giữa các nước với các gã khổng lồ công nghệ sẽ còn nóng hơn khi không chỉ Úc mà nhiều nơi khác như Mỹ, EU cũng đang cân nhắc ra luật yêu cầu các công ty công nghệ trả phí khi muốn hiển thị hay chia sẻ tin tức.
Facebook tự gây khó cho mình?
Theo đài ABC (Úc) ngày 19-2, giá cổ phiếu Facebook trong phiên giao dịch ngày 18-2 giảm sâu, giảm mạnh hơn nhiều so với giá cổ phiếu các công ty công nghệ khác.
Cụ thể, giá cổ phiếu Facebook đã giảm 1,5 điểm phần trăm, trong bối cảnh các nhà đầu tư đánh giá ảnh hưởng từ bước đi của Facebook phong tỏa nội dung tin tức ở Úc.
Theo ông Chris Pedersen, Giám đốc điều hành quỹ quản lý đầu tư Pedersen Asset Management (Úc), thị trường đang phản ứng với thông tin có thể cho thấy Facebook giờ đã quá lớn và cần phải có thêm quy định chống độc quyền để quản lý sự cạnh tranh. Ông cho rằng Facebook đang muốn trở thành một nơi chứa đựng tất cả nguồn thông tin và đó là một kế hoạch kinh doanh độc quyền.
Chuyên gia Evan Lucas, Trưởng bộ phận chiến lược thị trường công ty đầu tư InvestSMART (Úc), cho rằng có thể Facebook sẽ còn chịu tác động về dài hạn khi mọi người cho rằng Facebook lạm dụng quyền lực thị trường của mình để ngăn chặn truyền thông tự do.
Theo ông, thế giới đang theo dõi chặt điều Facebook làm ở Úc và điều này có thể khiến Mỹ siết chặt hơn các luật chống độc quyền để thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh vì lợi ích của người tiêu dùng và “điều này sẽ không tốt cho việc kinh doanh của Facebook”.
Tuy nhiên, Liên minh châu Âu (EU) mới là mối lo ngại lớn hơn với Facebook khi khối này đang cân nhắc ra luật tương tự như Úc, theo ông.
Đăng Khoa
Nguồn: plo.vn