Theo số liệu cập nhật của trang thống kê Worldometers, tính đến 6h sáng ngày 1/8, dịch bệnh tiếp tục hoành hành ở 213 quốc gia và vùng lãnh thổ, truyền mầm bệnh cho trên 17,7 triệu người và cướp đi sinh mạng của gần 682.000 bệnh nhân. Số ca hồi phục đạt hơn 11 triệu.
Mỹ vẫn là tâm điểm Covid-19 số 1 toàn cầu, ghi nhận thêm gần 68.000 ca nhiễm mới và hơn 1.400 trường hợp tử vong trong 24 giờ qua. Như vậy, đến nay, nước này đã có hơn 4,7 triệu người dương tính và hơn 156.700 ca tử vong vì virus corona.
Brazil cũng bị đại dịch tấn công dữ dội không kém, với gần 50.000 ca nhiễm mới và hơn 1.000 người phải bỏ mạng, nâng con số tổng thể lên lần lượt là gần 2,7 triệu người nhiễm và gần 92.500 ca tử vong.
Mexico và Ấn Độ cũng ghi nhận hàng nghìn người nhiễm và hàng trăm người phải bỏ mạng vì Covid-19 trong ngày 31/7.
Nhìn chung trên thế giới, đại dịch vẫn lây lan nhanh và phức tạp, đặc biệt là châu Mỹ. Trong số 10 quốc gia có số người tử vong vì Covid-19 cao nhất trong ngày thì châu lục này chiếm 6 nước.
WHO kêu gọi sống chung với Covid-19
Trong ngày cuối cùng của tháng 7, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo mọi người hãy học cách sống chung với Covid-19 và chiến đấu chống lại dịch bệnh bằng mọi công cụ đang có trong tay.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh, kể từ khi đại dịch bùng phát, đã có nhiều câu hỏi khoa học liên quan đã được giải quyết nhưng nhiều vấn đề vẫn còn là bí ẩn.
Quan chức này cho biết, các kết quả nghiên cứu ban đầu về huyết thanh đang vẽ nên một bức tranh tổng thể, chứng tỏ mọi người trên toàn thế giới vẫn dễ bị nhiễm virus, ngay cả ở các nơi đã nếm trải nhiều đợt dịch nghiêm trọng. Nhiều nước tưởng đã vượt qua giai đoạn tồi tệ nhưng giờ lại chật vật đối phó với đợt dịch mới, trong khi những nơi từng ít bị ảnh hưởng giờ lại phát hiện số ca nhiễm và tử vong gia tăng.
Ông Tedros nói thêm rằng, tác động của dịch bệnh sẽ kéo dài trong nhiều thập niên.
Hàn Quốc khuyến cáo hậu quả tự làm sạch tiền mặt diệt virus
Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK), hôm 31/7, thông báo, số tiền mặt bị hư hại mà người dân mang tới ngân hàng để đổi mới trong 6 tháng qua cao gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái, từ 480 triệu won (400 triệu USD) lên tới 1,32 tỷ won (1,1 tỷ USD). Phần lớn số này là do người dân tự ý khử trùng bằng lò vi sóng với hy vọng tiêu diệt được virus gây Covid-19.
Ảnh: ABC News
BOK cho biết, ngân hàng đã phải tiêu hủy tổng số tiền giấy và tiền xu bị hư hại trị giá 2.690 tỷ won, và đã đổi tổng cộng 6,5 tỷ won trong nửa đầu năm 2020.
Theo BOK, thiệt hại này xuất phát từ việc nhiều người ở Hàn Quốc tự ý khử trùng tiền mặt bằng cách cho tiền vào máy giặt hoặc lò nướng và lò vi sóng.
Nguồn: Thanh Hảo/ Vietnamnet.vn