Thị trấn công nghiệp dệt may Prato thuộc tỉnh Prato ở vùng Toscany (miền tây nước Ý).
Người Trung Quốc đến đây cư trú từ đầu thập niên 1990. Phần lớn là người gốc Ôn Châu (tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc).
Dân nhập cư người Hoa mua lại các nhà máy cũ để sản xuất quần áo may sẵn.
Tự cách ly trước khi chính quyền bắt buộc
Trong bài viết "Coronavirus: Chuyện khó tin ở Prato (Ý) - nơi mệnh danh 'Tiểu Trung Quốc'", báo Le Parisien của Pháp dẫn lời ông Alessandro Frasini - chủ một công ty thương mại chuyên về hàng dệt may tại Prato, nhận xét: "Người Trung Quốc ở Prato rất kỷ luật và tôn trọng quy định".
Người Hoa tại thị trấn Prato đã mang khẩu trang từ sớm, từ đó dân Ý ở địa phương cũng bắt chước - Ảnh: lanazione.it
Từ ngày 10-2, tức sau tết âm lịch khoảng nửa tháng, người Trung Quốc ở Prato đã nắm được tin tức từ quê nhà nên đã tự áp dụng các biện pháp ngăn chặn dịch COVID-19 trước khi chính phủ Ý ban hành các biện pháp bắt buộc.
Vào thời điểm này tại Trung Quốc đã có 908 người tử vong và 40.171 người mắc bệnh.
Các công nhân người Hoa tại Prato đã tự cách ly ở nhà hoặc trong nhà máy, nơi nhiều người thật ra vốn đã quen ăn ngủ lại đó.
Các nhà hàng và cửa hàng ở khu "Phố Tàu" trong trung tâm thị trấn đóng cửa. Chỉ có các siêu thị của người châu Á mở cửa nhưng chỉ bán vào buổi sáng.
Các cửa hàng đóng cửa dán trước cửa sắt mảnh giấy viết bằng tiếng Hoa thông báo người trở về từ Trung Quốc nên sống có trách nhiệm và phải cách ly hai tuần.
Quy định này đã được hàng ngàn Hoa kiều về nước ăn Tết tôn trọng hoàn toàn khi họ quay trở lại Prato.
Rất lâu trước khi các trường học ở Rome đóng cửa, các gia đình người Hoa ở Prato đã quyết định giữ con ở nhà để hạn chế virus lây lan.
Các cửa hàng ở khu "Phố Tàu" trung tâm thị trấn gần như đóng cửa toàn bộ trước khi chính quyền sở tại đưa ra quyết định - Ảnh: AGF
Chỉ có 25 ca nhiễm COVID-19
Khi ra ngoài mua sắm, người Hoa ở thị trấn Prato thường xuyên mang khẩu trang. Chuyện này đã gây tò mò cho người dân Ý địa phương.
Ông chủ Alessandro Frasini giải thích: "Ban đầu nhiều người Ý lo ngại khi nhìn thấy điều ấy nhưng cuối cùng gần 30% - 40% trong số họ đã bắt chước và bây giờ họ đã mang khẩu trang".
Các ông chủ người Ý cũng đã nhanh chóng thực hiện các biện pháp đối phó với dịch.
Ông Frasini cho biết: "Thay vì cho 12 nhân viên công ty đến làm việc tại văn phòng, chúng tôi giới hạn chỉ 3-4 người và mỗi văn phòng chỉ 1 người".
Hoa kiều đã sinh sống tại thị trấn Prato từ 30 năm và đã trở thành một trong những mắt xích cần thiết của nền kinh tế địa phương.
Do đó, khác với tình hình ở miền bắc như ở vùng Lombardy, các dấu diệu bài ngoại của dân Ý đối với Hoa kiều không xảy ra tại Prato.
Mặc dù không xa vùng Veneto - một trong những ổ dịch COVID-19 quan trọng, đến nay thị trấn Prato vẫn chưa bị dịch ảnh hưởng. Theo thống kê chỉ mới 25 trường hợp nhiễm bệnh và 1 ca tử vong.
Cộng đồng người Hoa chiếm 1/4 trong khoảng 250.000 cư dân thị trấn Prato - Ảnh: AFP
Thị trấn Prato được mệnh danh là "Tiểu Trung Quốc" do có cộng đồng người Trung Quốc đông thứ ba ở châu Âu sau Paris và London.
Cộng đồng Hoa kiều hiện chiếm 1/4 trong khoảng 250.000 cư dân Prato. Nhiều người trong số này là dân nhập cư lậu.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ