Theo Liên Hợp Quốc, ít nhất 13.000 người, trong đó có nhiều gia đình với con nhỏ, những ngày qua đã đổ dồn về khu vực biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp.
Hàng nghìn người, trong đó có cả phụ nữ và trẻ em, đã dựng lều trại gần cửa khẩu Pazarkule với hi vọng phía Hy Lạp sẽ cho phép họ vượt qua biên giới: “Tôi có mặt tại đây bởi tôi muốn vào châu Âu, muốn tị nại tại đây. Họ nói rằng biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp đã mở, song khi phía Hy Lạp đã không cho chúng tôi vào”.
"Tôi sẽ tới châu Âu bởi tôi muốn tiếp tục việc học của mình. Cuộc sống ở đó tốt hơn và tôi sẽ có nhiều cơ hội hơn”.
Người tị nạn Syria chạy trốn khỏi chiến tranh. Ảnh: Reuters
Theo Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), tối qua đã có ít nhất 13.000 người tập trung tại các cửa khẩu biên giới chính thức và không chính thức giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp. Các nhóm người di cư có từ vài chục người đến hơn 3.000 người. Đụng độ đã xảy ra giữa những người di cư và lực lượng an ninh Hy Lạp. Người di cư đã ném đá khi lực lượng an ninh bắn đạn hơi cay. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cùng ngày xác nhận, từ hôm 28/2 vừa qua, đã có gần 50.000 người nhập cư đã vào châu Âu từ tỉnh Tây Bắc Edime.
Vượt lên trên những phát biểu bày tỏ tình đoàn kết, Thổ Nhĩ Kỳ muốn phương Tây có những hỗ trợ cụ thể. Tại cuộc điện đàm mới đây với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Tổng thống Tayyip Erdogan kêu gọi Tổ chức quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), mà cả hai nước đều là thành viên, thể hiện sự đoàn kết với các hành động “cụ thể”.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cáo buộc Liên minh châu Âu không cung cấp mọi hỗ trợ tài chính như đã cam kết để nước này tiếp nhận người nhập cư: “Liên minh châu Âu cần phải giữ lời hứa. Chúng tôi không thể chăm sóc cho quá nhiều người tị nạn, không thể nuôi không họ. Nếu bạn trung thực, chân thành, bạn phải chia sẻ gánh nặng này. Nếu không, chúng tôi sẽ mở cửa cho người tị nạn”.
Trước nguy cơ kịch bản cuộc khủng hoảng người di cư năm 2015 tái diễn, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen hôm qua bày tỏ sự lo ngại. Theo bà, Liên minh châu Âu sẵn sàng cung cấp hỗ trợ cần thiết cho Hy Lạp và Bulgaria, trong bối cảnh, những quốc gia láng giềng với Thổ Nhĩ Kỳ này cũng đang tự triển khai các biện pháp phòng bị.
Theo người phát ngôn chính phủ Hy Lạp Stelios Petsas, nước này đã ngăn cản thành công 4.000 người tìm cách xâm nhập lãnh thổ bất hợp pháp và bắt giữ 136 người nhập cư trái phép tại Evros: “Chúng tôi đang tăng lực lượng cả trên đất liền và trên biển. Nhiều cảnh sát và quân đội đang trên đường đến khu vực Evros, biên giới tự nhiên với Thổ Nhĩ Kỳ. Trên các đảo, chúng tôi cũng đang gia tăng lực lượng bảo vệ bờ biển. Hiện có 54 tàu hải quân và tàu bảo vệ bờ biển Hy Lạp đang tuần tra. Chính phủ sẽ làm mọi cách để bảo vệ biên giới đất nước”.
Hồi giữa tuần, Thổ Nhĩ Kỳ đã phải hứng chịu những thiệt hại nặng nề tại Syria, với 33 binh sĩ thiệt mạng trong các cuộc không kích của chính quyền Tổng thống Bachar Al Assad tại tỉnh Tây Bắc Idlib. Đây là vùng lãnh thổ cuối cùng còn nằm dưới sự kiểm soát của các nhóm phiến quân và chính quyền Syria đang đẩy mạnh các chiến dịch nhằm giành lại khu vực này. Thổ Nhĩ Kỳ đã ngay lập tức đáp trả bằng pháo binh và các vụ không kích bằng máy bay không người lái, làm ít nhất 74 binh sĩ Syria thiệt mạng.
Thổ Nhĩ Kỳ từng ra tối hậu thư buộc Syria phải rút khỏi một số khu vực ở Idlib trước cuối tháng 2, đồng thời đe dọa phát động một chiến dịch quân sự quy mô nếu thời hạn này không được đáp ứng. Về mặt lý thuyết, thời hạn này đã hết vào nửa đêm hôm qua (29/2)./.
Nguồn: VOV.VN