Lạm phát tăng cao, đồng nội tệ liên tục giảm giá... là một trong những nguyên nhân khiến Thổ Nhĩ Kỳ rơi vào tình trạng khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất trong nhiều năm qua.

Và những tác động, ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính đang diễn ra ở Thổ Nhĩ Kỳ giờ đây không chỉ dừng ở giới hạn của đất nước Hồi giáo này mà còn lan sang cả nhiều nước ở khu vực và trên thế giới.

Giọt nước tràn ly

Ngày 11-8, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho biết có kế hoạch bắt đầu sử dụng đồng tiền nội tệ lira của nước này thay vì đồng USD trong giao dịch thương mại với các đối tác thương mại chủ chốt của nước này, trong đó có Nga, Trung Quốc, Iran và Ukraine. Ông Erdogan đồng thời khẳng định sẽ sử dụng đồng Euro trong giao dịch với các nước châu Âu nếu những nước này sẵn sàng.

Cũng trong bài phát biểu trấn an người dân nước này, ông Tayyip Erdogan kêu gọi người dân Thổ Nhĩ Kỳ bán vàng và USD để hỗ trợ tỷ giá đồng nội tệ đang lao dốc “không phanh”.

Đáng chú ý, trong bài phát biểu của mình, Tổng thống Tayyip Erdogan cho biết những người ủng hộ cuộc đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ kỳ vào năm 2016 đang cố gắng tấn công nước này bằng con đường kinh tế. Và cho rằng hoạt động “vận động hành lang về lãi suất” mờ ám và các tổ chức đánh giá tín nhiệm phương Tây đang cố tình hạ gục nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời kêu gọi người dân thể hiện tinh thần yêu nước.

Tuyên bố của ông Tayyip Erdogan được đưa ra một ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định tăng gấp đôi thuế nhôm, thép nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ, tức 50% đối với thép và 20% đối với nhôm, một động thái mà Ankara cho là đi ngược lại các nguyên tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Phản ứng với động thái này, hôm 10-8, đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm xuống mức thấp kỷ lục so đồng USD (6,30 lira/USD), một ngày sau khi các cuộc đàm phán tại Washington giữa phái đoàn Thổ Nhĩ Kỳ và giới chức Mỹ nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ngoại giao rơi vào bế tắc.

Động thái của ông Donald Trump đã đẩy căng thẳng giữa Mỹ với Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), lên một ngưỡng mới, mở rộng từ khía cạnh ngoại giao sang yếu tố kinh tế, tài chính. Trước đó, Bộ Tài chính Mỹ đã liệt Bộ trưởng Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ Abdulhamit Gul và Bộ trưởng Nội vụ Suleyman Soylu vào danh sách trừng phạt với lý do 2 quan chức này có vai trò quan trọng trong quyết định bắt giam linh mục người Mỹ Andrew Brunson tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Andrew Brunson bị chính quyền Ankara bắt giữ do nghi ngờ có quan hệ với một nhóm mà chính quyền Ankara cho là khủng bố từng tham gia tiến hành cuộc đảo chính tháng 7-2016.

 

 

42 1 Tho Nhi Ky Truoc Bo Vuc Khung Hoang Tai Chinh
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan.

Không phải đến ngày 10-8 đồng lira mới sụt giá, mà tỷ giá đồng tiền này đã trượt dài từ trước do giới đầu tư lo ngại ông Tayyip Erdogan thực thi siết chặt chính sách tiền tệ, ảnh hưởng đến thị trường tài chính của Thổ Nhĩ Kỳ. Đồng thời, cộng hưởng với đó là mối quan hệ mỗi lúc một đi xuống giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ càng khiến giới đầu tư có thêm lý do để bán tháo.

Nhiều người cho rằng những gì diễn ra vào ngày 10/8 như “giọt nước làm tràn ly”, đẩy Thổ Nhĩ Kỳ vào một cuộc khủng hoảng tài chính. Từ đầu năm đến nay, đồng lira đã mất giá hơn 40%.

Các chuyên gia cho rằng, không cần đến biện pháp trừng phạt của Mỹ, bản thân các chính sách kinh tế của Tổng thống Tayyip Erdogan và mức độ độc lập của Ngân hàng Trung ương của Thổ Nhĩ Kỳ đang khiến các nhà đầu tư lo ngại. Dưới sức ép của ông Tayyip Erdogan, Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ đã phải giữ lãi suất ở mức thấp, dù lạm phát đã vượt ngưỡng 15% vào tháng 7.

Trong cuộc họp mới đây, Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục đi ngược lại kỳ vọng của thị trường khi giữ nguyên lãi suất. Theo các phân tích, điều đó có thể làm ông Tayyip Erdogan hài lòng song nhiều khả năng đã đến lúc Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ buộc phải có hành động khẩn cấp nhằm tìm kiếm lối thoát cho cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay.

Để trấn an các nhà đầu tư và tâm lý người dân trong nước, trong một động thái mới đây, Bộ trưởng Tài chính Thổ Nhĩ Kỳ Berat Albayrak cho biết nước này sẽ áp dụng một mô hình kinh tế mới, trong đó cam kết bảo đảm sự độc lập của ngân hàng trung ương và siết chặt kỷ luật ngân sách nhà nước.

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến tiến hành cải cách cơ cấu, tái cân bằng nền kinh tế với kỳ vọng sẽ mang lại tăng trưởng kinh tế cao và bền vững. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2018 còn 4% từ mức 5,5% trước đó, nhưng các chuyên gia cảnh báo sự sụt giảm tăng trưởng sẽ sâu hơn nếu niềm tin không được khôi phục sớm.

Gia tăng bất ổn khu vực

Trong bối cảnh mối quan hệ vốn “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát bất cứ lúc nào thì việc Tổng thống Mỹ Donald Trump nâng gấp đôi thuế nhập khẩu đối với nhôm, thép của Thổ Nhĩ Kỳ và việc Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo đáp trả Mỹ sẽ chỉ là chất xúc tác để đẩy căng thẳng trong quan hệ song phương, khiến cả hai nước chịu những tác động không nhỏ. Washington cũng cần cân nhắc những lợi thế mà Ankara đang nắm giữ.

Thổ Nhĩ Kỳ có căn cứ không quân Incirlik được sử dụng bởi lực lượng của Mỹ ở khu vực Trung Đông. Nước này là một thành viên NATO từ thập niên 1950. Hơn nữa, Thổ Nhĩ Kỳ cũng là nơi đặt một radar X-band, một phần quan trọng trong hệ thống phòng thủ của NATO trước Iran.

Trong khi đó, đối với Thổ Nhĩ Kỳ, ngoài tác động có thể nhìn thấy rõ nhất là việc đồng nội tệ lira của nước này giảm xuống mức thấp kỷ lục so với đồng USD thì việc Tổng thống Mỹ Donald Trump nâng gấp đôi thuế nhập khẩu đối với nhôm và thép của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ khiến hàng tỉ USD hàng xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ bị ảnh hưởng mỗi năm. Bởi, Thổ Nhĩ Kỳ được biết đến là nước sản xuất thép lớn thứ 8 trên thế giới và là nước xuất khẩu thép sang Mỹ lớn thứ 6 sau Canada, Brazil, Hàn Quốc, Mexico và Nga.

Bên cạnh đó, các lệnh trừng phạt của Washington nhằm vào Ankara sẽ gây phương hại đến nền kinh tế vốn yếu kém của Thổ Nhĩ Kỳ. Lạm phát của Thổ Nhĩ Kỳ đã lên tới mức gần 16% hồi tháng 7 vừa qua, cao nhất trong vòng 14 năm qua.

Là một thị trường mới nổi quan trọng, Thổ Nhĩ Kỳ nằm giáp Iran, Iraq và Syria, đồng thời là một quốc gia thân cận với phương Tây trong nhiều thập niên qua. Khủng hoảng tài chính ở Thổ Nhĩ Kỳ có nguy cơ đẩy bất ổn tại một khu vực vốn dĩ có nhiều biến động gia tăng nhiều hơn. Việc Mỹ khơi mào cho căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ trên khía cạnh thương mại vào thời điểm hiện tại trong bối cảnh Washington đang thất thế trên thực địa ở Trung Đông dường như chỉ khiến cho Mỹ càng thêm bất lợi trong cuộc chiến giành ảnh hưởng ở khu vực này.

Những động thái của Mỹ rõ ràng là không đúng thời điểm, sẽ đẩy Thổ Nhĩ Kỳ càng xa cách Mỹ và gần lại hơn với Nga, Iran, Syria... Theo giới quan sát, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thật sự rơi vào mối quan hệ “cùng thua” của hai quốc gia từng là đồng minh thân thiết một khi cuộc chiến kinh tế đang diễn ra giữa hai bên không sớm dừng lại.

Ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chính ở Thổ Nhĩ Kỳ giờ đây lan rộng khắp thị trường toàn cầu, trong đó chứng khoán châu Âu chịu tác động mạnh nhất bởi giới đầu tư lo ngại về việc các ngân hàng trong khu vực nắm giữ tài sản Thổ Nhĩ Kỳ. Các chỉ số chủ chốt của chứng khoán châu Âu đồng loạt giảm 1-2%. Chứng khoán Mỹ cũng chốt phiên giao dịch ngày 10-8 chìm trong sắc đỏ.

 

 

42 2 Tho Nhi Ky Truoc Bo Vuc Khung Hoang Tai Chinh
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan kêu gọi sự ủng hộ của người dân.

Trong khi đó, chứng khoán châu Á cũng không mấy khả quan hơn khi chỉ số MSIC châu Á -Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản, một thước đo của chứng khoán khu vực, sụt 1,3%, xuống mức thấp nhất trong 5 tuần. Sắc đỏ phủ khắp các thị trường chứng khoán chủ chốt tại châu Á, trong đó chỉ số Nikkei 225 của chứng khoán Nhật sụt 1,6%. Chứng khoán Trung Quốc mất 1,4%, chứng khoán Hong Kong giảm 1,6%, chứng khoán Đài Loan giảm 3%...

Bất ổn từ Thổ Nhĩ Kỳ đang lan sang các thị trường khác. Vàng, thường được coi là tài sản đầu tư an toàn trong thời kỳ bất ổn, cũng hưởng lợi một chút, theo Ole Hansen, nhà phân tích tại Saxo Bank. Giá vàng ngày 10-8 giảm nhẹ do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng đồng lira Thổ Nhĩ Kỳ vừa làm tăng nhu cầu vàng, vừa làm USD tăng giá, khiến kim loại quý này trở nên đắt hơn. Giá vàng giao ngay ngày 10/8 trên sàn New York giảm 0,9 USD xuống còn 1.211,2 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 giảm 0,9 USD, tương đương 0,07%, xuống 1.219 USD/ounce

Theo tờ Financial Times, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) lo ngại về tác động của tình hình tại Thổ Nhĩ Kỳ đến các ngân hàng châu Âu do đồng lira lao dốc không phanh. Dữ liệu từ Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) cho thấy các ngân hàng khu vực eurozone có các khoản cho vay trị giá hơn 150 tỷ USD tại Thổ Nhĩ Kỳ. Các ngân hàng Tây Ban Nha, Pháp và Ý bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Giá cổ phiếu của một số ngân hàng lớn nhất châu Âu giảm mạnh ngày 10/8. Giá cổ phiếu các ngân hàng UniCredit (Ý), BBVA (Tây Ban Nha), BNP Paribas (Pháp) và Deutsche Bank (Đức) giảm lần lượt 5,6%, 5,5%, 4,3% và 5,3%. Cùng ngày, giá euro cũng giảm 0,9% so với đồng bạc xanh.

Trấn an dư luận

Mặc dù những tác động, ảnh hưởng trước mắt mà cuộc khủng hoảng tài chính ở Thổ Nhĩ Kỳ đã hiện hữu trên thực tế, song một số phân tích cũng cho rằng đây có thể chỉ là cú sốc mới với nền tài chính của các nước mới nổi như Thổ Nhĩ Kỳ, còn về lâu dài những hệ lụy, tác động kinh tế lan truyền sẽ không lớn, không ảnh hưởng sâu rộng đến thị trường toàn cầu.

Theo lý giải của Andrew Kenningham - kinh tế trưởng tại Capital Economics, GDP Thổ Nhĩ Kỳ chỉ khoảng 900 tỷ USD, tương đương 1% toàn cầu, trong khi thị trường chứng khoán nước này cũng chỉ có vốn hóa chưa bằng 2% Anh, với 20% thuộc sở hữu của nhà đầu tư ngoại. Do đó, ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính ở Thổ Nhĩ Kỳ lên nền kinh tế khu vực và thế giới sẽ không thực sự đáng ngại như nhiều người vẫn nghĩ.

 

 

42 3 Tho Nhi Ky Truoc Bo Vuc Khung Hoang Tai Chinh
Đồng Lira mất giá gần 40% so với đồng USD trong năm nay.

Theo đánh giá của chuyên gia kinh tế Torsten Slok thuộc Ngân hàng Deutsche Bank những rắc rối tài chính mà Thổ Nhĩ Kỳ đang rơi vào là nghiêm trọng hơn so với thách thức mà các thị trường mới nổi khác đối mặt thời gian gần đây song về bản chất chỉ nằm trong biên giới của quốc gia này và Thổ Nhĩ Kỳ có khuynh hướng dễ tổn thương hơn so với các nền kinh tế mới nổi khác.

Trong những năm gần đây, các thị trường mới nổi vay nợ ngày càng nhiều và Thổ Nhĩ Kỳ cũng không nằm ngoài xu hướng này. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ ngoại tệ của Thổ Nhĩ Kỳ cao hơn nhiều so với các quốc gia mới nổi khác. Điều này khiến gánh nặng nợ nần của Thổ Nhĩ Kỳ gia tăng khi đồng nội tệ rớt giá.

Khi mà nhà đầu tư ngày một lo lắng về khả năng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có thể rơi vào một cuộc khủng hoảng tài chính toàn diện, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đang nỗ lực tìm kiếm các gải pháp cấp thiết nhằm cứu vãn tình hình.

Trong đó, viễn cảnh về một cuộc suy thoái và khủng hoảng nợ có thể sẽ buộc Thổ Nhĩ Kỳ tính đến thực thi các biện pháp kiểm soát vốn và đề nghị Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) giải cứu.

Nguồn: cand.com.vn

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC