Ông Shinzo Abe không giấu được nỗi buồn khi tuyên bố từ chức Thủ tướng Nhật Bản chiều 28-8 - Ảnh: REUTERS
Tại họp báo, ông Abe cho biết sức khỏe của ông đã bắt đầu suy giảm vào khoảng giữa tháng trước. Nhà lãnh đạo Nhật Bản cho biết ông không muốn bệnh tình của mình dẫn tới những sai lầm trong quá trình đưa ra các quyết định chính sách quan trọng.
"Tôi không thể là thủ tướng nếu tôi không thể đưa ra những quyết định tốt nhất cho người dân. Do đó, tôi quyết định rời khỏi vị trí hiện tại", ông Abe giải thích.
Ông Abe nói rằng ông xin lỗi người dân Nhật Bản "từ tận đáy lòng" vì không thể làm tròn nghĩa vụ của mình. Vị thủ tướng cho biết thêm ông không phải là người ra quyết định về việc chọn ai là người kế nhiệm.
Thủ tướng Abe nói rằng ông sẽ không bình luận về tên của những người có khả năng kế nhiệm, nhưng cho biết thủ tướng tiếp theo sẽ tiếp tục các nỗ lực chống dịch COVID-19. Ông cho biết tin tưởng Đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền chọn người kế nhiệm.
Người dân Tokyo xem họp báo từ chức của Thủ tướng Shinzo Abe - Ảnh: REUTERS
Nhà lãnh đạo Nhật Bản nói rằng với số ca bệnh COVID-19 bắt đầu giảm những ngày gần đây và các biện pháp mới cho mùa đông đã được soạn thảo, đây là lúc phù hợp nhất để ông từ chức. Ông đã suy nghĩ về bệnh tình và chuyện làm thủ tướng từ tháng 6, và đã không muốn để lại chiếc ghế thủ tướng trống đột ngột.
Theo báo Japan Times, ông Abe lên kế hoạch tiếp tục làm nghị sĩ nếu sức khỏe của ông cải thiện. Ông dự định tham gia cuộc bầu chọn tiếp theo của Hạ viện Nhật Bản.
Hạ viện Nhật Bản (tên chính thức: Chúng Nghị viện) là một trong hai viện của Quốc hội Nhật Bản, viện còn lại là Tham Nghị viện tức Thượng viện.
Xuất hiện cùng ông Abe tại cuộc họp báo là nhiều quan chức Nhật Bản như Chánh Văn phòng Nội các Yoshihide Suga ngồi trên ghế bên cạnh, đeo khẩu trang. Ông Abe đã kết thúc cuộc họp báo vào khoảng 16h cùng ngày (giờ Việt Nam). Ông cúi đầu chào các phóng viên trước khi rời khỏi phòng họp báo.
Thủ tướng Shinzo Abe tại họp báo chiều 28-8 - Ảnh: REUTERS
Trước đó, một nghị sĩ thuộc đảng cầm quyền cho biết Thủ tướng Shinzo Abe sẽ công bố từ chức trong hôm nay 28-8 với lý do sức khỏe.
Ông vẫn giữ vai trò thủ tướng cho đến khi chọn được một người kế nhiệm. Hiện không rõ người kế nhiệm nào dự kiến sẽ đứng đầu chính phủ Nhật Bản.
Hôm 17-8, nhà lãnh đạo 65 tuổi này đã đến khám tại một bệnh viện ở Tokyo trong hơn 7 tiếng đồng hồ. Được biết ông đã mắc chứng viêm loét đại tràng.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe xuất hiện bên ngoài nơi ở chính thức của ông sau khi truyền thông địa phương tường thuật ông dự kiến thông báo từ chức ở Tokyo, Nhật Bản ngày 28-8 - Ảnh: REUTERS
Ông Abe lần đầu trở thành thủ tướng Nhật Bản vào năm 2006 và từ chức một năm sau đó, viện dẫn lý do sức khỏe. Ông Abe là người nhậm chức trẻ tuổi nhất trong số các thủ tướng Nhật Bản từ sau Thế chiến 2 và là thủ tướng đầu tiên sinh ra sau Thế chiến 2.
Ông quay lại làm thủ tướng Nhật Bản thêm một nhiệm kỳ nữa vào ngày 26-12-2012. Tuần này, ông Abe lập kỷ lục với số ngày tại vị liên tiếp lâu nhất trong lịch sử nước này, cụ thể là 2.799 ngày liên tiếp tính tới hôm 24-8-2020. Trước đó, ông đã lập kỷ lục là người có tổng thời gian làm thủ tướng lâu nhất Nhật Bản.
Thị trường chứng khoán lao dốc
Tin ông Abe từ chức khiến thị trường chứng khoán lao dốc mạnh nhất trong vòng 1 tháng trở lại đây. Chỉ số Nikkei giảm tới 2,65% ngay sau khi thông tin này, trước khi kết phiên ghi nhận mức giảm 1,41%, xuống còn 22.882,65 điểm.
Takatoshi Itoshima, nhà phân tích chiến lược tại công ty quản lý tài sản Pictet dự đoán chỉ số Nikkei có thể giảm xuống còn 21.000 điểm.
Chuyên gia Shingo Ide từ Viện Nghiên cứu NLI ở Tokyo nhận định "bất cứ ai kế nhiệm ông Abe sẽ rất khó để có được sự ủng hộ mạnh mẽ và những bất ổn chính trị có thể sẽ đè nặng lên thị trường".
Chính sách kinh tế Abenomics của ông Shinzo Abe
Theo AFP, khi nhậm chức năm 2012, ông Abe muốn phục hồi nền kinh tế bằng chính sách Abenomics với 3 mục cải cách chính.
- Chính sách nới lỏng tiền tệ:
Bắt đầu nhiệm kỳ hai, ông Abe cùng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ với mục tiêu: giảm chi phí đi vay; kích thích hoạt động kinh doanh và tiêu dùng cá nhân; đẩy lạm phát lên mức mục tiêu 2% để chấm dứt tình trạng giảm phát đã ám ảnh nền kinh tế Nhật Bản kể từ những năm 1990.
Kết quả: Chính sách giúp tăng cường khả năng cạnh tranh của các nhà xuất khẩu Nhật Bản bằng cách làm suy yếu đồng Yên, nhưng mục tiêu lạm phát vẫn nằm ngoài tầm với.
- Kích thích chi tiêu:
Chính phủ chi hàng trăm tỉ USD từ năm 2013, đặc biệt cho việc hiện đại hóa cơ sở hạ tầng trên toàn quốc, một trong số đó là chuẩn bị cho Thế vận hội Olympic Tokyo 2020.
Kết quả: Khoản chi này đã thúc đẩy doanh thu và đầu tư cho kinh doanh, kích thích thị trường tài chính và bất động sản và giúp đất nước tăng trưởng trong vài năm. Nhưng nó không giúp GDP Nhật Bản tránh khỏi suy thoái vào giai đoạn 2014-2015 và vào năm 2020.
- Cải cách cơ cấu nền kinh tế:
Chính phủ ông Abe tập trung cắt giảm quy định kinh doanh, tự do hóa thị trường lao động và đa dạng hóa lực lượng lao động nhằm tăng khả năng cạnh tranh của Nhật Bản.
Kết quả: Số lượng phụ nữ và người lớn tuổi tăng lên tại công sở và nới lỏng chính sách cho người lao động nhập cư, giúp giải quyết tình trạng thiếu lao động trong nước.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online