Trong những ngày cuối cùng nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump, Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra cáo buộc nghiêm trọng nhắm vào Trung Quốc.
Tuyên bố này cho biết cộng đồng tình báo Mỹ có bằng chứng nhiều nhà khoa học tại Phòng thí nghiệm Viện Virus học Vũ Hán đã đổ bệnh với những triệu chứng giống với Covid-19 từ mùa thu năm 2019.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng Viện Virus học Vũ Hán mang danh là tổ chức dân sự nhưng tham gia thực hiện những dự án nghiên cứu bí mật.
Nguồn gốc thực sự của virus SARS-CoV-2 tới nay vẫn là một bí ẩn. Việc khám phá câu trả lời đằng sau nguồn gốc virus không chỉ đơn giản là để tìm người đổ lỗi.
"Trừ khi nguồn gốc được xác định và con đường virus phát tán được tìm thấy, các nhà khoa học sẽ không thể nghiên cứu cách thức đúng đắn nhất giúp bảo vệ loài người khỏi các đợt bùng phát trong tương lai", Politico bình luận.
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong cuộc họp báo ngày 15/1/2020. Ảnh: New York Times.
Hai bức điện bị phớt lờ
Cuối năm 2017, các quan chức khoa học và y tế cấp cao tại Đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh tham dự một hội nghị được tổ chức ở thành phố này. Tại đây, họ theo dõi buổi trình bày về nghiên cứu mới do một nhóm các nhà khoa học Trung Quốc thực hiện, trong đó có những chuyên gia từ Viện Virus học Vũ Hán, kết hợp cùng Viện Y tế quốc gia Mỹ.
Kể từ đợt bùng phát đại dịch SARS năm 2002, các nhà khoa học trên thế giới dành nhiều công sức nghiên cứu cách để dự đoán và hạn chế các đợt bùng phát dịch bệnh tương tự.
Vời mục tiêu này, Viện Y tế quốc gia Mỹ đã tài trợ cho nhiều dự án với sự tham gia của các nhà khoa học từ Viện Virus học Vũ Hán, trong đó có công trình liên quan đến virus corona trên dơi. Nghiên cứu mới này có tên "Khám phá nhóm gene phong phú về virus corona trên dơi mang lại hiểu biết mới về nguồn gốc SARS".
Các nhà khoa học tìm thấy một quần thể dơi từ các hang động ở Vân Nam, giúp họ hiểu thêm cách virus corona gây đại dịch SARS khởi nguồn và lan rộng. Các nhà khoa học cho rằng họ đã tìm thấy hang động nơi virus corona gây ra đại dịch SARS bắt nguồn.
Shi Zhengli, người có biệt danh "người phụ nữ dơi", có kinh nghiêm đặc biệt phong phú trong nghiên cứu virus corona trên dơi. Ảnh: SCMP.
Nhưng điều khiến giới ngoại giao Mỹ lo ngại là các nhà khoa học Trung Quốc tìm thấy 3 chủng virus mới có những đặc tính riêng biệt: Gồm một "gai protein" có khả năng bám dính đặc biệt mạnh vào tế bào thụ thể ACE2 trong phổi của người.
Điều này có nghĩa các chủng virus mới được phát hiện đặc biệt nguy hiểm cho con người. Khi đó, chúng được bảo quản trong phòng thí nghiệm ở Viện Virus học Vũ Hán - cơ sở mà giới ngoại giao Mỹ hầu như không có thông tin.
Trước những manh mối ấy, đặc biệt là tính chất các chủng virus corona mới được tìm thấy, các quan chức khoa học và y tế từ Đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh quyết định tới Vũ Hán để nắm tính hình.
Trong giai đoạn cuối 2017 và đầu 2018, cơ quan này cử 3 nhóm chuyên gia tới gặp các nhà khoa học ở Viện Virus học Vũ Hán, trong số này có Shi Zhengli, người có biệt danh "người phụ nữ dơi" bởi bà có kinh nghiêm đặc biệt phong phú trong nghiên cứu virus corona trên dơi. Và nhân viên Đại sứ quán Mỹ bất ngờ bởi những gì họ tìm ra.
Các khoa học gia Trung Quốc thừa nhận không có đủ kỹ thuật viên được đào tạo thích hợp để vận hành phòng thí nghiệm tại Viện Virus học Vũ Hán - cơ sở được xếp hạng an toàn sinh học cấp độ 4. Các nhà khoa học Trung Quốc đề nghị hỗ trợ để nâng cấp tiêu chuẩn an toàn của cơ sở này.
Viện Virus học Vũ Hán. Ảnh: Politico.
Đại sứ quán Mỹ gửi 2 công điện về Bộ Ngoại giao báo cáo kết quả chuyến khảo sát Vũ Hán, cho biết cần nâng cấp điều kiện an toàn ở cơ sở này và kêu gọi Washington vào cuộc.
Họ đồng thời cảnh báo các nhà khoa học Vũ Hán đã tìm ra những chủng virus corona có khả năng tấn công mạnh vào tế bào phổi của người, con đường lây lan tương tự virus SARS.
Thông tin về thủ đô được gửi dưới dạng điện thường, không phải điện mật, bởi Đại sứ quán muốn nó được nhiều người biết và dễ gây sự chú ý hơn, một trong các tác giả của hai bức điện cho biết.
Thế nhưng, Bộ Ngoại giao Mỹ không có phản hồi với hai bức điện. Thông tin cảnh báo về nguy cơ từ các chủng virus mới được bảo quản ở Viện Virus học Vũ Hán cũng không được công bố.
"Hai bức điện là lời cảnh báo. Họ cầu xin giới chức trách chú ý tới điều đang xảy ra", một quan chức Mỹ cho biết.
Khi căng thẳng Mỹ - Trung leo thang năm 2018, giới ngoại giao Mỹ bị cuốn vào vòng xoáy xung đột chính trị - thương mại và không còn thời gian cho vấn đề tiềm ẩn phía sau những vách kính ngăn phòng thí nghiệm tại Vũ Hán.
Căng thẳng với Trung Quốc
Trái với những gì một số hãng thông tấn đưa tin, nội dung hai bức điện gửi về từ Đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh chỉ đến tay một số quan chức trong chính quyền. Thực tế, khi thông tin về hai bức điện bị rò rỉ, Ngoại trưởng Pompeo đã nổi trận lôi đình.
Ông Pompeo khi đó muốn duy trì quan hệ ở mức có thể chấp nhận được với Trung Quốc, việc hai bức điện bị tiết lộ khiến mục đích này thêm phần khó khăn.
Ngày 26/3/2020, Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình có cuộc điện đàm, nhất trí chấm dứt cuộc khẩu chiến. Ông Tập cảnh báo mức độ hợp tác của Bắc Kinh trong cung cấp thiết bị y tế cho phía Mỹ, trong bối cảnh virus bắt đầu lan rộng, sẽ tỷ lệ nghịch với các cáo buộc về nguồn gốc virus từ phía Washington.
Tháng 5/2020, CDC Trung Quốc tuyên bố chợ hải sản ở thành phố Vũ Hán không phải là nơi phát tán virus, đồng nghĩa bác bỏ câu chuyện nguồn gốc dịch bệnh mà Bắc Kinh công bố ban đầu.
Trong cuộc phỏng vấn hồi tháng 3/2020, "Người phụ nữ dơi" Trung Quốc Shi Zhengli nói bà cảm thấy được "giải thoát" khi không tìm thấy dấu vết virus corona tại cơ sở này.
Bà Shi cũng thừa nhận từng cảm thấy bất ngờ khi những ca nhiễm bệnh đầu tiên được phát hiện ở Vũ Hán. Nhà khoa học này nói bà luôn cho rằng nếu đại dịch bùng phát, nó sẽ bắt nguồn từ Vân Nam.
Thí nghiệm nguy hiểm
Điều mà các quan chức Hội đồng An ninh Quốc gia và Bộ Ngoại giao Mỹ lo ngại là các thí nghiệm "bổ sung chức năng" diễn ra ở Vũ Hán.
Đây là thí nghiệm trong đó những đặc tính về độc lực và lây nhiễm của virus được tăng cường có chủ đích. Mục đích của thí nghiệm là giúp dự đoán cách virus tiến hóa có thể đe dọa con người, trước khi sự tiến hóa xảy ra trong môi trường tự nhiên.
Những thí nghiệm kiểu như vậy thường gây nhiều tranh cãi. Vì lý do này, thí nghiệm "bổ sung chức năng" bị chính quyền Obama nghiêm cấm từ 2014.
"Viện Virus học Vũ Hán công khai tiến hành nghiên cứu 'bổ sung chức năng'. Một số quan chức chính phủ Mỹ tiết lộ Washington có bằng chứng các cơ sở của Trung Quốc tiến hành nghiên cứu ở quy mô lớn hơn nhiều so với công bố", Politico cho biết.
Điều này có nghĩa các nhà khoa học Trung Quốc sẵn sàng chấp nhận rủi ro ở mức cao hơn nhiều so với bất cứ nơi nào khác trên thế giới.
Nguồn gốc thực sự của virus SARS-CoV-2 tới nay vẫn là một bí ẩn. Ảnh: AFP.
Một nghiên cứu đáng chú ý thuộc loại này đến từ nhóm khoa học có liên hệ với Học viện Khoa học Quân y Trung Quốc, công bố tháng 7/2020. Các nhà khoa học cho biết họ đã tạo ra một mô hình nghiên cứu SARS-CoV-2 mới, bằng cách cấy vào tế bào phổi trên chuột thụ thể ACE2 của người, đây là tế bào thụ thể bị virus corona xâm nhập khi chúng tấn công phổi của người.
Một số quan chức Mỹ tin rằng thí nghiệm loại này cũng được thực hiện trước khi đại dịch bùng phát và không được Trung Quốc thừa nhận.
Trong tuyên bố ngày 15/1/2020, Bộ Ngoại giao Mỹ cáo buộc Viện Virus học Vũ Hán không cố bố thông tin về nghiên cứu đối với RaTG13, chủng virus có họ hàng gần nhất với SARS-CoV-2.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng cơ sở này đã "thay mặt quân đội Trung Quốc tiến hành các nghiên cứu bí mật bao gồm thí nghiệm trên động vật kể từ năm 2017".
Năm 2018, các nhà ngoại giao Mỹ đã lường trước những hiểm họa có thể xảy ra. Hai bức điện gửi về Washington sau chuyến làm việc tại Vũ Hán là thông điệp cảnh báo đầu tiên nhưng không được lắng nghe và chẳng biện pháp nào được triển khai để ngăn ngừa nguy cơ.
Duy Anh (Theo Politico)
Nguồn: zingnews.vn