Châu Âu đứng trước bờ vực khủng hoảng y tế lớn. Khu hồi sức tích cực tại các bệnh viện chật cứng. Chính phủ nhận thấy khi đối mặt với loại virus lây lan theo cấp số nhân, những khoản đầu tư khổng lồ để mở rộng công suất các cơ sở y tế cũng có thể bị cuốn trôi trong vài ngày.
Đức, quốc gia với nguồn lực tốt nhất châu Âu, nguy cơ bị quá tải ngay cả khi tăng số giường bệnh gấp bốn lần trong mùa hè. Bỉ, nơi đã tăng gấp đôi năng lực chăm sóc bệnh nhân, sắp phải lựa chọn bệnh nhân được sử dụng giường nằm để điều trị.
"Hạ tầng khổng lồ chúng ta củng cố tạo ra cảm giác ‘an toàn giả’. Cuối cùng, chúng chỉ chống chịu được một tuần khi ca mắc đang tăng theo cấp số nhân", Emmanuel André, chuyên gia virus hàng đầu của Bỉ, cố vấn chính phủ về đại dịch, nhận định. Ông cũng gay gắt chỉ trích các nhà lãnh đạo bởi đã hành động quá chậm trễ trong mùa thu.
Hồi chuông cảnh báo đầu tiên tại châu Âu vang lên hồi tháng 7, khi số ca dương tính tăng mạnh sau khi chính phủ các nước nới lệnh phong tỏa. Lúc này, số ca nhiễm còn ở mức thấp.
Bác sĩ cấp cứu tại Tây Ban Nha đã tận hưởng thời gian thư giãn sau đỉnh dịch tháng 3, tháng 4. Y tá Italy đi nghỉ mát ở biển. Tháng 8, lãnh đạo nhiều nước châu Âu nhóm họp để bàn về thời kỳ hậu đại dịch. Đất nước của họ giờ đây bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi làn sóng Covid-19 thứ hai.
Nhân viên y tế tại Bệnh viện Melun-Sénart chăm sóc một bệnh nhân Covid-19. Ảnh: Reuters
Số ca nhiễm mới tăng lên theo cấp số nhân một cách nhanh chóng đến mức đáng sợ. Chỉ trong thời gian ngắn, toàn lục địa ghi nhận thêm hàng chục nghìn bệnh nhân.
"Mức tăng cấp số nhân có khởi đầu rất nhỏ, không rõ ràng trong nhiều tuần. Nếu chỉ nhìn vào dữ liệu, bạn sẽ có một cảm tính sai lầm về tình hình, đến cuối cùng thì mọi thứ mới bùng nổ", ông André nói.
Châu Âu đang ở điểm bùng nổ đó.
Tuần cuối tháng 10, 50% giường bệnh tại khu hồi sức tích cực đã kín chỗ. Đến nay, con số tăng lên 70%, với hơn 3.500 bệnh nhân Covid-19. Khi công bố lệnh hạn chế lần hai, Tổng thống Emmanuel Macron cảnh báo: "Ở giai đoạn này, dù nỗ lực đến đâu, chúng ta vẫn sẽ có gần 9.000 bệnh nhân được chăm sóc đặc biệt vào giữa tháng 11, chiếm gần như toàn bộ năng lực điều trị của Pháp".
Tình hình tương tự diễn ra ở Đức. Thủ tướng Angela Merkel giải thích: "Vào mùa hè, cuối tháng 6 và đầu tháng 7, chúng ta ghi nhận khoảng 300 ca mắc mới theo ngày. Giờ đây con số là 2.400. Điều đó có nghĩa trong ba tháng, từ tháng 7 đến tháng 9, tỷ lệ lây nhiễm đã tăng gấp đôi đến ba lần liền". Bà cảnh báo nếu giữ nguyên xu hướng, số trường hợp sẽ đạt 19.200 vào cuối tháng 12. Bà Merkel khẳng định ‘không cho phép" virus tiếp tục lấn át hệ thống y tế.
Ngày 2/11, Đức có hơn 2.000 ca Covid-19 được điều trị tại khu hồi sức tích cực, tăng gấp đôi so với 10 ngày trước, gấp 5 so với ngày 1/11. Quốc gia còn hơn 20.000 giường trống, song chúng có thể kín chỗ vào đầu tháng 12, theo mô hình dự đoán của Đại học Saarland.
"Chúng tôi đã rất kinh ngạc", Joachim Odenbach, người phát ngôn của Hiệp hội Bệnh viện Đức, chia sẻ. Ông cho biết các cơ sở y tế đang thiếu khoảng 4.700 nhân viên.
Ở Anh, số ca nhập viện vì Covid-19 tăng gấp đôi trong hai tuần. Các cố vấn y tế cộng đồng đầu ngành đã cảnh báo bệnh viện sẽ bị quá tải trong 6 tuần. Điều này buộc Thủ tướng Boris Johnson thông báo lệnh hạn chế bắt đầu từ 4/11.
Nếu không phong tỏa, bác sĩ một lần nữa đứng trước cảnh phải chọn bệnh nhân để điều trị, ông Johnson phát biểu trong cuộc họp với Hạ viện hôm 2/11. "Virus nhân lên nhanh hơn gấp hai lần những gì chúng ta hình dung. Ngay cả khi tăng gấp đôi công suất, nguồn lực sẽ tiêu hao trong một lần", ông nói.
Y tá nhắm mắt nghỉ ngơi trong giây lát tại Havelhöhe ở Berlin. Ảnh: Reuters
Tại Bỉ và Hà Lan, tình trạng thiếu nhân lực khiến các bác sĩ, y tá trong bệnh viện và trung tâm dưỡng lão phải tiếp tục làm việc, ngay cả khi nhiễm nCoV với triệu chứng nhẹ. Trước đó, quá nhiều người bị ốm và phải cách ly. Số bệnh nhân tại khu chăm sóc đặc biệt ở Hàn Lan đã tăng gấp đôi trong ba tuần.
Tình hình ở Trung Âu đặc biệt nghiêm trọng. Hệ thống y tế Ba Lan, Cộng hòa Czech và một số nước láng giềng hạn chế hơn so với các quốc gia phát triển ở phía Tây. Các nhà lãnh đạo cũng không tận dụng thời gian Covid-19 suy yếu vào giai đoạn xuân hè để củng cố năng lực chăm sóc sức khỏe.
Giới chức Cộng hòa Czech đang lo sợ. Đây là cảnh tượng trái ngược hẳn so với mùa xuân, khi nước này ghi nhận ít ca nhiễm nhất châu Âu. Thủ tướng Andrej Babis dự đoán hệ thống y tế sẽ sụp đổ trong khoảng thời gian từ ngày 7-11/11 nếu không áp lệnh giãn cách xã hội đã thông báo hôm 21/10.
Các bệnh viện có thể phải thay đổi cơ cấu, đặc biệt trong việc quản lý các bệnh nhân không đòi hỏi chăm sóc đặc biệt mà chỉ cần một người phụ trách. Lực lượng y tế có thể được phân bổ mỏng hơn. Bác sĩ trực ít ca và bệnh nhân phải xuất viện sớm. Tuy nhiên, các khu hồi sức tích cực cần đến nhân lực lớn. Điều trị tại đây có thể cứu sống nhiều người khỏi ranh giới sinh tử.
Marc Noppen, giám đốc điều hành Bệnh viện Đại học Brussels, cho biết chữa trị cho những bệnh nhân Covid-19 đặc biệt khó khăn. Họ thường nằm viện thời gian dài. Đội ngũ y tế cũng cần bảo hộ đầy đủ hơn. Bệnh viện của ông chưa đạt mức giới hạn, song có thể sẽ quá tải trong vài tuần. Các nhà lãnh đạo bắt đầu xem xét các quy ước đạo đức họ thành lập vào mùa xuân trong trường hợp phải lựa chọn bệnh nhân thở máy. "Chúng tôi mong chờ điều tích cực và chuẩn bị tinh thần cho cảnh tệ hại nhất", ông Noppen nói.
Thục Linh (Theo Washington Post)
Nguồn: VNEXPRESS.NET