Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tham dự hội nghị video tại Nghị viện châu Âu ở thành phố Brussels, Bỉ ngày 15-3-2021 - Ảnh: EPA
"Nếu lo ngại sự trỗi dậy của Trung Quốc, sức mạnh quân sự và kinh tế của Trung Quốc, thì việc chúng ta, châu Âu và Bắc Mỹ, sát cánh cùng nhau trong NATO là rất quan trọng" - ông Stoltenberg nói.
Tổng thư ký NATO mô tả hành vi của Trung Quốc là "phá hoại luật pháp", đồng thời hoan nghênh "cam kết rõ ràng của Tổng thống Mỹ Joe Biden trong việc tái xây dựng các liên minh và củng cố NATO", theo báo South China Morning Post ngày 16-3.
Phát biểu trước các ủy ban của Nghị viện châu Âu về vấn đề an ninh và đối ngoại, ông Stoltenberg cũng cho rằng NATO nên làm việc với các đối tác ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương nếu muốn ngăn Trung Quốc "bắt nạt các nước trên thế giới".
NATO, liên minh quân sự giữa 30 nước châu Âu và Bắc Mỹ, trải qua 4 năm khó khăn khi cựu tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần đe dọa rút khỏi tổ chức này, cáo buộc các thành viên châu Âu không đóng góp công bằng để chia sẻ gánh nặng quốc phòng.
Tuy nhiên, mối quan hệ này đang cải thiện dưới thời Tổng thống Joe Biden. Tại Hội nghị an ninh Munich 2021 vào tháng 2 năm nay, ông Biden khẳng định ủng hộ điều khoản bảo vệ lẫn nhau của NATO.
Tuần trước, tổng thống Mỹ có cuộc họp trực tuyến đầu tiên với nhóm "tứ giác kim cương", gồm Mỹ, Úc, Nhật Bản và Ấn Độ - được mô tả là "NATO thu nhỏ".
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 15-3 đã bắt đầu chuyến công du nước ngoài đầu tiên đến Nhật Bản và Hàn Quốc, trước khi ông Blinken gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì tại bang Alaska vào ngày 18-3.
Tuy nhiên, ông Stoltenberg phải trả lời các chất vấn về Trung Quốc từ các thành viên của Nghị viện châu Âu khi các quan chức châu Âu vắng bóng trong các cuộc họp trên. Báo South China Morning Post cho rằng điều này thể hiện sự lo lắng của giới chức châu Âu về mối đe dọa từ phía Bắc Kinh.
Mặt khác, ông Stoltenberg ghi nhận tiến bộ kinh tế và chương trình xóa đói giảm nghèo của Trung Quốc nhưng cho rằng "sự trỗi dậy của Trung Quốc đặt ra một số thách thức nghiêm trọng".
"Trung Quốc sẽ sớm trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Họ có ngân sách quốc phòng lớn thứ hai và đang đầu tư rất nhiều vào năng lực quân sự hiện đại mới" - tổng thư ký NATO lưu ý.
Quan điểm này được nêu rõ trong báo cáo "NATO 2030" công bố năm 2020: "NATO phải dành nhiều thời gian, nguồn lực chính trị và hành động nhiều hơn nữa trước các thách thức an ninh được Trung Quốc đặt ra".
Để phản ánh điều này, các thành viên của NATO trong những tháng gần đây đã gia tăng hoạt động ở Biển Đông. Chẳng hạn, hải quân Pháp hồi tháng 2 đã triển khai tàu đổ bộ tấn công Tonnerre và tàu khu trục Surcouf tới Thái Bình Dương, bắt đầu nhiệm vụ tuần tra và huấn luyện kéo dài 3 tháng.
Trong năm nay, Mỹ đã tiến hành nhiều hoạt động tự do hàng hải trong các vùng biển tranh chấp trong khu vực, bất chấp sự lên án của Bắc Kinh. Đức cũng có kế hoạch điều một tàu khu trục nhỏ tới Biển Đông vào tháng 8.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online