Các tòa nhà bị phá hủy tại biên giới Iraq-Syria sau các cuộc không kích của Mỹ ngày 25-2. Ảnh vệ tinh do Maxar cung cấp
Tổng thống Biden đã ra lệnh tấn công căn cứ của nhóm phiến quân Kataib Hezbollah kiểm soát tại phía Đông Syria, gần biên giới với Iraq cuối tháng 2. Đây là lần đầu tiên ông Biden sử dụng quyền lực quân sự kể từ khi nhậm chức Tổng thống Mỹ vào ngày 20-1. Cuộc oanh kích đã phô trương sức mạnh quân sự đáng gờm khi 2 tiêm kích F-15E phóng 7 quả tên lửa phá hủy 9 căn cứ phiến quân, gây thiệt hại nghiêm trọng đối với 2 cơ sở khác và khiến ít nhất 22 tay súng thiệt mạng.
Diễn giải về cuộc tấn công này, chính quyền ông Biden khẳng định, đây là hành động “trả đũa” vụ tấn công bằng tên lửa ở Iraq nhắm vào một cơ sở quân sự của liên quân do Mỹ dẫn đầu ở thành phố Irbil, miền Bắc Iraq ngày 15-2. Vụ tấn công này khiến 1 nhà thầu dân sự thiệt mạng, làm bị thương 1 quân nhân Mỹ và nhiều binh sĩ liên quân.
Chỉ một tuần sau vụ “trả đũa” lần thứ nhất, chính quyền Mỹ tiếp tục tiến hành cuộc tấn công thứ 2 nhắm vào Syria. Tuy nhiên, Tổng thống Biden đã ra lệnh hủy bỏ vào “phút chót” khi 1 máy bay chiến đấu ném bom F-15E chuẩn bị khai hỏa. Quyết định hủy bỏ vì báo cáo tình báo cho biết, vụ “trả đũa” này có thể gây thương vong cho dân thường.
Dù ông Biden đưa ra những thông điệp quan trọng cho thấy việc sử dụng vũ lực là yêu cầu cấp thiết, song, việc xu hướng của chính quyền ông Biden đã gây nhiều tranh cãi từ nội bộ chính trường Mỹ cho tới cộng đồng quốc tế. Tựu chung mọi quan điểm đều cho rằng, hành động của chính quyền mới đang cho thấy “bước lùi” nguy hiểm so với 2 chính quyền tiền nhiệm (cựu Tổng thống Barack Obama và Donald Trump).
Nhiều nhà lập pháp thuộc đảng Cộng hòa (đảng đối lập với đảng Dân chủ của ông Biden) bày tỏ sự ủng hộ đối với xu hướng hành động của Tổng thống Biden tại Trung Đông. Song, nhiều nhà lập pháp trong quốc hội, gồm nhiều nghị sĩ hàng đầu của đảng Dân chủ lại phản đối kịch liệt. Trong đó cáo buộc, Tổng thống Biden đã thực hiện hành động quân sự mà không được quốc hội đồng ý. Nổi bật trong những lời chỉ trích, Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Tim Kaine bức xúc bày tỏ, hành động của ông Biden làm dấy lên lo ngại rằng, chính quyền hành pháp lạm dụng quyền lực chiến tranh.
Nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế cũng lên án ông Biden.
Trong đó, Người phát ngôn Tổng Thư ký Liên hợp quốc Stephane Dujarric cho biết, Tổng Thư ký Liên hợp quốc quan ngại về diễn biến bất ổn an ninh tại Trung Đông sau hành động quân sự của Mỹ. Bộ Ngoại giao Syria cáo buộc chính quyền ông Biden đang có hành động “gây hấn” tại Syria.
Ngoại trưởng Iran Javad Zarif khẳng định, Mỹ đang vi phạm chủ quyền Syria, làm leo thang bất ổn tại khu vực;... Cùng chung những quan điểm này, Nga và Trung Quốc cũng lên tiếng chỉ trích Mỹ vi phạm luật pháp quốc tế, đồng thời kêu gọi tất cả cấc bên tôn trọng chủ quyền và nền độc lập của Syria, kiềm chế các hành động làm phức tạp tình hình tại quốc gia này.
Đích thân ông Biden đã gửi thư tới quốc hội Mỹ lý giải rằng, việc tấn công phiến quân tại Syria nhằm bảo vệ các lực lượng của Mỹ và đồng minh.
Chính quyền Mỹ lâu nay luôn cáo buộc Iran đứng sau các lực lượng phiến quân thực hiện tấn công lực lượng của Mỹ và liên quân quốc tế tại khu vực. Việc Mỹ sử dụng vũ lực đi kèm với các biện pháp ngoại giao nằm trong chiến lược làm suy yếu bạo lực do các nhóm phiến quân thực hiện ở Syria và Iraq. Vụ tấn công vừa qua cũng là một đòn cảnh báo Iran rằng, mọi hành động gây tổn hại tới Mỹ và các đồng minh sẽ phải “trả giá đắt”.
Theo giới phân tích an ninh khu vực, hành động quân sự của Mỹ tại Syria vừa qua cơ bản cho thấy, chính quyền mới của Mỹ sẽ không “mềm mỏng” đối với an ninh Trung Đông như những nhận định trước đây. Xu hướng này có làm leo thang căng thẳng tại khu vực hay không sẽ phụ thuộc vào những động thái tới đây từ các bên liên quan.
Thanh Trúc
Nguồn: bienphong.com.vn