Ô nhiễm chì có thể đặt hàng triệu thanh thiếu niên trước nguy cơ tổn thương thể chất và tinh thần không thể đảo ngược lại được, theo hãng tin Reuters ngày 30-7.
Nghiên cứu của UNICEF và Pure Earth cho thấy khoảng 800 triệu trẻ em trên thế giới có mức chì từ 5 microgram/decilit trở lên trong máu, mức độ đủ cao để ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ, hệ thần kinh và các cơ quan quan trọng khác của cơ thể như tim và phổi.
Trong đó, Ấn Độ đứng đầu với hơn 275 triệu trẻ em có mức chì trong máu cao hơn 5 microgram/decilit, theo Đài BBC.
Bụi chì từ các nhà máy tái chế không đạt chuẩn có thể làm ô nhiễm không khí và môi trường các khu vực lân cận - Ảnh: PURE EARTH
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ nói rằng trẻ có mức chì cao trong máu là vì hoạt động gây ô nhiễm như tái chế pin bất hợp pháp và các nhà máy nấu luyện chì ngoài trời.
"Các hoạt động tái chế không được kiểm soát và thường bất hợp pháp như phá các hộp pin, làm đổ axit và bụi chì xuống đất, nung chì trong các lò nung ngoài trời làm phun ra khói bụi độc hại đã gây ô nhiễm cho môi trường xung quanh", báo cáo viết.
"Kết luận rõ ràng của nghiên cứu này là trẻ em trên khắp thế giới đang nhiễm độc chì với số lượng lớn và ở quy mô chưa từng có trước đây", báo cáo phát hành ngày 30-7 nhận định.
Báo cáo đã trích dẫn một loạt các yếu tố chịu trách nhiệm cho mức chì cao trong máu trẻ em, từ các nhà máy tái chế pin axit chì kém chuẩn và các ngôi nhà với lớp sơn chì bị bong tróc cho đến các bãi rác thải điện tử có lượng chì cao và các món đồ gốm tráng men có chứa chì.
Trong số này, pin axit chì có thể là thủ phạm chính, bởi gần 85% lượng chì trên toàn cầu được dùng để sản xuất loại pin này - dùng trong các thiết bị viễn thông, điện dự phòng cũng như dùng trong các loại xe điện.
Báo cáo nhấn mạnh rằng trẻ sơ sinh và trẻ em dưới 5 tuổi là nhóm có nguy cơ cao, bởi vì não của chúng có thể bị thương tổn thậm chí trước khi chúng kịp phát triển đầy đủ, dẫn đến suy giảm chức năng thần kinh, nhận thức và thể chất của trẻ suốt đời.
Báo cáo cũng lưu ý rằng càng lâu không phát hiện ra độc chì trong máu cũng như chưa được điều trị thì nhiễm độc chì sẽ càng trở nên nguy hiểm và có khả năng gây tử vong.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online