Ngoại trưởng 31 tuổi của Áo Sebastian Kurz, người đã lãnh đạo đảng Nhân dân (ÖVP) trung hữu chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử ngày 15/10 vừa qua, nhanh chóng được so sánh với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Canada Justin Trudeau vì cả ngoại hình trẻ trung, phong độ lẫn sự ủng hộ đông đảo. Nhưng tất cả sự tương đồng dường như chỉ có thế, còn lại là những khác biệt rõ rệt.
Trong khi 2 nhà lãnh đạo trẻ của Pháp và Canada thắng cử trên nền tảng chủ nghĩa tự do, ủng hộ toàn cầu hóa thì ông Sebastian Kurz chiến thắng bằng cách lái con tàu ÖVP về cánh hữu, thể hiện rõ nét nhất trong vấn đề mấu chốt mà cử tri Áo quan tâm trong cuộc bầu cử vừa qua. Đó là nhập cư!
Sebastian Kurz: trẻ và bảo thủ
Các nhà lãnh đạo EU đang lo ngại rằng Áo có thể “gia nhập” nhóm Visegrád (tức nhóm V4, gồm các nước Trung Âu là Cộng hòa Séc, Hungary, Ba Lan và Slovakia), vốn chủ trương mạnh tay ngăn chặn làn sóng nhập cư vào châu Âu.
Báo RzeczpoSPÖlita của Ba Lan có bài bình luận “đinh” gợi ý với ông Kurz rằng “nếu ông gia nhập V4, điều này sẽ nâng tầm quan trọng của nhóm ở EU – không phải chỉ trong vấn đề tương lai của người nhập cư”.
Sau những rạn nứt với đối tác hiện nay của ÖVP là đảng Dân chủ Xã hội Áo (SPÖ) của đương kim Thủ tướng Christian Kern, ông Sebastian Kurz đang nghiêm túc cân nhắc liên minh với đảng Tự do (FPÖ) cánh hữu. Và trong chiến dịch tranh cử của mình, FPÖ luôn khăng khăng rằng Áo nên ủng hộ những nỗ lực nhóm V4 nhằm ngăn chặn làn sóng nhập cư. Đảng này có thể sẽ lấy đó làm điều kiện để thành lập liên minh với đảng ÖVP của ông Kurz.
Sau chiến thắng của ÖVP, lãnh đạo đảng này, Ngoại trưởng Sebastian Kurz sẽ đứng ra thành lập chính phủ và trở thành Thủ tướng Áo. (Ảnh: Getty Images)
Giới quan sát nhận định, chiến thắng của đảng ÖVP và ông Kurz phần nào cho thấy, đa số cử tri Áo hy vọng rằng việc nước này hợp lực với nhóm V4 có thể xoay chuyển được EU.
Sebastian Kurz – ông thực sự nghĩ gì?
Chính bản thân ông Sebastian Kurz đã tuyên bố từ lúc tranh cử là sẽ đóng tuyến đường nhập cư đến châu Âu và thắt chặt phúc lợi xã hội cho những người tị nạn. Lãnh đạo ÖVP cũng ca ngợi Thủ tướng Hungary Viktor Orban vì đã xây dựng một bức tường biên giới để giữ người nhập cư ở ngoài biên giới chung của EU.
Lãnh đạo của ÖVP cũng nhận công trạng về phần mình cho việc đóng cửa tuyến đường của người nhập cư từ Balkan năm 2016, ngăn chặn hàng trăm nghìn người tị nạn đi bộ sang tây Âu. Ngay từ khi được bổ nhiệm làm Ngoại trưởng ở tuổi 27, ông Kurz đã coi nhập cư là một trong những ưu tiên hàng đầu.
Ông cũng chính là “tác giả” của Đạo luật liên quan đến Hồi giáo năm 2015, theo đó cấm các tổ chức, cá nhân nước ngoài ủng hộ các nhà thờ Hồi giáo ở Áo nhằm ngăn chặn cái gọi là “chính trị hóa Hồi giáo”.
Ông Kurz tự mô tả bản thân là một người thân Liên minh châu Âu và thậm chí còn nói rằng chiến thắng của ÖVP ngày 15/10 vừa qua cho thấy “thắng lợi rõ ràng của EU”. Nhưng sau tất cả những lời hứa “có cánh” đó, ông Kurz thực tế vẫn đang cân nhắc việc bắt tay liên minh với FPÖ.
Trong chiến dịch tranh cử vừa qua, lãnh đạo đảng trung hữu ÖVP thậm chí đã đánh bại phe cực hữu trên chính “sân chơi” của họ.
“ÖVP thường được xem là đảng trung hữu nhưng đảng này đã ‘cướp diễn đàn’ của đảng cực hữu FPÖ trong một số cuộc tranh luận để rồi lật lại những vấn đề đó theo cách ôn hòa hơn” - Giáo sư nghiên cứu chủ nghĩa dân tộc tại trường Đại học Trung Âu Anton Pelinka nhận định.
Ngoại trưởng Sebastian Kurz đã hứa sẽ xây dựng “văn hóa chính trị mới” nhưng chưa tiết lộ hình thái chính phủ mới của ông trong khi các cuộc đàm phán liên minh đang sôi sục sau cánh cửa đóng kín.
“Đòn phủ đầu” của các chính trị gia lão luyện EU
Thủ tướng Đức, quốc gia đầu tàu của EU, bà Angela Merkel tỏ ra không lo ngại thái quá về những khác biệt với nhà lãnh đạo trẻ của Áo. Tuy nhiên, “nữ thủ lĩnh” của EU chia sẻ quan điểm cho rằng thành công của đảng FPÖ với hơn 27% số phiếu là một thách thức lớn cho nước Áo trong bối cảnh nước Đức của bà Merkel cũng đang phải chứng kiến những chiến thắng của các đảng cánh hữu theo chủ nghĩa dân túy.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker, trong một lá thư gửi nhà lãnh đạo mới của Áo tuần này, đã kêu gọi ông Sebastian Kurz xây dựng “một chính phủ thân châu Âu” – thực chất được xem như là lời cảnh báo nghiêm khắc trước ý định liên minh với đảng cánh hữu FPÖ.
“Áo sẽ sớm đóng một vai trò đặc biệt là trở thành Chủ tịch Liên minh châu Âu” – ông Jean-Claude Juncker viết. “Dưới trách nhiệm của Áo, một loạt quyết định quan trọng liên quan đến EU sẽ được đưa ra. Vì thế, tôi mong ông thành công lớn trong việc xây dựng một chính phủ ổn định và thân châu Âu, mà tôi mong được hợp tác trong tương lai”.
Chủ tịch EC vốn chẳng giấu diếm việc không ưa đối tác liên minh tiềm năng của ông Kurz – đảng FPÖ. Trong một cuộc phỏng vấn với Le Monde (Pháp) năm 2016, ông nói rằng: “Tôi không thích họ. Với những người theo chủ nghĩa dân túy cánh hữu này thì không thể có chuyện tranh luận, càng không thể đối thoại”.
Ông Juncker chưa quyết liệt đến độ ép ông Kurz gạt luôn FPÖ ra khỏi toan tính thành lập liên minh, như cách mà các nhà lãnh đạo EU đã làm năm 2000, khi cựu lãnh đạo ÖVP Wolfgang Schuessel bắt tay với lãnh đạo FPÖ lúc đó là ông Joerg Haider. Châu Âu thậm chí đã trừng phạt chính phủ liên minh ÖVP/FPÖ vì quan điểm cực hữu.
“Đó là một trường hợp đặc biệt nhưng giờ mọi người chẳng sợ trừng phạt nữa”, cây bút bình luận của tờ báo Áo Der Standard, ông Christoph Prantner nhận định. “Giờ đây chúng ta có một môi trường chính trị hoàn toàn khác, không chỉ ở Áo mà toàn bộ châu Âu và có sự hiện diện rất lớn của cánh hữu trên chính trường. Chúng ta đang tiến tới một thực tiễn mới khi những vấn đề như thế trở nên bình thường”./.
Diệu Hương/VOV.VN