Các nhà chức trách đang giám sát cẩn thận các cửa hàng hải sản trong khu chợ vốn là trung tâm đợt bùng phát dịch Covid-19 tại Bắc Kinh. Theo một số chuyên gia thì đợt bùng phát này có những tương đồng nhất định với tình hình ở Vũ Hán khi đại dịch bắt đầu bùng phát vào cuối năm ngoái.
Wu Zunyou, nhà dịch tễ học hàng đầu tại Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Trung Quốc (CDC) đã cung cấp các thông tin chi tiết hôm 18/6, điều tra về các ca bệnh gần đây nhất, hầu hết đều có liên quan đến chợ Tân Phát Địa.
Cách đây 1 tuần, thủ đô của Trung Quốc đã ghi nhận ngày thứ 55 không có ca mắc trong cộng đồng. Tuy nhiên, tính đến ngày 17/6, nước này đã có 158 ca mắc Covid-19 mới.
Tân Phát Địa nhanh chóng trở thành trung tâm bùng phát dịch bệnh sau khi bệnh nhân mắc Covid-19 đầu tiên mua cá ở đây và sau đó ngày càng có nhiều trường hợp mắc Covid-19 liên quan đến khu chợ ở quận Phong Đài này.
Các điều tra viên đã xem xét các trường hợp mắc bệnh dựa trên nghề nghiệp và thời gian mắc bệnh, cùng với những người bán hàng rong trong khu chợ.
Chợ Tân Phát Địa ở Bắc Kinh, Trung Quốc đóng cửa sau khi ghi nhận một loạt ca Covid-19 liên quan đến địa điểm này. Ảnh: Reuters
"Hầu hết những người buôn bán hải sản đều bị mắc bệnh, sau đó là những người bán thịt cừu và thịt bò. Những người bán hải sản có các triệu chứng sớm hơn so với những người khác", chuyên gia Wu cho biết.
Nhà dịch tễ học hàng đầu này cũng nói rằng các mẫu môi trường được lấy từ khu chợ này cho thấy các khu vực bán hải sản, thịt cừu và thịt bò có nhiều mối liên hệ với virus SARS-CoV-2 hơn là những nơi khác.
"Những phát hiện này nhắc chúng tôi nhớ về đợt bùng phát dịch Covid-19 đầu tiên ở Vũ Hán vào năm ngoái, vốn xảy ra ở chợ hải sản Hoa Nam", chuyên gia này cho biết, đồng thời nhận định tâm điểm cuộc điều tra chợ Hoa Nam là các cửa hàng bán động vật hoang dã mặc dù những người bán hải sản ở ngay bên cạnh họ.
Hồi tháng 1/2020, sau khi các ca mắc đầu tiên được phát hiện ở thành phố Vũ Hán và có liên quan đến chợ Hải sản Hoa Nam, CDC Trung Quốc đã phát hiện hầu hết các ca dương tính với SARS-CoV-2 ở khu vực phía tây, nơi các loài động vật hoang dã và thủy hải sản được bán.
Ông Wu cho biết việc so sánh các thông tin về 2 cuộc điều tra ở Vũ Hán và Bắc Kinh đã cung cấp "một hướng đi nhằm phát hiện bí ẩn" về dịch Covid-19.
Có sự liên hệ giữa hải sản tươi sống với sự lây lan Covid-19?
"Hải sản có liên quan đến các sản phẩm đông lạnh và chứa nhiều nước, trong khi nhiệt độ thấp và độ ẩm cao là môi trường phù hợp để virus SARS-CoV-2 tồn tại. Chúng ta cần nghiên cứu thêm về việc tại sao các cửa hàng này lại trở thành trung tâm lây nhiễm dịch bệnh", chuyên gia Wu cho biết.
Dirk Pfeiffer, giáo sư tại Trường Thú y Đại học Hong Kong cũng cho rằng cần có nhiều nghiên cứu hơn về vấn đề này bởi cá được cho là thiếu các thụ thể cần thiết để virus có thể lây nhiễm.
"Tuy nhiên thịt cá có thể bị con người làm nhiễm bệnh trong quá trình xử lý và có lẽ có một số nhân tố trong quy trình xử lý liên quan đến cá, chẳng hạn như đá để làm lạnh hoặc việc sử dụng một lượng nước nhất định cũng có thể đóng vai trò nào đó", Pfeiffer nhận định, song cũng cho rằng việc này cần có thêm nhiều nghiên cứu để xác minh.
Hồi tháng 4, một nhóm các nhà khoa học, trong đó bao gồm các chuyên gia từ Tổ chức Nông nghiệp và Thực phẩm của Liên Hợp Quốc, đã kết luận rằng virus SARS-CoV-2 không thể lây nhiễm trong các loại thực phẩm thủy hải sản và các thực phẩm này không đóng bất kỳ vai trò nào trong quá trình lây nhiễm sang con người.
Tuy nhiên, các chuyên gia này cũng khẳng định rằng các loài động vật dưới nước và các sản phẩm liên quan vẫn có nguy cơ bị nhiễm virus SARS-CoV-2, đặc biệt khi được người mắc Covid-19 xử lý. Do đó việc chế biến và vệ sinh thực phẩm đúng cách là điều cần thiết để ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh lây lan.
Các bài báo từ các kênh truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết virus SARS-CoV-2 được phát hiện trên thớt thái cá hồi nhập khẩu ở chợ Tân Phát Địa.
Ngay sau đó, sự việc trên đã khiến Trung Quốc ngừng nhập khẩu từ các nhà cung cấp ở châu Âu và các siêu thị lớn trong thành phố Bắc Kinh đã bỏ loại cá này khỏi các gian hàng.
Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cho biết hiện vẫn chưa chắc chắn liệu nguồn khởi phát của dịch bệnh gần đây nhất này là từ các phân tử virus bám trên các bề mặt hay từ người mắc bệnh đã vô tình mang virus vào khu chợ.
Trong khi đó, trong hướng dẫn mới nhất nhằm ngăn dịch Covid-19 được ban hành ngày 18/6, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc khuyến cáo mọi người không nên rửa bất kỳ loại thịt nào dưới vòi nước để tránh làm bắn ra môi trường xung quanh. Tài liệu này cũng nói rằng mọi người nên rửa kỹ tay bằng xà phòng và nước nóng sau khi chạm vào thịt sống, các sản phẩm gia cầm và thủy hải sản cũng như không nên đưa tay lên mắt, mũi, miệng sau khi mua hoặc chạm vào thực phẩm tươi sống./.
Kiều Anh
Theo SCMP/ VOV