Reuters, dẫn theo nghiên cứu mới nhất của một viện nghiên cứu Singapore chỉ ra rằng chính quyền Trung Quốc đang khuyến khích các doanh nghiệp nhà nước của họ đẩy mạnh khai thác kinh tế trên biển Đông và các doanh nghiệp này ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong việc chiếm lĩnh vùng biển chiến lược tại Đông Nam Á.

Nghiên cứu của học giả Xue Gong của Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, Singapore và do Viện ISEAS Yusof Ishak, Singapore công bố tuần này đã làm sáng tỏ một yếu tố ít được đánh giá trong căng thẳng đang gia tăng trên tuyến hàng hải thương mại quan trọng, đó là các doanh nghiệp quốc doanh quy mô lớn của Trung Quốc đang đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng, ngành du lịch, cũng như thăm dò khai thác dầu mỏ, khí đốt trong những khu vực có tranh chấp nóng bỏng.

Một số chuyên gia và các nhà ngoại giao khu vực cho rằng sự hiện diện thương mại mạnh mẽ này có thể làm phức tạp thêm bất kỳ giải pháp giải quyết tranh chấp biển Đông nào mà Bắc Kinh có thể tham gia khi chế độ này cho thấy họ đã khuyến khích các doanh nghiệp hoạt động và bảo vệ những hoạt động kinh tế này cả về mặt chính trị và quân sự.

Học giả Xue Gong trao đổi với Reuters rằng các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc đã hoạt động trong môi trường phức tạp và thường không minh bạch, và tìm kiếm các cơ hội mới ở đây trên cơ sở phục vụ lợi ích chiến lược quốc gia.

“Họ không thể hoạt động độc lập, nhưng cuối cùng họ là những người có cơ hội và khi môi trường chính sách thuận lợi, thì họ sẽ nắm bắt lấy. Và chúng ta đã nhìn thấy dấu hiệu về cách hành xử đó tại biển Đông”, ông Xue Gong nói.

Học giả của Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, Singapore cho biết thêm: “Nếu chính quyền Trung Quốc có thể duy trì thế cửa trên và giữ đòn bẩy [ở biển Đông], trong khi đạt được sự ổn định [trong nước], có thể có nhiều cơ hội lớn hơn nữa [cho các doanh nghiệp nhà nước] của họ”.

42 1 Trung Quoc Khuyen Khich Doanh Nghiep Nha Nuoc Chiem Linh Bien Dong

Hình ảnh công trình mà Trung Quốc xây dựng trên một đảo nhân tạo ở Trường Sa. (Ảnh qua Reuters)

Mặc dù nghiên cứu của ông Xue Gong lưu ý rằng việc thu thập thông tin tài chính là khó khăn, nhưng báo cáo này cũng chỉ ra rằng việc Trung Quốc chuyển đổi 7 bãi đá ngầm và rạn san hô trên quần đảo Trường Sa thành các hòn đảo nhân tạo là nỗ lực tốn kém hàng tỷ USD.

Nghiên cứu dẫn theo ước tính của truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết riêng việc xây dựng Đá Chữ Thập với đường băng dài 3km và nhiều cơ sở quân sự như hệ thống tên lửa và radar, tiêu tốn khoảng 11 tỷ USD.

Việc Trung Quốc đang tiếp tục bồi đắp, xây dựng 7 hòn đảo nằm sâu trong trung tâm tuyến hàng hải biển Đông là cảnh báo rõ ràng cho Mỹ và các cường quốc khác trong khu vực.

Chế độ Trung Quốc đưa ra yêu sách đường chín đoạn bao phủ phần lớn biển Đông, chồng lấn lên các vùng biển, đảo mà cả Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan đều tuyên bố chủ quyền.

Đẩy mạnh lấn chiếm biển Đông

Nghiên cứu của ông Xeu Gong chỉ ra cách Tập đoàn Xây dựng Giao thông Trung Quốc (CCCC) và các công ty thành viên của doanh nghiệp này đã nắm bắt các chính sách do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ủng hộ trong năm 2012 để mở rộng khả năng hàng hải quốc gia thông qua biển Đông. Một trong các cách thức mà CCCC thực hiện là phát triển nhiều tàu nạo vét lớn nhất thế giới.

Theo Sở giao dịch chứng khoán Hồng Kông, CCCC đã có kế hoạch niêm yết riêng công ty hoạt động nạo vét biển của họ tại sàn chứng khoán Hồng Kông năm 2015, nhưng sau đó đơn yêu cầu của doanh nghiệp này đã hết hiệu lực.

CCCC đã thành lập các đơn vị mới tập trung vào Hoàng Sa, quần đảo mà Trung Quốc tranh chấp với Việt Nam, nhắm vào mở rộng phát triển du lịch, hậu cần vận tải, đánh bắt cá, cũng như tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng.

Nghiên cứu cho biết CCCC đã dành 15 tỷ USD cho hoạt động đầu tư vào nhiều lĩnh vực – một kế hoạch “bắt nguồn từ thực tế là nó đã được hưởng lợi từ việc cải tạo đảo ở biển Đông một cách lặng lẽ thông qua việc thực hiện các nhiệm vụ quốc gia”.

CCCC cũng phối hợp với các doanh nghiệp nhà nước khác, trong đó có Tập đoàn Dịch vụ Du lịch Trung Quốc (CTSG) để phát triển tàu du lịch mới và khai thác du lịch trên Hoàng Sa sau khi lãnh đạo Trung Quốc vào năm 2012 đã vượt qua những động thái dè dặt trước đó để khuyến khích khai thác kinh tế trên quần đảo này.

Theo phát ngôn của Cục An toàn Hàng hải Hải Nam hồi tháng 1/2018, hơn 70.000 du khách đã tới thăm quần đảo Hoàng Sa trên 4 chuyến tàu du lịch từ khi tuyến du lịch này chính thức mở cửa vào tháng 4/2013.

Trong năm 2017, khoảng 680 chuyến bay thương mại đã hạ cánh xuống sân bay đã được mở rộng tại Đảo Phú Lâm, Trường Sa – hòn đảo mà bây giờ Trung Quốc đã cải tạo trở thành trung tâm hành chính của thành phố họ gọi là Tam Sa, kiểm soát các hoạt động trên biển Đông.

Tăng cường khai thác dầu khí

Nghiên cứu của ông Xue Gong cũng nêu chi tiết cách Tập đoàn Dầu khí ngoài khơi Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) vận động ảnh hưởng chính trị cho các khoản đầu tư và sự tham gia lớn hơn của Trung Quốc vào biển Đông từ một thập kỷ trước.

CNOOC sau đó đã dành 32 tỷ USD cho hoạt động thăm dò dầu khí và xây dựng một giàn khoan nước sâu khổng lồ. Năm 2014, Trung Quốc đã đưa giàn khoan này vào vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam và đã gặp phải sự phản kháng mạnh mẽ của người dân khắp đất nước có cùng chế độ với chính quyền Trung Quốc.

Theo hồ sơ quý I trên sàn chứng khoán Hồng Kông của CNOOC Ltd, đơn vị chịu trách nhiệm tất cả các hoạt động thăm dò và sản xuất kinh doanh của tập đoàn CNOOC, thị phần khai thác tại biển Đông trong tổng số sản lượng dầu mỏ và khí đốt của tập đoàn tăng lên 45%, từ 43% năm ngoái. Sản lượng tại khu vực này đứng thứ hai trong tập đoàn, chỉ xếp sau các hoạt động khai thác tại Bohai, vùng biển ngoài khơi miền bắc Trung Quốc.

Báo cáo thường niên mới nhất của CNOOC liệt kê 8 mỏ mới phát hiện tại biển Đông. Năm 2017, CNOOC cũng phát hiện tổng cộng 19 mỏ mới ở vùng biển ngoài khơi Trung Quốc.

Ông Xue Gong lưu ý rằng một số doanh nghiệp như CNOOC “dường như khéo léo và hiệu quả hơn trong việc huy động các nguồn lực để tác động đến chính sách nhà nước, trong khi một số doanh nghiệp khác như các công ty trong ngành du lịch chỉ hưởng ứng [mở rộng kinh doanh trên biển Đông] khi nhà nước cung cấp các ưu đãi”.

Trong một tuyên bố gửi tới Reuters, CNOOC Ltd nói rằng họ đã có chiến lược phát triển vùng nước sâu tại biển Đông và đã lên kế hoạch mở rộng đầu tư vào hoạt động thăm dò và khai thác tại đây trong tương lai.

“Tất cả các công ty dầu mỏ và khí đốt trên toàn cầu đều được hoan nghênh tới cùng đầu tư và hoạt động tại ngoài khơi Trung Quốc và gặt hái thành công cùng với chúng tôi”, CNOOC Ltd nói.

Một loạt các công ty khác của nhà nước Trung Quốc được cho là đang để mắt tới các hoạt động ở biển Đông, từ các chương trình năng lượng mới, tới viễn thông, đánh bắt cá và ngân hàng.

Ông Ian Storey, chuyên gia về biển Đông tại Viện ISEAS, Singapore nói nghiên cứu của ông Xue Gong chỉ ra rằng “Bắc Kinh đang khuyến khích các công ty trở thành những nhân vật chính trên biển Đông”.

“Đây là điều Trung Quốc có thể làm mà những bên tranh chấp khác không thể làm, đặc biệt là về quy mô lớn thế này”, ông Storey nói.

Chuyên gia của Viện ISEAS nhấn mạnh: “Tranh chấp này hoàn toàn chưa tiến gần tới giải pháp, dù là giải pháp pháp lý hay chính trị và vai trò của các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc càng làm nổi bật điều này”.

Reuters đã liên lạc với Bộ Ngoại giao Trung Quốc để yêu cầu bình luận về nghiên cứu mới công bố của ông Xue Gong, nhưng không nhận được phản hồi.

Nguồn: Xuân Thành

Reuters, Tri thức Việt Nam




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC