Trong ảnh: Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 16/6/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN
Trong đó, Mỹ vẫn là nước có số ca mắc nhiều nhất toàn cầu, lên tới 2.207.698 người (tăng 133.031 trường hợp). Đứng thứ hai là Brazil, với 923.189 trường hợp (tăng 31.633 trường hợp). Nga đứng ở vị trí thứ ba với 545.458 trường hợp (tăng 8.248 trường hợp).
Châu Á
Thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc đã nâng mức ứng phó khẩn cấp với đại dịch Covid-19 từ cấp độ III lên cấp độ II. Các trường học trên toàn thành phố Bắc Kinh sẽ đóng cửa. Các lớp học chuyển sang hình thức giảng dạy trực tuyến, trong khi kế hoạch nối lại hoạt động học tập của các sinh viên đại học sẽ bị đình chỉ.
Bắc Kinh cũng đề nghị người dân ngừng các hoạt động đi lại không cần thiết ra khỏi thành phố và cấm người dân sinh sống ở những khu vực có mức độ "rủi ro trung bình và cao" rời khỏi địa phương này. Bất cứ người nào rời Bắc Kinh đều phải có kết quả xét nghiệm axit nucleic âm tính, được thực hiện trong vòng 7 ngày trước chuyến đi.
Trung Quốc cho biết đã ghi nhận thêm 40 ca mới, trong đó 32 ca lây nhiễm trong nước và 8 ca từ nước ngoài nhập cảnh. Trong tổng số ca lây nhiễm trong nước, 27 ca được ghi nhận tại thủ đô Bắc Kinh, 4 ca tại tỉnh Hà Bắc và 1 ca tại tỉnh Tứ Xuyên.
Tại Hàn Quốc, với 34 ca nhiễm mới được phát hiện, tổng số ca mắc Covid-19 tại nước này đã tăng lên 12.155 ca. Như vậy, Hàn Quốc trong 3 ngày liên tiếp ghi nhận số ca nhiễm mới dưới 40 ca. Trong số ca nhiễm mới được ghi nhận, có 21 ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Dịch bệnh cũng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt tại hai nước Nam Á là Ấn Độ và Bangladesh. Ấn Độ ghi nhận thêm hơn 11.000 ca dương tính với SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm lên 354.161 người. Tại Bangladesh, tổng số ca mắc Covid-19 đã tăng lên 94.481, thêm 3.862 trường hợp - mức nhiễm mới trong ngày cao nhất từ trước đến nay ở nước này.
Singapore xác nhận thêm 151 ca mới, mức thấp nhất trong ngày kể từ ngày 8-4. Nước này đã công bố các quy định mới về xuất nhập cảnh, áp dụng từ ngày 18-6. Theo đó, người nhập cảnh Singapore từ 10 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam, sẽ không còn phải thực hiện cách ly 14 ngày tại các cơ sở được chỉ định.
Châu Âu
Theo báo The Guardian (Anh), Dexamethasone – một loại steroid giá rẻ - đã trở thành phương pháp điều trị cứu sống bệnh nhân trong đại dịch Covid-19 và được các nhà khoa học mô tả là một bước đột phá lớn, nâng cao hy vọng sống sót của hàng ngàn người bệnh nặng nhất. Dexamethasone có sẵn tại bất kỳ hiệu thuốc nào và có thể dễ dàng điều chế ở bất cứ đâu trên thế giới. Chính phủ Anh cũng đã phê duyệt ngay lập tức việc sử dụng Dexamethasone trong phương pháp điều trị tiêu chuẩn đối với bệnh nhân Covid-19.
Romania đã chính thức kích hoạt giai đoạn 3 nới lỏng hạn chế, cho phép các trung tâm thương mại, các sòng bài, bể bơi ngoài trời và trung tâm thể hình mở cửa trở lại.
Tương tự, thủ đô Lisbon (Bồ Đào Nha) cũng bắt đầu cho phép các trung tâm thương mại và cửa hàng lớn mở cửa trở lại khi thành phố bước vào giai đoạn 3 nới lỏng hạn chế. Thành phố này bắt đầu giai đoạn 3 chậm hơn dự kiến 2 tuần do số ca nhiễm mới cao hơn những địa phương còn lại trên cả nước.
Tại Áo, lệnh bắt buộc đeo khẩu trang khi đi mua sắm đã được dỡ bỏ khi cả nước bước vào giai đoạn nới lỏng tiếp theo - giảm các quy định bắt buộc và khuyến khích người dân tự giác bảo vệ sức khỏe. Hoạt động kinh doanh tại quốc gia này đã gần như trở lại mức bình thường.
Châu Mỹ
Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) cảnh báo châu lục này đang nhanh chóng tiếp cận mốc 4 triệu người mắc Covid-19, với hai nước dẫn đầu là Mỹ và Brazil, chiếm tỷ lệ lần lượt là 54% và 23% tổng số ca mắc trong khu vực. Giám đốc PAHO cũng bày tỏ lo ngại về sự gia tăng các ca bệnh tại khu vực biên giới các nước Mỹ Latinh, như giữa Costa Rica và Nicaragua hay giữa Cộng hòa Dominicana và Haiti, cũng như các vùng biên giới thuộc Amazon, nơi ngăn cách Brazil, Venezuela và Colombia và biên giới giữa Peru, Brazil và Colombia.
Theo PAHO, các vùng biên giới tại khu vực Mỹ Latinh là nơi có nhóm dân số dễ bị tổn thương nhiều nhất, bao gồm người bản địa và người di cư, những đối tượng thường xuyên phải di chuyển để tìm kiếm việc làm. Người dân tại các khu vực này cũng thiếu thốn về cơ sở hạ tầng, dịch vụ y tế yếu kém và khả năng tiếp cận bệnh viện hạn chế.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết, lệnh đóng cửa biên giới giữa Canada và Mỹ sẽ tiếp tục được kéo dài tới ngày 21-7. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh số ca nhiễm tại Mỹ đã vượt mốc 2 triệu và số ca nhiễm mới ở một số bang ở nước này tiếp tục tăng. Trong khi đó, Mexico và Mỹ cũng thống nhất kéo dài lệnh hạn chế đi lại không cần thiết qua biên giới chung thêm 30 ngày.
Nguồn: Hoàng Linh/ hanoimoi.com.vn