Trung Quốc và Nga muốn xây dựng cơ sở nghiên cứu trên Mặt trăng - Ảnh: AFP
CNSA và Roscosmos cho biết họ đã ký thỏa thuận để phát triển "một tổ hợp các cơ sở nghiên cứu thử nghiệm trên bề mặt và/hoặc trong quỹ đạo của Mặt trăng".
CNSA cho biết dự án "mở cửa cho tất cả các quốc gia quan tâm và các đối tác quốc tế". Các chuyên gia cho rằng đây sẽ là dự án hợp tác không gian quốc tế lớn nhất của Trung Quốc cho đến nay.
Chen Lan, một nhà phân tích độc lập chuyên về chương trình không gian của Trung Quốc, cho biết trạm vũ trụ chung trên Mặt trăng là "một vấn đề lớn".
"Đây là dự án hợp tác không gian quốc tế lớn nhất đối với Trung Quốc, vì vậy nó rất quan trọng", Lan nói.
Ông Dmitry Rogozin, giám đốc Roscosmos, cho biết ông đã mời giám đốc CNSA là Zhang Kejian tham dự lễ phóng tàu đổ bộ hiện đại Luna 25 lên Mặt trăng, dự kiến diễn ra vào ngày 1-10. Đây là tàu đổ bộ Mặt trăng đầu tiên của Nga kể từ năm 1976.
Nga đã đưa người đầu tiên vào vũ trụ nhưng vào thời hậu Xô viết, nước Nga bị Trung Quốc và Mỹ làm cho lu mờ, theo Hãng tin AFP. Cả hai nước này đều có những bước tiến lớn trong khám phá và nghiên cứu không gian.
Năm nay Nga kỷ niệm 60 năm chuyến bay có phi hành đoàn đầu tiên, là chuyến bay đã đưa Yuri Gagarin vào không gian vào tháng 4-1961. Sau đó 2 năm là chuyến bay đưa người phụ nữ đầu tiên vào vũ trụ, Valentina Tereshkova.
Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) thực hiện chuyến bay vào vũ trụ sau Nga 1 tháng với phi hành gia Alan Shepard.
Matxcơva và Washington cũng đang hợp tác trong lĩnh vực vũ trụ. Tuy nhiên, Nga không ký Hiệp ước Artemis do Mỹ đề xuất. Theo chương trình Artemis được công bố vào năm 2020 trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump, NASA có kế hoạch đưa người phụ nữ đầu tiên và người đàn ông tiếp theo lên Mặt trăng vào năm 2024.
Trung Quốc vào năm 2020 đã phóng tàu thăm dò Thiên Vấn 1 (Tianwen-1), hiện đang quay quanh sao Hỏa. Vào tháng 12-2020, tàu Hằng Nga 5 của Trung Quốc trở về an toàn sau sứ mệnh khám phá Mặt trăng, đem khoảng 2kg đá từ hành tinh này về Trái đất.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online