Vấn đề địa chính trị số một…
Lên nắm quyền trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 hoành hoành, nền kinh tế toàn cầu đang bị suy thoái và một nước Mỹ bị chia rẽ sâu sắc, Tổng thống Joe Biden sẽ có rất nhiều nhiệm vụ phải đảm đương.
Và thách thức lớn nhất trên trường quốc tế sẽ là quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc, chuyên gia Dan Yergin - Phó Chủ tịch hãng tư vấn HIS Markit nhận xét. Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới mâu thuẫn về ý thức hệ, cạnh tranh về năng lực quân sự và quyền lực. Sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế và ảnh hưởng của cả Mỹ, Trung Quốc với phần còn lại thế giới khiến các nguy cơ rủi ro ngày càng gia tăng.
“Vấn đề địa chính trị số một là mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc”, ông Dan Yergin phát biểu với CNBC tại Diễn đàn năng lượng toàn cầu của Hội đồng Atlantic, diễn ra vào ngày 19/1 theo hình thức trực tuyến.
“Liệu đó có phải là một cuộc chiến tranh Lạnh mới không? Nó không giống như cuộc chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô bởi vì hai nền kinh tế này quá phụ thuộc vào nhau. Chúng ta sẽ nhận thấy nhiều quốc gia khác đang lo ngại về việc phải chọn bên”.
Theo chuyên gia Dan Yergin, các nhà lãnh đạo tại Đông Nam Á, Trung Đông và Mỹ Latin đã tỏ ra lo ngại và phản đối việc bị mắc kẹt trong cuộc cạnh tranh giữa hai cường quốc trên thế giới.
“Tôi cho rằng đây sẽ là một quá trình phức tạp vì có nhiều yếu tố đan xen”, ông Dan Yergin nói.
Các nhân vật mà Tổng thống Biden đề cử giữ những chức vụ quan trọng trong chính quyền mới đã không ngần ngại bày tỏ lập trường cứng rắn với Trung Quốc. Trong phiên điều trần xác nhận tại Thượng viện ngày 20/1, ông Antony Blinken – người được đề cử giữ vị trí Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh, Tổng thống Trump đã đúng khi thực hiện cách tiếp cận cứng rắn với Trung Quốc, nhưng nói thêm rằng ông không ủng hộ các biện pháp mà ông Trump đã thực hiện. Ông Antony Blinken khẳng định, Trung Quốc đã đặt ra thách thức quan trọng nhất đối với Mỹ.
Ông Biden cho biết sẽ giữ nguyên mức thuế hiện tại của Mỹ với Trung Quốc. Ảnh: CNBC
Nhiều chính sách của ông Trump đối với Trung Quốc, trong đó có việc phát động một cuộc chiến thương mại đã gây ảnh hưởng đến tăng trưởng toàn cầu, tác động đến các doanh nghiệp, các ngành công nghiệp trên toàn thế giới và đẩy quan hệ giữa hai nước rơi xuống mức thấp nhất kể từ Chiến tranh Lạnh. Chính quyền của ông cũng cấm một số công ty Trung Quốc kinh doanh ở Mỹ với lý do lo ngại về vấn đề an ninh.
Trung Quốc điều chỉnh nhân sự tham gia đàm phán với Mỹ
Bất chấp những căng thẳng trong quan hệ song phương suốt 4 năm qua, một số nhà phân tích cho rằng chính quyền Tổng thống Biden sẽ sớm nối lại việc tiếp xúc với Bắc Kinh và hai bên thậm chí có thể quay trở lại bàn đàm phán.
Để chuẩn bị cho kịch bản này, Trung Quốc đã có sự điều chỉnh nhân sự mới nhất trong Bộ Thương mại, đặc biệt là bộ phận cốt lõi phụ trách các cuộc đàm phán với Mỹ. Tuần trước, Trung Quốc đã bổ nhiệm Thứ trưởng Thương mại Yu Jianhua, 60 tuổi, làm trưởng đoàn đàm phán thương mại quốc tế - một vị trí đã bị bỏ trống kể từ khi chiến tranh thương mại nổ ra vào năm 2018. Thứ trưởng Thương mại Zhang Xiangchen cũng được bổ nhiệm làm phó trưởng đoàn đàm phán thương mại quốc tế.
Ông Zhang Monan, chuyên gia tại Trung tâm Trao đổi Kinh tế Quốc tế của Trung Quốc cho biết: “Trung Quốc cần những quan chức dày dặn kinh nghiệm để nâng cao sức mạnh của nước này trong các cuộc đàm phán . Trung Quốc hiện đang chủ động, thay vì phản ứng một cách thụ động. Việc bổ nhiệm nói trên không chỉ dành cho các cuộc đàm phán Mỹ-Trung, mà còn có thể phát triển các quy tắc đa phương”.
Theo ông Zhang Monan, ưu tiên cho các cuộc đàm phán với Mỹ sẽ là bình thường hóa quan hệ kinh tế và thương mại, tập trung vào các tiêu chuẩn cao và việc thực hiện những quy tắc. Trong năm qua, Bắc Kinh đã cố gắng tránh những tình huống xấu nhất có thể dẫn đến một cuộc Chiến tranh Lạnh mới với Washington và tránh sự chia cắt giữa hai nền kinh tế.
Song một số ý kiến đánh giá, trong giai đoạn đầu của nhiệm kỳ tổng thống, ông Biden dự kiến tập trung giải quyết các vấn đề trong nước, đặc biệt là kiểm soát dịch bệnh Covid-19 và ban hành các chính sách hỗ trợ nền kinh tế, vì thế, việc tiếp xúc với Trung Quốc có thể không được ưu tiên.
“Các chương trình nghị sự trong nước của họ rất khẩn thiết và rộng lớn, còn đàm phán với Trung Quốc là một trách nhiệm về chính trị. Vì thế sẽ chẳng có ích lợi gì nếu đội ngũ của ông Biden nhanh chóng tiếp cận với Trung Quốc ở giai đoạn này”, Derek Scissors, một thành viên của Viện Doanh nghiệp Mỹ nhận xét.
Giữ nguyên cách tiếp cận nhưng thay đổi chiến lược
Tổng thống Joe Biden từng công bố ý định buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm với cáo buộc làm lây lan dịch bệnh Covid-19. Nhà lãnh đạo này cho biết, ông sẽ giữ nguyên mức thuế hiện tại với Trung Quốc, đồng thời không thay đổi ngay lập tức thỏa thuận thương mại giai đoạn một mà hai bên đã ký dưới thời ông Trump. Cùng với đó, tân tổng thống Mỹ cũng phát triển kế hoạch chiến lược nhằm kiềm chế Trung Quốc thông qua việc hợp tác đối với đồng minh. Không giống như người tiền nhiệm, Tổng thống Biden luôn tin tưởng vào một liên minh đa phương với sự tham gia của các đồng minh cùng chí hướng để chống lại những gì mà họ coi là mối đe dọa và hành vi thương mại thiếu công bằng của Trung Quốc.
Theo giới phân tích, ông Biden được cho là sẽ duy trì quan điểm cứng rắn với Trung Quốc nhưng chiến lược của ông sẽ có sự khác biệt đáng kể so với người tiền nhiệm.
Bất kể sự khác biệt đó là gì thì rủi ro vẫn ở mức cao đặc biệt khi nói đến điểm nóng là Biển Đông – nơi cả Mỹ và Trung Quốc đã tăng cường sự hiện diện quân sự thời gian gần đây. Chuyên gia Dan Yergin đánh giá: “Nguy cơ xung đột ở Biển Đông là rất rõ ràng”.
“Mỗi ngày có rất nhiều tàu thuyền thương mại hoạt động trên Biển Đông. Vì thế những diễn biến xảy ra trong khu vực này rất quan trọng. Đây là nơi mà Mỹ và Trung Quốc tăng cường sự hiện diện quân sự. Do đó hậu quả sẽ khó lường nêu các bên để xảy ra những tính toán sai lầm”, ông Dan Yergin đánh giá và cho biết thêm: “Rất quan trọng để hiểu bản chất sự xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc cũng như sự khác biệt giữa các bên ”./.
Hồng An
Theo CNBC, SCMP
Nguồn: vov.vn