Bắc Kinh tuyên bố đáp trả hành động đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston của Mỹ, nhưng chắc chắn không muốn "đoạn tuyệt" với Washington.

Hai tuần trước, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị kêu gọi Mỹ không đưa quan hệ hai nước tiến sát bờ vực đổ vỡ và tìm cách hợp tác trên các lĩnh vực lợi ích chung. Chỉ vài ngày sau, trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Sergey Lavrov ngày 17/7, ông Vương Nghị nói Mỹ "mất trí".

Câu hỏi đặt ra lúc này là Trung Quốc có thể làm gì với Mỹ. Trung Quốc hôm nay đã yêu cầu đóng Tổng lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên, để đáp trả việc Mỹ. Keith Bradsher và Steven Lee Myers, hai biên tập viên của NYTimes, nhận định trước các đòn tấn công ngày càng mở rộng của chính quyền Tổng thống Donald Trump, giới lãnh đạo Trung Quốc sẽ khó có thể "đáp trả" quyết liệt và "đoạn tuyệt" quan hệ với Mỹ.

"Nếu điều đó xảy ra, nó có thể khiến Trung Quốc bị cô lập nhiều hơn vào thời điểm Bắc Kinh xảy ra xung đột với nhiều nước, như Ấn Độ, Anh, Canada, Australia. Nó cũng có thể tổn hại nền kinh tế Trung Quốc, vốn chịu nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng từ đại dịch và suy thoái toàn cầu", Keith Bradsher và Steven Lee Myers nói trong bài bình luận trên NYTimes hôm 23/7.

42 1 Trung Quoc Tien Thoai Luong Nan Dap Tra My

Chủ tịch Tập Cận Bình đến Rome trong chuyến thăm châu Âu hồi tháng 3/2019. Ảnh: AFP.

Yêu cầu đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston trong 72 giờ hôm 21/7 chỉ là hành động mới nhất của chính quyền Trump "chọc giận" quan chức ở Bắc Kinh. Trong nhiều tuần qua, chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình liên tiếp hứng nhiều chiến lược tăng cường chống lại công ty Huawei, các lệnh trừng phạt nhắm vào quan chức giám sát Hong Kong và Tân Cương, cũng như nhiều cáo buộc Trung Quốc "đánh cắp" các bí mật thương mại, quân sự và cả y tế.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói việc Mỹ cáo buộc lãnh sự quán ở Houston hoạt động gián điệp là "vu khống hiểm độc" và cảnh báo sẽ đáp trả.

"Việc Mỹ ra lệnh đóng cửa Tổng lãnh sự quán ở Houston vi phạm luật pháp quốc tế và quy tắc cơ bản của quan hệ quốc tế, làm tổn hại nghiêm trọng quan hệ Trung - Mỹ", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân nói trong buổi họp báo tại Bắc Kinh ngày 23/7. "Động thái này đã phá vỡ cây cầu hữu nghị giữa nhân dân Trung Quốc và Mỹ".

Động thái mới của Washington càng khiến làn sóng chống Mỹ lan rộng ở Trung Quốc và xuất hiện nhiều tiếng nói của phe diều hâu. Những người theo chủ nghĩa dân tộc kêu gọi chính phủ "ăn miếng trả miếng" với Washington và thậm chí xem xét đóng cửa Tổng lãnh sự quán Mỹ ở Hong Kong.

"Hãy khiến họ phải lo sợ", Hồ Tích Tiến, tổng biên tập Global Times (Thời báo Hoàn cầu), trang báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ám chỉ tới các nhà ngoại giao ở đại sứ quán và 6 lãnh sự quán Mỹ. Ông cũng cáo buộc cơ quan ngoại giao của Mỹ ở Hong Kong là "trung tâm tình báo". Tổng biên tập Global Times chỉ trích việc đóng cửa lãnh sự quán ở Houston là "hành động điên cuồng".

Tuy nhiên, quan chức cấp cao Trung Quốc có vẻ không muốn leo thang căng thẳng thêm nữa, bày tỏ quan ngại rằng Tổng thống Trump có thể làm bất kỳ điều gì cho tham vọng tái đắc cử, theo Bradsher và Myers. Cuộc đối đầu với Trung Quốc rõ ràng có thể "đánh lạc hướng" dư luận Mỹ khỏi phản ứng của Trump với đại dịch và cho phép ông nổi lên như nhà lãnh đạo chèo lái đất nước chống lại thế lực nước ngoài.

"Đây là chiến lược kinh điển để đánh lạc hướng và thôi thúc người dân ủng hộ tổng thống", Lau Siu-kai, cố vấn cấp cao của Bắc Kinh về vấn đề Hong Kong.

Song Bắc Kinh cũng không thể tỏ ra "lép vé" trước các đòn tấn công của Mỹ. Niềm tự hào dân tộc trỗi dậy sẽ yêu cầu lãnh đạo Trung Quốc phải cứng rắn khi đối mặt với thách thức từ bên ngoài.

"Trung Quốc cần bảo vệ danh dự và chủ quyền của mình", Shen Dingli, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Phúc Đán, Thượng Hải, nói.

Vương Văn Bân, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, trong cuộc họp báo hôm 23/7 nói rằng quan chức nước này nhận thức rõ ràng về tình thế "tiến thoái lưỡng nan" hiện tại.

"Chúng tôi không quan tâm tới việc can thiệp vào bầu cử Mỹ. Chúng tôi cũng hy vọng phía Mỹ không xem Trung Quốc như lá bài tranh cử", Vương nói và không quên cảnh báo chính quyền Trump. "Chúng tôi khuyên Mỹ không phạm sai lầm hết lần này tới lần khác, nếu không Trung Quốc chắc chắn sẽ có phản ứng phù hợp và cần thiết".

Căng thẳng leo thang với Washington cũng gây ra chia rẽ ở Bắc Kinh về cách đối phó với một cuộc đối đầu, thậm chí mở rộng và quyết liệt hơn những gì giới chức Trung Quốc dự kiến một tuần trước.

Trong bài phát biểu tại Thư viện Thư viện Nixon tại Yorba Linda, bang Washington, hôm 23/7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố chính quyền Trump sẽ tiếp tục thách thức Trung Quốc trên toàn cầu. Ông không đề cập tới bất kỳ vấn đề lợi ích hay điểm chung nào để hai bên tìm kiếm đối thoại xây dựng.

"Tôi kêu gọi lãnh đạo của tất cả quốc gia trên thế giới hãy bắt đầu làm theo cách của Mỹ, để đòi hỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc 'có đi có lại', minh bạch và trách nhiệm", Poempeo nói.

Ngay cả khi Mỹ đóng lãnh sự quán ở Houston, Trung Quốc vẫn giữ cam kết thỏa thuận thương mại giai đoạn một với Washington ký hồi tháng 1, theo nguồn tin thân cận với cơ quan chính sách của Bắc Kinh.

Nếu muốn làm tổn hại tới tham vọng tranh cử của Trump, Bắc Kinh có thể đình chỉ mọi giao dịch mua bán hàng hóa Mỹ theo thỏa thuận đạt được trước đại dịch. Điều này sẽ là đòn giáng vào nông dân Mỹ, những người nắm giữ lượng phiếu bầu quan trọng ở một số bang.

Tuy nhiên, cho đến giờ, Bắc Kinh vẫn tiếp tục mua số lượng lớn ngô, lúa mì, lúa miến và thịt lợn trong thời gian qua, theo Darin Friedrichs, chuyên gia về nông sản tại văn phòng công ty thương mại Chicago INTL FCStone, ở Thượng Hải.

Lãnh đạo Tập Cận Bình, người "cầm cân nảy mực" quyết định chiến lược với Mỹ, tới giờ vẫn chưa lên tiếng về căng thẳng leo thang trong quan hệ hai nước. Thậm chí khi thông tin về việc đóng cửa lãnh sự quán ở Houston tràn ngập các phương tiện truyền thông hôm 22/7, ông Tập vẫn đi thăm tỉnh Cát Lâm. Ngày hôm sau, ông tới thăm Đại học Phòng không Không quân và chỉ nói về lễ kỷ niệm của quân đội vào tháng 8.

"Ông Tập luôn là người trực tiếp điều chỉnh mọi chính sách của Bắc Kinh", Wu Qiang, nhà phân tích độc lập ở thủ đô Trung Quốc. "Ông ấy tự đạp chân ga và sau đó tự hãm chân phanh".

42 2 Trung Quoc Tien Thoai Luong Nan Dap Tra My

Tổng thống Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng sau cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung, hồi tháng 1. Ảnh: NYTimes.

Trung Quốc dường như bị bất ngờ trước sự xấu đi trong quan hệ với Mỹ. Trong bài phát biểu hôm 9/7, Ngoại trưởng Vương Nghị có vẻ đã vạch ra con đường để bình ổn quan hệ.

"Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhấn mạnh nhiều lần rằng chúng tôi có hàng nghìn lý do để khiến mối quan hệ Mỹ - Trung trở nên thành công và không có bất cứ điều gì để phá hỏng nó. Miễn là hai bên đều có thiện chí cải thiện và phát triển mối quan hệ, chúng tôi sẽ tìm cách đưa mối quan hệ thoát khỏi khó khăn và trở về đúng hướng", ông Vương nói.

Tuy nhiên, Bắc Kinh gần đây liên tục phải đối đầu Washington trên nhiều chiến tuyến mới và mới đây nhất là yêu cầu đóng cửa lãnh sự quán. Quan chức Trung Quốc bày tỏ phẫn nộ và xem đây là hành động khiêu khích, làm xói mòn quan hệ hai nước.

Tổng lãnh sự Trung Quốc tại Houston Thái Vĩ cho biết việc đóng cửa lãnh sự quán của Bắc Kinh ở Mỹ, mở cửa năm 1979 sau khi nối lại quan hệ song phương, đã gây tổn hại nghiêm trọng.

Trong những lần căng thẳng trước đây, hai lãnh đạo Trump và Tập đôi khi đã "xoa dịu" bất đồng bằng một buổi gặp mặt hay điện đàm dài. Tuy nhiên, giọng điệu của Washington với Bắc Kinh ngày càng gay gắt và Trump dường như không còn hứng thú làm dịu khủng hoảng.

"Thay vào đó, ông Tập có thể chủ động khởi xướng", Susan L. Shirk, chủ tịch Trung tâm Trung Quốc Thế kỷ 21 tại Đại học California, ở San Diego, cho hay. "Chủ tịch Trung Quốc có thể chứng minh thiện chí bằng cách mời Mỹ tham gia vào nỗ lực quốc tế để lên kế hoạch về việc thử nghiệm, sản xuất và phân phối công bằng vaccine Covid-19".

Các chính sách và giọng điệu cứng rắn của Washington cho thấy chính Mỹ, chứ không phải Trung Quốc, đang tạo ra thế đối đầu trong quan hệ song phương. "Tôi nghĩ ban đầu bạn có thể đổ lỗi cho người Trung Quốc vì thiếu hợp tác, nhưng giờ Mỹ dường như không hứng thú mở cánh cửa để sửa chữa sai lầm, bởi họ đang quay lưng lại với Bắc Kinh", Orville Schell, giám đốc Trung tâm Quan hệ Mỹ - Trung tại tổ chức Asia Society, Mỹ, nói.

Với hành động đối đầu Trung Quốc ngày càng mở rộng và sự ủng hộ của lưỡng đảng tăng dần, Schell cho rằng Bắc Kinh khó có thể hy vọng cải thiện quan hệ với Washington, ngay cả khi Joe Biden, đối thủ tranh cử của Trump, trở thành tổng thống Mỹ.

Thanh Tâm (Theo NYTimes)

 

Nguồn: VNEXPRESS.NET

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC