Bộ Quốc phòng Slovakia cho biết nước này sẵn sàng bán các tiêm kích MiG-29 sắp loại biên cho Ukraine.

1 Ukraine Dung Truoc Co Hoi Tang Cuong Suc Manh Cho Phi Doi Mig 29

Tiêm kích MiG-29 của Không quân Slovakia (Ảnh: Bộ Quốc phòng Slovakia).

Trong một thông báo của Bộ trưởng Quốc phòng Yaroslav Nagy, quân đội Slovakia xác nhận việc chuẩn bị loại biên 11 tiêm kích MiG-29 như là một phần trong quá trình hiện đại hóa lực lượng không quân nước này.

Chính phủ Slovakia khẳng định sẵn sàng chuyển giao các tiêm kích MiG-29 này cho Không quân Ukraine. Tuy nhiên, các tiêm kích này sẽ không được viện trợ cho Ukraine một cách miễn phí mà Kiev sẽ phải thanh toán một khoản tiền mặt cho Bratislava. Ước tính, một tiêm kích MiG-29 của Slovakia hiện có giá khoảng 35 triệu euro.

Theo kế hoạch, việc loại biên có thể được bắt đầu từ cuối tháng 8. Sau đó, không phận của Slovakia sẽ được bảo vệ bởi các máy bay chiến đấu của Cộng hòa Séc và Ba Lan cho đến khi Bratislava tìm được các tiêm kích thay thế.

Nhiều nguồn tin gần gũi với Bộ Quốc phòng Slovakia tiết lộ cơ quan này đã làm việc với các nhà thầu quốc phòng Mỹ để xem xét khả năng trang bị các máy bay chiến đấu F-16.

MiG-29 là một loại máy bay phản lực thế hệ thứ 4 do Liên Xô và Nga chế tạo và được thiết kế cho vai trò chiếm ưu thế trên không. Được phát triển từ đầu thập niên 70 của thế kỷ trước bởi Phòng thiết kế Mikoyan, nó bắt đầu đi vào hoạt động trong Không quân Liên Xô vào năm 1983, và tiếp tục được sử dụng bởi Không quân Nga cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine, Slovakia là một trong những quốc gia châu Âu viện trợ nhiều vũ khí nhất cho chính quyền của Tổng thống Volodymyr Zelensky. Hệ thống phòng không hiện đại S-300, pháo tự hành Zuzana 2 cỡ nòng 155mm, trực thăng Mi cùng hàng ngàn viên đạn pháo phản lực Grad đã được Bratislava cam kết viện trợ cho Kiev.

Theo Defense Express




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC