Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc khóa 79 ở New York ngày 22-9 - Ảnh: TTXVN
"Ngay lúc này đây, sự lựa chọn ở hiện tại sẽ định hình tương lai của chúng ta", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh tại Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai ở trụ sở Liên Hiệp Quốc tại New York trưa 22-9 (giờ Mỹ).
Lấy con người làm trung tâm
Là một trong những nguyên thủ quốc gia đầu tiên phát biểu, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh trước sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, mục tiêu phát triển bền vững của thế giới và lợi ích của con người phải được đặt ở vị trí trung tâm, là mục tiêu cao nhất của các nước. Thành tựu khoa học, công nghệ phải phục vụ tiến bộ xã hội, hướng về con người. Những thành tựu đó, theo người đứng đầu Đảng và Nhà nước Việt Nam, cũng cần thúc đẩy hợp tác, không trở thành công cụ chống lại các quốc gia, đi ngược lại khát vọng hòa bình, phát triển, công bằng và công lý của các dân tộc.
"Chúng tôi đề nghị tăng cường đẩy mạnh đầu tư nghiên cứu y học, giáo dục đào tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và các giải pháp để phục vụ quảng đại quần chúng nhân dân, giảm thiểu đầu tư nghiên cứu chế tạo các loại vũ khí hủy diệt với mục tiêu hòa bình, ổn định, phát triển bền vững, bình đẳng giữa các quốc gia, các dân tộc trên toàn thế giới", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nêu thông điệp.
Với các nước lớn, nhà lãnh đạo Việt Nam kêu gọi cần hành xử có trách nhiệm, phải chia sẻ thành tựu chung trong nghiên cứu khoa học công nghệ để cùng phát triển. Liên Hiệp Quốc, các tổ chức khu vực, trong đó có ASEAN, cần phải đi đầu trong sứ mệnh thúc đẩy hợp tác, phối hợp hành động trong ứng phó với các thách thức toàn cầu và tận dụng những cơ hội có được từ tiến bộ khoa học công nghệ.
Chúng ta không thể tạo ra một tương lai phù hợp với con cháu chúng ta bằng các hệ thống vốn được xây dựng cho ông bà chúng ta.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres phát biểu trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai diễn ra tại New York (Mỹ) trong hai ngày 22-23 tháng 9 (UN)
Nhấn mạnh nhân loại đang đứng trước cơ hội lịch sử để đưa thế giới bước vào thời đại mới, kỷ nguyên phát triển mới tốt đẹp hơn, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước kêu gọi các bên "thống nhất nhận thức cùng hành động, cùng nỗ lực và hợp tác chặt chẽ hiệu quả". Theo nhà lãnh đạo Việt Nam, Liên Hiệp Quốc - với vai trò trung tâm, điều phối và các tổ chức quốc tế - cần tiếp tục có những đóng góp thiết thực hơn, hiệu quả hơn, mạnh mẽ hơn trong mục tiêu ngăn ngừa hiểm họa đối với sự phát triển nhanh, bền vững của thế giới ngay từ hôm nay.
Ông khẳng định Việt Nam hoan nghênh những văn kiện được thông qua tại hội nghị và hy vọng những nội dung văn kiện sẽ được triển khai quyết liệt, hiệu quả. "Việt Nam cam kết sẽ đóng góp tích cực, hiệu quả vào các nỗ lực chung nhằm xây dựng thế giới hòa bình, phát triển bình đẳng vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân loại", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước kết thúc bài phát biểu trong tiếng vỗ tay.
56 hành động vì tương lai thế giới
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres, người đã đưa ra ý tưởng "Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai", coi đây là "cơ hội ngàn năm có một" để định hình lại lịch sử loài người bằng cách khơi dậy lại sự hợp tác quốc tế.
Tại hội nghị ngày 22-9, các nước đã nhất trí thông qua Văn kiện vì tương lai, Văn kiện số toàn cầu và Tuyên bố về các thế hệ tương lai. Các văn kiện này có nội dung toàn diện, đề ra những hành động, mục tiêu tham vọng trên tất cả các lĩnh vực hợp tác tại Liên Hiệp Quốc. Các văn kiện cũng được xem như kế hoạch tổng thể của Liên Hiệp Quốc nhằm giải quyết những thách thức mà nhân loại đang phải đối mặt, với 56 "hành động" bao gồm mọi thứ từ gìn giữ hòa bình đến các mối đe dọa tiềm tàng do trí tuệ nhân tạo gây ra.
"Chúng tôi tin rằng có một con đường dẫn đến tương lai tươi sáng hơn cho toàn thể nhân loại", các nhà lãnh đạo khẳng định trong các văn kiện. Nhấn mạnh "những thách thức ngày càng phức tạp" đối với hòa bình thế giới, các văn kiện đã nhắc lại các nguyên tắc cốt lõi của Liên Hiệp Quốc, kêu gọi từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Các văn kiện cũng đề ra cam kết đẩy nhanh các nỗ lực đạt được Mục tiêu phát triển bền vững năm 2030 nhằm xóa bỏ tình trạng nghèo đói, thúc đẩy bình đẳng giới và giáo dục, đồng thời "cải cách cấu trúc tài chính quốc tế" để giúp các quốc gia chuẩn bị ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu.
Gặp gỡ trí thức Việt
Trước đó trong sáng 22-9 (giờ New York), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã dành hoạt động đầu tiên trong chuyến công tác Mỹ cho nhóm trí thức các thế hệ người Việt Nam sinh sống tại thành phố Houston (bang Texas, Mỹ). Tổng Bí thư, Chủ tịch nước mong muốn các trí thức Việt Nam ở Mỹ và khắp nơi trên thế giới đoàn kết, đồng lòng đồng sức tiếp tục có những đóng góp vì tương lai phát triển, hướng tới một kỷ nguyên mới của đất nước.
Đại diện nhóm trí thức người Việt ở Houston, ông Vũ Văn Lê, bày tỏ xúc động và khẳng định các thế hệ trí thức người Việt chưa bao giờ ngừng nghĩ về Việt Nam, luôn cố gắng đóng góp trí tuệ, tâm huyết cho tương lai một đất nước Việt Nam cường thịnh.
Đồ họa: THANH HIỀN - NGỌC THÀNH. Nguồn: BỘ NGOẠI GIAO
DUY LINH
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online